Sửa luật thể dục cần lưu ý đến thể thao học đường

(PLO) - Trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi bổ sung Luật thể dục thể thao, nhiều ĐBQh đã đề nghị cần bổ sung các quy định để tăng cường hoạt động thể thao trong nhà trường.
Sửa luật thể dục cần lưu ý đến thể thao học đường

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng Tp Hà Nội cho rằng, hiện nay giáo dục thể chất trong nhà trường đang có sự mất cân đối giữa giáo dục trí lực và giáo dục thể lực. Số tiết học trong tuần của môn thể dục, giáo dục thể chất chênh lệch quá nhiều đối với các môn học khác.

ĐB nhận định giáo dục thể chất là cần thiết đối với lứa tuổi học sinh. Thậm chí, ông còn cho rằng tầm quan trọng ngang các môn học Văn hay Toán. Bên cạnh đó, hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường không phải là hoạt động tự nguyện mà cần phải xác định là hoạt động ưu tiên. Do vậy, dự thảo luật cần có quy định để điều chỉnh vấn đề này. 

Chung quan điểm, ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng phát triển giáo dục thể chất trong học đường là đường lối đúng đắn của Đảng giúp các em học sinh luyện sức khỏe, nâng cao tầm vóc, góp phần giúp các em tránh xa các tệ nạn như nghiện game hay bạo lực. Tuy nhiên, hiên nay, hoạt động thể dục, thể thao trong nhà trường thời gian qua còn mang tính hình thức.

Đặc biệt, bà đề nghị cần kêu gọi đầu tư và nâng cao chất lượng thể thao học đường, nhất là môn bơi lội để giảm nạn đuối nước còn xảy ra hiện nay.

Đứng ở góc độ bảo tồn các môn thể thao truyền thống, giáo dục thể chất đi kèm giáo duc truyền thống cho học sinh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị bổ sung các môn thể thao cổ truyền vào chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường để bảo tồn các môn thể thao truyền thống của dân tộc.

Trước đó, Theo Tờ trình về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao dự kiến trực tiếp sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm: khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục, thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao trong Luật Thể dục, thể thao hiện hành để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đọc thêm