Tá hỏa vì 'cổng chào cá nhân'

(PLO) -Người viết bài này đang làm cuốn kỷ yếu cho một ngành. Tá hỏa vì lãnh đạo 100% có học vị tiến sỹ. Mừng hay buồn? Tất nhiên chẳng có gì phải buồn. Đất nước cần ở những người lãnh đạo giỏi chứ không cần thấy họ có gắn “mác” giáo sư, phó giáo sư hay học vị tiến sỹ này nọ.

Do đâu mà xã hội “cuồng” tiến sỹ đến vậy?. Tất nhiên, trước hết là để xin việc làm, được hưởng “chính sách” trọng người tài, để thăng quan, tiến chức. Hiện nay trong Luật Công chức và Luật Viên chức cũng như các văn bản liên quan đều có các điều khoản quy định về những ưu tiên, đặc cách đối với đối tượng có bằng cấp cao như thạc sĩ và tiến sĩ. Nhiều địa phương có chính sách trải thảm đỏ với những người có bằng tiến sĩ hoặc học hàm giáo sư, phó giáo sư nếu về công tác, dù chưa biết họ sẽ cống hiến gì.

Đốí với người “hướng dẫn” thạc sỹ, tiến sỹ thì đó là “điều kiện cứng” để nhiều người vươn tới danh vị cao hơn: giáo sư, phó giáo sư sau này. Có cầu, tất nhiên có cung.

Đã là tiến sỹ thì phải nghiên cứu chứ không phải làm ông nọ bà kia, vì như thế là sai định hướng, nhiều nhà khoa học chân chính đã lên tiếng. Điều dễ thấy là “hội chứng tiến sỹ” đã và đang tạo ra một sự lãng phí ghê gớm cho đất nước, bởi dù là tiền cá nhân bỏ ra làm tiến sỹ thì cũng là nguồn lực. 

Nếu như “học vị tiến sỹ” đang được hiểu như là “cổng chào cá nhân” thì đất nước này cũng đang có nhiều loại “cổng chào” khác, như: “cổng chào làng”, “cổng chào xã”.... ”cổng chào tỉnh”. Mới đây, một làng ở Nghệ An làm cổng chào 4 tỉ đồng, nhưng không là gì khi năm ngoái, một tỉnh xây dựng một cổng chào chi phí hàng trăm tỉ, hoành tráng nhất nước và khi xây dựng cổng chào này, người ta sẵn sàng bẻ cong một đoạn quốc lộ. Có huyện nghèo miền núi ở tỉnh nọ xây cổng chào cả tỉ vì “dân có nguyện vọng”. Mấy chữ “dân có nguyện vọng” đang được chính quyền nhiều địa phương lợi dụng khi thực hiện nhiều dự án “trái khoáy” như vậy.

Vì sao hội chứng “cổng làng” rầm rộ từ làng lên tỉnh đến vậy? Ngày xưa gốc của “cổng làng” là “tư duy cát cứ”, cổng làng thời hiện đại là có bóng dáng của “tư duy kiếm ăn”, dự toán lớn thì “con số tuyệt đối” của phần “lại quả” càng lớn.

Có lẽ chính vì lãng phí quá lớn nên Việt Nam mới có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Luật số 44/2013/QH13). Nhưng xem ra, Luật này chỉ có mang tính “biểu tượng”, ý nghĩa như lời hiệu triệu? Bao giờ thì tiết kiệm trở thành văn hóa của một quốc gia, mỗi cá nhân? Chắc chắn điều này đòi hỏi chính sách quản trị quốc gia phải khoa học, căn cơ và là cuộc đấu tranh lâu dài về văn hóa, nếp sống.

Trong khi chờ đợi điều đó, hy vọng năm 2018 sẽ mở đầu bằng hành vi tiết kiệm. 

Đọc thêm