Tại sao tự chủ giáo dục đại học vẫn nửa vời?

(PLVN) - Việt Nam hiện có 23 trường đại học thí điểm tự chủ. Thực tế hiện nay vấn đề tự chủ ở các trường đại học chưa thực hiện rốt ráo do vướng nhiều luật khác nhau…
Tự chủ đại học chậm do… nhiều luật? (Ảnh minh họa).
Tự chủ đại học chậm do… nhiều luật? (Ảnh minh họa).

Vấn đề này một lần nữa được xới xáo tại hội thảo về giáo dục Việt Nam 2020 “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ GD-ĐT và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức. 

Nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được Đảng và Nhà nước xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, tự chủ đại học (ĐH) là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, trong thời gian vừa qua, đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mang tính lịch sử. Quá trình tự chủ ĐH bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập hai ĐH quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM, với tinh thần tự chủ ĐH. Vì vậy, hai cơ sở này thành lập theo nghị định của Chính phủ và có dấu quốc huy.

Sau đó, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của GDĐH lần đầu được đưa vào Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2005, Chính phủ chỉ đạo thí điểm tự chủ ĐH nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính.

Những năm tiếp theo đã có sự thay đổi là các dự án thành lập trường ĐH xuất sắc như ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp, ĐH Việt Nhật, nhằm xây dựng những mô hình quản trị ĐH theo hướng tự chủ.

Trong nước còn có những mô hình của một số trường ĐH ngoài công lập và sự nỗ lực của một số trường công lập như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và hai ĐH quốc gia... Đây là một trong nhiều cơ sở quan trọng hình thành Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 24/10/2014 về thực hiện thí điểm tự chủ ĐH.

Nhằm luật hóa tinh thần tự chủ ĐH, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2018 ra đời. Chất lượng giáo dục ĐH có những cải tiến rõ rệt khi nhiều trường ĐH nằm trong tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, lãnh đạo các cấp và đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo đều thừa nhận, quá trình tự chủ ĐH tại Việt Nam đang có những “điểm nghẽn”. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quản trị giáo dục ĐH ở Việt Nam bị phân mảnh trên nhiều bình diện, có nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực thi, các cơ chế giải trình chưa hoàn thiện, các kết nối giữa cơ sở đào tạo và thị trường hạn chế, quản lý nhân sự học thuật bất cập.

Hội đồng trường… hình thức

Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, nếu không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, nếu Hội đồng trường không được giao thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì hiệu quả quản trị nhà trường, chất lượng ĐH và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện, thậm chí công sản đã đầu tư vào các ĐH công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích riêng.

Theo ông Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc do về phía cơ quan chủ quản của trường còn tâm lý “ôm”, chưa sẵn sàng giao tự chủ, trong khi nhiều trường vốn quen được ngân sách “nuôi”, nay phải gánh hai chữ “tự chủ” nên chưa sẵn sàng nhập cuộc.

Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nhận định, có lẽ do quá quen thuộc với việc được “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn chi tiết, ám ảnh bởi cơ chế xin-cho và có lẽ cả lo sợ bị làm sai, phải chờ hướng dẫn cụ thể nên giờ đây, khi các cơ hội được tự chủ, tự quyết định và tự nắm vận mệnh của chính mình đang mở ra thì một số cơ sở GD-ĐH vẫn còn dè dặt và chờ đợi sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

GS Hoàng Xuân Sính - ĐH Thăng Long đề xuất cần hỗ trợ ngân sách cho các trường ĐH công lớn. Cần phải làm như các nước phát triển, nghĩa là học phí chỉ chiếm một phần trong ngân sách nhà trường, còn lại là phần của Nhà nước. Như vậy mới có sự phát triển thực sự được. Muốn có mặt trong xếp hạng thế giới thì phải làm như người ta, không thể duy ý chí được.

Đối với các trường ĐH ngoài công lập, GS Sính cho rằng nếu không bỏ tiền thì phải bỏ tâm. Chẳng hạn, khi cho trường ĐH ngoài công lập ra đời thì cho nó một chỗ nương thân mà nó có thể sống được nghĩa là có sinh viên đến học, không nên cho một miếng đất chẳng hạn ở chân núi Tam Đảo, nên thơ thật đấy, nhưng chẳng ai dám đến học. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, có hai việc rất quan trọng để thực hiện tự chủ theo đúng hướng và đúng quy luật. Thứ nhất, phải có Hội đồng trường thực quyền theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động theo cơ chế tập thể, Hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH. 

Thứ hai, các trường đều phải xây dựng một bộ quy chế hoạt động đầy đủ, chi tiết theo quy định của pháp luật giống như “một bộ luật của trường” và phải công khai cho sinh viên, giáo viên, người lao động trong trường và người dân quan tâm có thể cho ý kiến và giám sát như trường như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân…

Chính phủ sẽ chắt lọc và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục điều chỉnh về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, tổ chức kiểm tra giám sát trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH, đẩy nhanh việc điều chỉnh, sửa đổi những bất cập, hạn chế trong các văn bản dưới luật…

Đọc thêm