Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để xóa bỏ những “u nhọt” trong hoạt động giáo dục và đào tạo

(PLVN) - Bên lề Đại hội Đảng XIII,  trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực trong những năm tới đây.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

PV: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đâu là những kết quả Bộ trưởng tâm đắc nhất?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Có rất nhiều kết quả, mà trước hết là tạo được hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới.

Ở bậc mầm non, đã phổ cập được mầm non 5 tuổi trên toàn quốc. Đây là kết quả rất lớn khi nước ta có mức thu nhập trung bình và trong điểu kiện còn rất nhiều vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Chúng ta cũng đạt được phổ cập tiểu học và THCS ở mức độ cao. Hiện nay, các địa phương đã đạt được chuẩn giáo dục tiểu học mức độ 3, chất lượng tiểu học vào nhóm đầu các nước ASEAN. Đồng thời, có khoảng 18 địa phương đạt mức độ 2, 3 đối với cấp THCS.

Chất lượng giáo dục phổ thông cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Kết quả của giáo dục mũi nhọn thể hiện trong các giải Olympic quốc tế cũng đạt rất cao. Trong 5 năm qua, Việt Nam đạt 54 huy chương vàng - gấp đôi giai đoạn 5 năm trước đó.

Với giáo dục đại học, giai đoạn vừa qua cũng nhiều điểm sáng. Trước hết, thực hiện tự chủ đại học, nhiều trường đại học thực hiện rất mạnh quản trị đại học, trong đó có một số đại học đã bắt đầu xuất hiện trên các bản đồ xếp hạng quốc tế. Lần đầu tiên Việt Nam có 4 trường đại học được xếp trong nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới, 11 cơ sở giáo dục đại học xếp trong nhóm 500 trường tốt nhất Châu Á.

"Kinh nghiệm rút ra là phải kiên trì đổi mới và đến nay, đổi mới đã đi đúng hướng - đây là điểm quan trọng" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Đối với mầm non quan trọng là tạo điều kiện tốt về chăm sóc, nuôi dưỡng, an toàn cho trẻ. Còn đối với phổ thông, giai đoạn vừa rồi đánh dấu quá trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Nổi bật của lần đổi mới này là cách tiếp cận chuyển từ truyền đạt nội dung chuyển sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Nói cụ thể hơn là nếu như trước đây học sinh học hết một học kỳ, một năm học biết cái gì, thì nay là biết làm gì. Điều này khắc phục được cơ bản học lý thuyết mà không gắn với thực hiện, không gắn với trải nghiệm.

Còn đối với đại học, chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học rất mạnh. Lần đầu tiên tư duy tự chủ đại học đã ngấm được vào đội ngũ lãnh đạo các trường đại học. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm thời gian, bởi tự chủ đại học là một quá trình. Quan trọng là lãnh đạo các trường đại học thấy được tự chủ là tất yếu. Bên cạnh tự chủ là gắn với trách nhiệm giải trình và thực hiện tốt tự chủ là gắn với chất lượng…

Điểm nổi bật của lần đổi mới này là cách tiếp cận chuyển từ truyền đạt nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, khắc phục tình trạng học lý thuyết không gắn với thực hiện, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang làm rất mạnh về kiểm định và minh bạch về chất lượng. Các trường đại học đang thực hiện theo cơ chế cạnh tranh nên chương trình đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chất lượng, điều kiện đảm bảo chất lượng phải được công khai, minh bạch.

Tới đây, Bộ sẽ tập trung rà soát, ban hành cơ chế chính sách, tạo môi trường đủ thông thoáng và chặt chẽ cho các cơ sở GD&ĐT hoạt động mang tính cạnh tranh và tăng cường thanh, kiểm tra. Nhưng thanh tra, kiểm tra không phải siết lại hoạt động, mà xóa bỏ những “u nhọt” để môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, dân chủ.

PV: Có ý kiến cho rằng, chúng ta đang nghiêng về đào tạo nhiều hơn về giáo dục. Vậy Bộ trưởng có nhận định gì về quan điểm này?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đó là ý kiến có cơ sở. GD&ĐT rất rộng, liên quan đến mọi người, mọi nhà. Không chỉ có nước ta mà nước khác cũng vậy. Kỳ vọng của mỗi người học và gia đình bao giờ cũng lớn, trong khi điều kiện thực hiện thì ở mức độ.

Riêng chúng ta là nước có mức thu nhập trung bình còn thấp, mà chúng ta thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, để chất lượng giáo dục tiến nhanh với nền giáo dục tiên tiến. Với mục tiêu là toàn diện, chúng ta lại có truyền thống khoa bảng và rất nhiều thứ cộng lại.

Do vậy, bên cạnh cái được rất lớn là về kiến thức thì vấn đề giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, vấn đề về đạo đức, những vấn đề liên quan đến ứng xử, giáo dục thể chất để tầm vóc, thể lực của các em đảm bảo toàn diện còn hạn chế. Nên ý nói rằng, chúng ta thiên nhiều về đào tạo mà chưa nhiều về giáo dục là có cơ sở.

Nhưng bên cạnh cái được rất lớn về kiến thức, vấn đề giáo dục kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm, vấn đề về đạo đức, ứng xử, giáo dục thể chất để tầm vóc, thể lực của các em đảm bảo toàn diện còn hạn chế.

Tuy nhiên, phải nghĩ một cách công bằng, đối với giáo dục phổ thông, chúng ta tập trung nhiều về giáo dục, vì hướng tới sự toàn diện.

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành sư phạm bắt nhịp và đổi mới chương trình đào tạo. Ảnh: etep.moet.gov.vn
 Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, ngành sư phạm bắt nhịp và đổi mới chương trình đào tạo. Ảnh: etep.moet.gov.vn

Còn với đại học, đó là nghề, phải chuyên sâu. Muốn chuyên sâu được thì phải đào tạo. Dù vậy, sinh viên đại học cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện nên cần tạo môi trường cho sinh viên học các kỹ năng, nhất là những kỹ năng tiếp cận môi trường doanh nghiệp, việc làm.

Vừa qua, ngành Giáo dục thực hiện Đề án 1665 - Đề án của Thủ tướng về khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Mỗi năm không chỉ thu hút khoảng 500-600 đề án, ý tưởng sáng tạo của sinh viên, mà còn tạo ra một môi trường cho sinh viên trải nghiệm và chia sẻ kinh nghiệm. Đào tạo phải được hiểu theo nghĩa không chỉ có kiến thức nghề nghiệp, mà cần cả ứng xử và rất nhiều kỹ năng nghề nghiệp.

Tới đây, chúng tôi tiếp tục phát huy những cái được và đã nhìn nhận ra những cái tạm gọi là “trũng”, là yếu để tiếp tục có chính sách chỉ đạo tốt hơn. Cũng có những hạn chế không cần dùng nguồn lực mà chỉ cần mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý, quản trị nhà trường nhằm giải phóng nguồn lực của các trường và xã hội.

"Tôi tin rằng, 5 năm tới giáo dục đại học của chúng ta sẽ có nhiều chuyển biến mạnh, còn giáo dục phổ thông cố gắng ổn định và từng bước đi theo hướng toàn diện. Như vậy sẽ tốt dần lên"  - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

PV: Văn kiện Đại hội XIII đề cập nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Định hướng này sẽ được triển khai thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi đánh giá rất cao, đây không phải ngẫu nhiên mà là một quá trình, là tập hợp rất nhiều những ý kiến trí tuệ của những người trong ban soạn thảo và những người trong  giới khoa học, các trường đại học.

Tôi cũng được tham gia là thành viên tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội. Theo tôi, đổi mới, sáng tạo là hồn cốt của trường đại học. Khi nói đến khoa học hay nói đến đổi mới, sáng tạo không có nghĩa là phải làm ra cái mới khác cái cũ mà là có phương pháp, tư duy, phương thức để đổi mới. Ở bậc đại học, đổi mới trước hết là trong hoạt động dạy và học, đổi mới trong cả phương thức kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp.

Thuật ngữ “đổi mới sáng tạo” được coi là một trong những điểm nhấn tới đây phải thực hiện. Ý tưởng đổi mới sáng tạo không phải mới có nhưng chưa được đúc rút nhiều. Tôi tin rằng, giai đoạn 2021-2026, vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lực lượng trí thức, hướng tới xã hội số, dân trí số sẽ được thúc đẩy rất mạnh.

Vì đây liên quan đến xu hướng, chúng ta đi đúng xu hướng. Nếu xu hướng thuận thì mọi người sẽ ý thức được và chủ động để bắt nhịp. Nếu nhận thức về xu hướng còn “lừng khừng” thì luôn luôn là người đi sau, mà đã là người đi sau thì không nắm bắt được cơ hội.

Tôi cho rằng giai đoạn tới đây sẽ là thời cơ cho giáo dục Việt Nam cất cánh, với đường hướng rõ ràng, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt là quyết tâm của toàn ngành sẽ tạo ra những chuyển biến rất mạnh.

Tôi lấy ví dụ, hiện nay có nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề thiếu giáo viên (cụ thể là giáo viên tiếng Anh và giáo viên công nghệ thông tin, vì đây sẽ là 2 môn học bắt buộc từ lớp 3), với tư duy truyền thông thì đúng là thiếu thật, nhưng với tư duy mới là áp dụng công nghệ thông tin thông qua dạy trực tuyến và sử dụng bài giảng theo nguồn tài nguyên số thì giáo viên không nhất thiết phải đủ số lượng như dạy học truyền thống…

PV: Theo Bộ trưởng, tới cuối nhiệm kỳ, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta có thể thay đổi và định lượng được không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cái đó cần phải tính toán. Nhưng với những căn cứ mà chúng tôi đã và đang làm, tôi có niềm tin là sẽ có sự chuyển động mạnh mẽ về chất lượng nguồn nhân lực trong những năm tới đây.

Đọc thêm