Tê giác, luật pháp và người nổi tiếng

(PLO) - Tuần qua có một tin mừng cho giới bảo tồn động vật hoang dã đó là nạn săn bắn tê giác để lấy sừng tại Nam Phi đã giảm năm thứ 2 liên tiếp, cụ thể là giảm 10% từ 1.175 con năm 2015 xuống còn 1.054 con năm 2016. Tuy nhiên, nạn săn bắn tê giác để lấy sừng và tiêu thụ sừng tê giác vẫn là một thực tế nhức nhối của toàn cầu. 
Tê giác, luật pháp  và người nổi tiếng

Theo số liệu thống kê của TRAFFIC - một mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã, nạn săn bắn tê giác ở Nam Phi đã bị thổi bùng - từ số lượng 83 con năm 2008 cho đến mức kỉ lục 1.215 con năm 2014 - để đáp ứng nhu cầu nóng hổi của các nước Châu Á đang trên đà phát triển như Việt Nam, nơi sừng tê giác được tôn vinh như một loại thần dược.

Nam Phi sở hữu hơn 80 phần trăm tổng số tê giác trên thế giới với khoảng 18 ngàn con tê giác trắng và gần 2 ngàn tê giác đen, nguyên nhân chính đẩy đất nước này vào tâm điểm của khủng hoảng săn bắn lấy sừng. “Những băng nhóm tội phạm săn bắn động vật trái phép được trang bị vũ khí đầy đủ và được tài trợ tài chính bởi các nhóm khủng bố và tội phạm có tổ chức đa quốc gia, đây là những kẻ sẽ không bao giờ ngừng nhúng tay vào hoạt săn bắn tê giác để lấy sừng” - Bộ trưởng Bộ Môi trường Nam Phi cho biết. 

Trước tình hình này Liên Hợp quốc cũng đã đưa ra một công ước quy định về việc cấm buôn bán sừng tê trên toàn cầu. Tuy nhiên, mới đây lại dấy lên mối lo mới khi ngày 8/2/2017, trong Công báo Vol 620/Issue No. 40601, Chính phủ Nam Phi đã đưa ra dự thảo luật, đề nghị cho phép buôn bán sừng tê giác và các sản phẩm từ sừng tê giác. Nếu được thông qua, sừng tê giác từ Nam Phi có thể được nhập khẩu hợp pháp vào các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam – nơi được cộng đồng quốc tế coi là một thị trường tiêu thụ sừng tê giác lớn và là một trong những nguyên nhân chính khiến quần thể tê giác tại Nam Phi và các quốc gia khác đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV bày tỏ lo lắng: “Hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ khiến công tác thực thi pháp luật tại các quốc gia tiêu thụ sừng tê giác trở nên vô cùng khó khăn trong khi tiếp tục kích thích nhu cầu tiêu thụ và vì vậy gia tăng áp lực lên các quần thể tê giác hoang dã trên thế giới. Bước đi này không những đi ngược lại với các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm mà còn đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của tê giác”.

Cũng theo bà Hà, trong những năm gần đây Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi và hoàn thiện các quy định pháp luật, theo Bộ luật Hình sự mới của Việt Nam dự kiến có hiệu lực năm 2017, thì mọi hành vi vi phạm liên quan đến một lượng nhỏ sừng tê giác (từ 50gram trở lên) đều bị khởi tố. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tại Việt Nam sẽ gặp phải những thách thức lớn nếu Nam Phi hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác.

Để phản đối quyết định này, những ngôi sao lớn của Việt Nam như diva Hồng Nhung, ca sĩ Thanh Bùi, MC Anh Tuấn và nhiều nghệ sĩ khác đang cùng Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hưởng ứng chiến dịch “We don’t want your rhino horn” (Chúng tôi không muốn sừng tê giác!) do tổ chức bảo vệ động vật Born Free khởi xướng đặt mục tiêu thu thập 50.000 chữ ký trên khắp Việt Nam.

Diva Hồng Nhung, Đại sứ bảo vệ tê giác của ENV cho biết: “Là một công dân Việt Nam đã từng chứng kiến tê giác bị thảm sát ở Nam Phi, tôi cùng những nghệ sĩ khác và người dân Việt Nam muốn gửi thông điệp đến những người đề xuất buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi rằng chúng tôi, người Việt Nam không muốn sừng tê giác của các bạn!”. Hồng Nhung cũng kêu gọi Chính phủ Nam Phi hủy bỏ dự luật này và cùng Việt Nam bảo vệ tê giác.

Đọc thêm