Thâm nhập đường dây “bằng thật học giả” giữa Hà Nội (kỳ 2): Trao tiền nhận bằng, cho thí sinh 'đóng thế' thi nâng hệ

(PLVN) - B.B.Đ (SN 1998, quê Bắc Giang) đóng 5 triệu đồng đã có bằng trung cấp dù không học buổi nào. Anh này được thông báo nộp thêm tiền và đến thi, mà thực chất là chép đáp án, thậm chí nhờ người khác đến chép hộ, để có bằng cao đẳng.
Không cần học, không cần thi học viên cũng có bằng một trường trung cấp.
Không cần học, không cần thi học viên cũng có bằng một trường trung cấp.

Thâm nhập đường dây 'bằng thật học giả' giữa Hà Nội (kỳ 1): Không cần học, không cần thi, chỉ cần nộp tiền

Tuyển sinh hay “làm” bằng?

Đ từng có thời gian sang Hàn Quốc, nói tiếng Hàn lưu loát, do dịch bệnh Covid-19 nên về Việt Nam. Vì không muốn lãng phí thời gian do dịch Covid-19 nên Đ muốn tận dụng thời gian này học thêm một bằng cao đẳng tiếng Hàn. Bởi nếu có bằng cao đẳng tiếng Hàn thì khi sang Hàn Quốc du học có thể có nhiều cơ hội.

Tháng 6/2020, qua thông tin trên Facebook, Đ liên hệ với số điện thoại của người tự giới thiệu có thể đào tạo cấp tốc bằng cao đẳng tiếng Hàn. Sau đó một phụ nữ chủ động gọi lại cho Đ, hẹn đến tầng 5 Viện âm nhạc để tư vấn. Người này giới thiệu tên là V (cũng là người phụ nữ mà bài kỳ 1 chúng tôi đã đề cập, người này giới thiệu làm ở phòng tuyển sinh trường ĐH Đ.Đ). Thấy giới thiệu chỉ trong 3 tháng là có bằng, Đ tò mò muốn hỏi rõ thực hư. 

Giữa tháng 6/2020, Đ đến tầng 5 Viện âm nhạc và được người phụ nữ tên V tư vấn. Theo đó, chị V giới thiệu rằng với trường hợp của Đ cần làm 2 bước, trước tiên là đăng ký rồi thi lấy bằng trung cấp, sau đó liên thông lên cao đẳng. Khi Đ nói dự kiến tháng 9 sẽ quay lại Hàn Quốc nhập học thì người này cam đoan lúc đó sẽ xong xuôi, có bằng. 

“Tháng 7 thi, tháng 8 là có bằng rồi. Kể cả sang Hàn cũng có thể học online để lấy bằng cao đẳng. Bỏ qua trung cấp, liên thông luôn. Học thì thế nào cũng được nhưng tháng 7 thi bắt buộc em phải đến, Cao đẳng C.T cấp bằng”.

Vẫn lời người phụ nữ này, đến thi chỉ là hình thức còn sẽ có người đưa bài cho chép, “chép bài thế nào thì chị hướng dẫn sau, nói tóm lại chỉ việc chép. Ai vào phòng thi cũng chép như nhau cả thôi”.

Trong cuộc hội thoại với Đ, chị V gợi ý chỉ việc đóng thêm 3 triệu là có thể thi luôn chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, sau này có thể đi dạy tiếng Hàn. Chị này liên tục quảng cáo đã xử lý bằng cấp, chứng chỉ cho rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tiếng Hàn.

Theo chị V, làm hướng dẫn viên du lịch dẫn đoàn cần có thẻ do sở du lịch cấp. Muốn được cấp thẻ này thì bắt buộc phải có một bằng cao đẳng tiếng Hàn và chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Và thực tế là chỉ hợp thức hóa bằng cấp chứ “học 2-3 năm cao đẳng cũng chỉ bằng học tiếng bên Hàn 2-3 tháng”.

Vẫn lời người phụ nữ tên V, Đ sẽ được cấp bằng cao đẳng tiếng Hàn chính quy. Bà này khẳng định: “Bằng tốt nghiệp hệ cử nhân, khoa Tiếng Hàn. Ở đây chị làm trọn vẹn, không mua bán bằng, người thật việc thật, bằng thật còn kiến thức hơi ảo chút. Còn chị không mua bán bằng”.

Đ cho biết, thỏa thuận ban đầu giữa anh với chị V là Đ sẽ được cấp bằng cao đẳng tiếng Hàn với giá 35 triệu đồng. Trước mắt, Đ đóng 5 triệu để làm bằng cao đẳng, bằng trung cấp chỉ việc đóng tiền chứ không cần thi, không cần học.

Tại sao vẫn có hồ sơ sinh viên, phôi bằng thật?

Trong tài liệu cung cấp cho phóng viên, Đ có bảng điểm các môn thi và bằng một trường trung cấp. Theo bảng kết quả học tập, Đ có mã số sinh viên, niên khóa từ 2017 đến 2019 hệ đào tạo Chính quy. Với 15 môn học, điểm trung bình học tập là 7,4; 3 môn thi tốt nghiệp và điểm trung bình học tập toàn khóa là 7,3, đạt loại khá. 

Sau khi Đ có bằng Trung cấp, chị V tiếp tục liên lạc với Đ để thi lên cao đẳng nhưng do bận việc nên Đ không tham gia được. Người tư vấn thông báo bằng cao đẳng cũng không cần học nhưng phải thi và cho biết sẽ mang đề về cho thi riêng.

“Em không phải học, chị này nói trước khi thi khoảng 10 ngày sẽ báo trước. Tuy nhiên, có 1 lần em được báo 3 ngày nữa thi nhưng vì gia đình có việc gấp em không thi được. Chị ấy nói thôi không cần đến, chị ấy sẽ lấy đề cho em thi sau”, Đ nói.

Từ đó Đ không hề theo học. Tuy nhiên, người phụ nữ tên V vẫn khẳng định sẽ có bằng cao đẳng như đã hứa.

Học viên được hướng dẫn nhờ bạn đi thi hộ.
 Học viên được hướng dẫn nhờ bạn đi thi hộ. 

Trong khi chờ đợi đề thi cao đẳng như hứa hẹn, vì lịch thi bị lùi do dịch Covid -19, Đ bày tỏ lo ngại không lấy được bằng trước khi quay lại Hàn Quốc. “Em nói kế hoạch của em là tháng 9 bay, chị ấy chắc chắn với em là có. Khi nhắn chị ấy nói phải học zoom cho hợp lệ. Nếu em đã qua Hàn thì nói đứa bạn thân đi thi hộ”, Đ thuật lại.

Tổng cộng số tiền Đ đã nộp là 8 triệu đồng, trong đó 5 triệu là có phiếu thu đóng dấu của trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Ba Đình, lý do thu: CĐ tiếng Hàn. “Em không có nhu cầu làm bằng trung cấp nên hỏi lại thì họ nói bằng trung cấp bình thường đã có giá 10 triệu, em phải đưa thêm tiền để nâng cấp lên bằng cao đẳng”, Đ nói. Đ ngỏ ý muốn rút lại tiền thì nhận được câu trả lời ‘Bằng trung cấp thì ra rồi, học phí trung cấp em còn chưa đóng đủ, chị em tạo điều kiện cho nhau”.

Đầu tháng 10, chị V thông báo Đ tới thi.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Đ không đến lớp, học online buổi nào vẫn có hồ sơ lưu tại một trường trung cấp, có bằng trung cấp? Các đợt thi lên cao đẳng do đơn vị nào tổ chức, giám sát, công nhận kết quả, "ra" bằng. Một mình người tư vấn tên V không thể làm được những việc này.

Đọc thêm