Thâm nhập đường dây 'bằng thật học giả' giữa Hà Nội (Kỳ 4): Mạo danh hay liên kết ngầm?

(PLVN) - Trong khi một số trường phủ nhận việc đào tạo “bằng thật học giả” thì Hiệu phó một trường cao đẳng lại chia sẻ tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay.

Thâm nhập đường dây 'bằng thật học giả' giữa Hà Nội (kỳ 1): Không cần học, không cần thi, chỉ cần nộp tiền

** Thâm nhập đường dây “bằng thật học giả” giữa Hà Nội (kỳ 2): Trao tiền nhận bằng, cho thí sinh 'đóng thế' thi nâng hệ

*** Thâm nhập đường dây 'bằng thật học giả' giữa Hà Nội (kỳ 3): Công khai cho thi hộ, chép bài, trường bị 'điểm tên' nói gì?

Khó khăn trong quản lý?

Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh 3 kỳ về đường dây “bằng thật học giả” giữa Hà Nội, không ít bạn đọc và những sinh viên học thật bày tỏ sự bức xúc về công tác tuyển sinh, đào tạo cấp tốc, “học giả bằng thật” của một số trường hiện nay.

Các đối tượng tự xưng là cán bộ Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam và Đại học Đông Đô mở văn phòng tuyển sinh, tổ chức thi tuyển công khai giữa Hà Nội, được chúng tôi nhắc trong bài viết kỳ 1, 2, 3, nhưng lại không thuộc cơ quan nào quản lý về nghiệp vụ, kể cả về con người.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Đóa (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Đô) cho biết trường có 3 cơ sở trong đó Viện Âm nhạc (đường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một số khoa chuyên môn, giảng dạy ở đây.

“Tuy nhiên, từ tháng 8/2019, trường không tuyển sinh ở văn phòng nào, cũng không có văn bản nào về việc tuyển thêm sinh viên”, ông Đóa nói.

Khi phóng viên đưa ảnh nhờ ông Đóa xác nhận về người phụ nữ tên V (tư vấn cho học viên việc “học giả bằng thật” được nhắc đến ở những bài trước) có đang công tác tại trường, vị Chủ tịch Hội đồng trường cho biết nhiều người ông không biết mặt. Ông Đóa đưa cho phóng viên một danh sách nhân sự ở văn phòng Viện âm nhạc và đề nghị phóng viên tự tìm. 

Khi không có tên cô V trong danh sách này, ông Đóa khẳng định người này không phải nhân sự trường Đông Đô và đề nghị gọi điện cho chị này. Việc trao đổi của ông Đóa với chị V được ông công khai cho phóng viên nghe. Ông Đóa không rõ ai là người quản lý phòng 501- 4 mà cô V ngồi tư vấn cho học viên. 

Ông Phạm Ngọc Đóa - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Đô trao đổi với phóng viên.
 Ông Phạm Ngọc Đóa - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Đô trao đổi với phóng viên. 

Trong cuộc điện thoại với người phụ nữ tên V, ông Đóa nói, qua lời giới thiệu của người đàn ông tên Hiệp (một phó khoa trường Đông Đô trụ sở Viện Âm nhạc) nên muốn được học ngành kế toán thì chị V cho biết đang tuyển sinh. Cũng theo lời chị V, trường Đông Đô năm nay dừng tuyển sinh nhưng có một số trường nhận hồ sơ như Cao đẳng Kinh tế công nghệ, Thành Đông. 

Sau một hồi trao đổi, người tên V lại nhận tuyển sinh trường Thành Đông. “Trước em có làm tuyển sinh cho trường Đông Đô 2 năm nhưng hiện trường này không tuyển sinh. Em chỉ tư vấn còn nếu nộp hồ sơ thêm thì anh cứ nộp qua anh Hiệp”, chị V nói với ông Đóa qua điện thoại.

Lúc này, ông Đóa cho rằng người tuyển sinh này là giả mạo, tự xưng tuyển sinh của trường Đông Đô. “Tức là đội tư vấn tuyển sinh này thực chất là những người làm dịch vụ tuyển học sinh nhiều trường để lấy tiền hoa hồng. Khi học viên cần trường gì thì những người này sẽ tư vấn trường đó. Họ tư vấn tuyển sinh thì mình không thể biết, mình không quản lý”, ông Đóa cho hay.

Theo ông Đóa, văn phòng tuyển sinh của trường ở Viện âm nhạc là đơn vị hạch toán độc lập, “đại lý” tự bỏ tiền thuê trụ sở, điện nước. Trước đó, văn phòng tuyển sinh cho trường Đông Đô nhưng giờ trường không tuyển sinh nữa thì "họ tuyển bên ngoài. Họ có thể lấy chỉ tiêu của trường khác về để tư vấn tuyển sinh, việc quản lý những người này rất khó".

Vậy việc ông Hiệp là phó khoa liệu có phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường, ban giám hiệu khi để người ngoài vào cơ sở của trường tuyển sinh?. Trước câu hỏi này, ông Đóa cho biết đến giờ mới biết sự việc.

Cũng theo ông Đóa, thời kỳ hoàng kim, nhà trường có tới 300 tư vấn tuyển sinh, kí giấy giới thiệu cộng tác viên tuyển sinh của trường Đông Đô. “Đây là việc các tư vấn lợi dụng văn phòng không có chỉ tiêu để tư vấn tuyển sinh”, ông Đóa nhận định.

Vậy việc dùng trụ sở trường Đông Đô để tư vấn tuyển sinh các trường khác sẽ làm ảnh hưởng uy tín của trường thì ông Đóa cho rằng: “Thời kỳ này Đông Đô chả có uy tín đâu mà lợi dụng”.

Trường nói không tổ chức thi?

Ở diễn biến khác, như báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, sau khi được tư vấn, đóng tiền, học viên Đ (nhân vật ở kỳ trước) nhờ người khác thi hộ. Ngày 3/10, tại  Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy (địa chỉ số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội), Đ nhờ người thi hộ các môn: Giáo dục chính trị, Ngoại ngữ, tiếng Việt thực hành, Giáo dục Quốc phòng và an Ninh, Pháp luật, Tin học. Trên đề thi và người coi thi tự xưng là của trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam. 

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam cho biết, buổi thi ngày 3/10 không phải do nhà trường tổ chức.

“Lớp phải có giấy thi của nhà trường, quyết định thành lập hội đồng thi, chữ ký giáo viên của trường. Những người coi thi cũng không phải cán bộ của trường. Do vậy, đề nghị cơ quan báo chí thông tin cảnh báo, phòng ngừa; đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra vào cuộc làm rõ những đối tượng mạo danh đó”, ông Sửu nói. 

Văn phòng Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam tại số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam tại  số 2, ngõ 181, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Vị hiệu trưởng khẳng định những đề thi được đăng tải cũng không phải của nhà trường, trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam có mẫu giấy thi riêng.

Ông Sửu liên tục phủ nhận việc trường tổ chức thi cho các học viên ngày 3/10 vừa qua. Về việc hồ sơ của nhà trường được phát cho học viên để hoàn thiện, ông Sửu giải thích trường có rất nhiều, phát miễn phí. " thể qua trang web của trường, nhiều người tư vấn đó là quyền của họ, trường không kiểm soát", đại diện trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, theo ông Sửu những học viên có tên đi thi đều không có tên trong danh sách sinh viên theo học tại trường.

Trong khi đó, theo đại diện nhà trường tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Đức mới đào tạo trình độ trung cấp. Nhà trường mới tuyển sinh, chưa cấp bằng cho học viên nào.

Vấn đề ở đây là có sự mâu thuẫn về thông tin khi ông Đỗ Phú Việt, Giám đốc Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy khẳng định ngày 3/10 vừa qua Trường Cao đẳng Bách Khoa Việt Nam đã tổ chức cho các lớp thi tại Trung tâm số 2.

“Bằng thật học giả” đã diễn ra nhiều năm?

Một trường khác cũng được “cò” nhắc đến trong việc “học cấp tốc” là trường Cao đẳng Công thương Hà Nội. Trao đổi về việc liên thông, cấp bằng nhanh, ông Nguyễn Phong Tân – Phó Hiệu trưởng trường khẳng định trường không có hình thức liên kết đào tạo để cấp bằng ngoại ngữ. 

Việc liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng từ các trường khác rất ít, chủ yếu liên thông trong hệ thống nhà trường, theo mô hình đào tạo 9+.

Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội được thành lập từ năm 2003, đào tạo khoảng 40 mã ngành. Các ngành đào tạo ngoại ngữ như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Anh mở đã 3 năm nhưng lại không tuyển sinh được. Riêng năm nay, trường chỉ tuyển sinh được 10 em học tiếng Hàn. 

Liên quan tới vấn đề đào tạo “bằng thật học giả”, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định trường không có việc “đào tao cấp tốc” hay ghép lớp lấy bằng nhanh. Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, vấn nạn “bằng thật học giả” trong xã hội là có, tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm về trước.

Ông Nguyễn Phong Tân – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.
 Ông Nguyễn Phong Tân – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.

Thậm chí, ông Tân còn chia sẻ việc bản thân được các đối tượng “mời chào”: “Cách đây 3 tháng tôi có nhận được một cuộc gọi của một người tôi không hề quen đặt vấn đề có 20 người muốn học “lấy bằng nhanh” nhưng tôi không chấp nhận. Tôi không bao giờ làm việc bán rẻ danh dự của mình và nhà trường. Những trường hợp này, các bạn học viên đã biết tiếng Hàn và muốn đi xuất khẩu lao động nên cần hợp thức hóa”.

Về vấn đề “bằng thật học giả” ông Tân cho biết, các trường tiếp nhận liên thông rất khó phân biệt. Vị Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Công thương Hà Nội lý giải: “Trước đây phân biệt bằng giả dễ hơn vì nhìn vào con dấu có thể phần nào phán đoán được. Nhà trường có nghi ngờ chỉ cần gửi văn bản về trường cũ để xác nhận. Trong khi đó, với “bằng thật học giả” này thì dấu là thật, bảng điểm của thí sinh cũng là thật”.

Vậy các đối tượng tư vấn mạo danh các trường tuyển sinh, tổ chức thi hay hai bên có sự liên kết ngầm?. Cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc làm rõ.

Mời độc giả đọc tiếp các thông tin liên quan ở những kỳ sau.

Đọc thêm