Thi lớp 10 ở Hà Nội: Em 8 điểm mỗi môn vẫn trượt, em 3 điểm đỗ

Trong khi trường THPT Chu Văn An lấy điểm chuẩn 48,75 thì trường Đại Cường hay Minh Quang chỉ lấy 16 điểm.

Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm 2019 cho thấy sự chênh lệch đầu vào rất lớn giữa các trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn.

Trong 112 trường THPT công lập của thành phố, 23 trường lấy trên 40 điểm, chủ yếu thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Ví dụ trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) lấy 46,5 điểm, THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình) và Kim Liên (Đống Đa) 46,25.

Điểm chuẩn cao nhất là trường Chu Văn An (quận Tây Hồ) với 48,75. Theo cách tính điểm xét tuyển của Hà Nội (Toán và Ngữ văn hệ số 2, Tiếng Anh và Lịch sử hệ số 1), thí sinh phải đạt trung bình 8,125 điểm mới đỗ. Nếu cả bốn môn đạt 8 - mức điểm giỏi, các em vẫn trượt do năm nay không cộng điểm ưu tiên.

Một thí sinh ngủ gục trên bàn trước giờ thi môn Toán vào lớp 10 ở Hà Nội hôm 2/6. Ảnh: Giang Huy

Một thí sinh ngủ gục trên bàn trước giờ thi môn Toán vào lớp 10 ở Hà Nội hôm 2/6. Ảnh: Giang Huy

Cách trường Chu Văn An khoảng 60-70 km, ba trường THPT Đại Cường (Ứng Hòa), Mỹ Đức C (Mỹ Đức), Minh Quang (Ba Vì) lấy điểm chuẩn là 16. Học sinh chỉ cần 2,7 điểm mỗi môn là trúng tuyển. Dù điểm chuẩn thuộc nhóm thấp nhất trong những năm qua, các trường này vẫn phải tuyển bổ sung nguyện vọng 3.

Một số trường khác ở ba huyện kể trên cũng có điểm chuẩn rất thấp gồm THPT Lưu Hoàng (18), Hợp Thanh (18,5) và Bất Bạt (19).

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, trường THPT Lý Tử Tấn ở huyện Thường Tín lấy điểm chuẩn 19,5, trở thành một trong bảy trường có điểm đầu vào dưới 20. Học sinh chỉ cần đạt 3,25 điểm mỗi môn để được học ở trường này.

Nếu Hà Nội không chia khu vực, thí sinh đạt mức trung bình tức 5 điểm mỗi môn và tổng điểm xét tuyển là 30 thì có thể trúng tuyển vào 35 trường.

Năm ngoái, hiệu trưởng một số trường có điểm đầu vào thuộc nhóm thấp nhất như Đại Cường, Mỹ Đức C hay Lưu Hoàng khẳng địnhđa số thí sinh trúng tuyển vào trường ở mức điểm cao. Tuy nhiên, nhà trường vẫn lấy điểm chuẩn thấp để tạo cơ hội nhiều nhất cho các em vào học trường công.

Thực tế, các trường này không phải là lựa chọn của thí sinh, số nguyện vọng đăng ký ít hơn chỉ tiêu. Trường THPT Đại Cường được giao 315 chỉ tiêu lớp 10 năm học 2019-2020, nhưng số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 chỉ là 209. Trên lý thuyết, các em nghiễm nhiên trúng tuyển nguyện vọng 1.

Tương tự, trường THPT Mỹ Đức C tuyển 405 chỉ tiêu nhưng tổng số nguyện vọng 1 là 353. Trường Minh Quang tuyển 360 chỉ tiêu trong khi chỉ có 239 em đặt mong muốn cao nhất vào trường.

Điểm chuẩn lớp 10 cao nhất ở các quận, huyện Điểm chuẩn Tây Hồ Ba Đình Hoàn Kiếm Hai Bà Trưng Đống Đa Thanh Xuân Cầu Giấy Hoàng Mai Thanh Trì Long Biên Gia Lâm Sóc Sơn Đông Anh Mê Linh Bắc Từ Liêm Nam Từ Liêm Hoài Đức Đan Phượng Phúc Thọ Sơn Tây Ba Vì Thạch Thất Quốc Oai Hà Đông Chương Mỹ Thanh Oai Thường Tín Phú Xuyên Mỹ Đức Ứng Hòa 0 5 10 15 20 25 30 35 40 45 50 55

Tính riêng điểm chuẩn trường top 1 của các quận, huyện, sự chênh lệch cũng thấy rõ. Mức cao nhất thuộc về quận Tây Hồ với 48,75 điểm (trường THPT Chu Văn An). Thấp nhất là hai huyện nông thôn gồm Thanh Oai với 29,5 (trường THPT Thanh Oai A) và Ứng Hòa với 29,75 (trường THPT Trần Đăng Ninh), tức học sinh chỉ cần đạt 5 điểm mỗi môn là thừa đỗ.

Năm 2019, Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230. Số còn lại phải học các trường ngoài công lập với mức học phí cao hơn hẳn hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.

Đây là năm đầu tiên thành phố chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS; và cũng là lần đầu tiên thí sinh phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử, trong đó Lịch sử được công bố vào tháng 3.

Đọc thêm