Thi lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh nháo nhào tìm lớp luyện thi môn Sử

(PLVN) - Ngày 11/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố chính thức môn thi thứ 4 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (sớm hơn so với dự kiến). Theo đó, ngoài 3 môn thi đã công bố là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 là Lịch sử…
Kì thi khốc liệt vào lớp 10 đang tới gần. Ảnh minh họa
Kì thi khốc liệt vào lớp 10 đang tới gần. Ảnh minh họa

Luyện thi vào mùa

Được biết, năm học 2019-2020, Hà Nội có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước. Khoảng 60-62% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 20% vào cấp III tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, số còn lại tham gia học nghề.

Với đặc thù là môn học đòi hỏi ghi nhớ nhiều nên đa phần học sinh đều lo lắng về cách học, phương pháp học trong thời gian còn lại khi biết thông tin môn thi thứ 4 là môn Lịch sử. Vấn đề học sinh đang lo lắng là làm sao để nhớ được khối lượng kiến thức khổng lồ trên.

Minh Anh, học sinh lớp 9 tại Hà Nội chia sẻ: “Môn Lịch sử lâu nay học sinh thường học thuộc lòng nên tình trạng học trước quên sau rất phổ biến. Nhớ được kiến thức cơ bản cùng với các mốc thời gian là vấn đề chúng em rất lo lắng, đặc biệt là việc ôn cùng lúc 4 môn”. 

Chị Trịnh Tuyết (ở Đại Mỗ, Hà Nội) khi nghe tin môn thứ 4 là Lịch sử đã lo lắng: “Từ 2 môn, các con phải thi 4 môn đã là quá nặng. Môn Lịch sử thực sự quá nặng vì học sinh phải nhớ các dấu mốc, con số. Hàng ngày, tôi đã phải cùng con học Văn thì bắt đầu từ bây giờ, tôi sẽ phải cùng con học Sử. Không những học sinh áp lực vì thi mà phụ huynh cũng mệt mỏi vì học cùng con”.

Không phải khi môn thi thứ 4 được công bố thì phụ huynh mới nháo nhào cho con đi luyện thi tất cả các môn. Mà trước đó, phần đa phụ huynh đều có tâm lý, con phải luyện thi khắp nơi, nên nghe tiếng ở đâu có thầy tốt là tìm tới.

Em Mai Anh (ở phố Nguyễn Thị Định) cho biết: “Lịch học của em đến hiện tại là 9 ca/ ngày. Mẹ em tìm lớp ở đâu thì em học. Muốn nghỉ bớt mẹ em cũng không cho. Vì đó là những lớp mà mẹ phải vất vả mới xin được, vì đã quá đông”…

Ngay khi có công bố thi Sử, không ít lò luyện thi đã thông báo mở lớp luyện thi cấp tốc môn học này với lời quảng cáo hấp dẫn: “Lớp học do thầy K.D.D, giáo viên đang giảng dạy tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đứng lớp.

Số lượng có hạn, thời gian gấp rút, quý phụ huynh hãy nhanh tay đăng ký” ; “Lớp học sẽ khai giảng ngay trong tuần này với thời gian học mỗi buổi 2 tiếng, mức học phí là 200.000 đồng/học sinh/buổi. Khoá học sẽ kéo dài 10 buổi/10 tuần, giúp học sinh hệ thống hoá lại kiến thức và làm quen với đề thi minh hoạ”…  

Cùng với các lớp luyện thi cấp tốc, các sách ôn tập môn thi thứ tư vào lớp 10 là môn lịch sử cũng được quảng cáo rất rầm rộ với mức giá từ khoảng 30.000 - 45.000 đồng/cuốn…

Không nên luyện thi tràn lan

Theo cấu trúc đề thi minh họa được công bố vào tháng 10/2018, phạm vi kiến thức nằm trong chương trình lớp 9, mức độ câu hỏi chỉ ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi vận dụng cao.

Do đề thi trắc nghiệm với số lượng 40 câu nên câu hỏi trong đề thi có mặt ở mọi chuyên đề, bài học mà học sinh được học ở lớp 9, từ lịch sử thế giới (1945-2000) và lịch sử Việt Nam (1919-2000). Trong đó, tỉ lệ câu hỏi về lịch sử Việt Nam chiếm khoảng 70%.

Với cấu trúc và hình thức đề thi như vậy, yêu cầu đầu tiên đối với học sinh là cần bám sát chương trình lớp 9 để ôn tập. “SGK lớp 9 là kim chỉ nam để học sinh ôn luyện trong thời gian gần 3 tháng còn lại. Học sinh cần đọc kỹ sách giáo khoa, trả lời các câu hỏi cuối bài, chú ý đọc các bài tổng kết để khái quát kiến thức. Đồng thời cần hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy để dễ nhớ các kiến thức cơ bản, dễ tra cứu khi cần” - Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ.

Đồng thời, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai cũng lưu ý học sinh: “Đề thi tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố học sinh, không có câu hỏi tích hợp hay vận dụng kiến thức thực tế. Từ đề thi minh họa có thể thấy, đề thi chú trọng kiểm tra khả năng ghi nhớ các sự kiện, nhân vật lịch sử và mốc thời gian nổi bật, bên cạnh đó cũng yêu cầu học sinh phải nắm được những đặc điểm nổi bật của từng giai đoạn lịch sử, có cái nhìn tổng quát xuyên suốt cả thời kì lịch sử để trả lời những câu hỏi liên chuyên đề”. 

Thạc sĩ Lịch sử Nguyễn Thị Quỳnh Mai đưa ra lời khuyên với thí sinh: tháng 3 tập trung rà soát các kiến thức theo chương trình lớp 9, tháng 4 có thể kết hợp luyện đề và ôn bổ sung kiến thức còn thiếu, tháng 5 cần đẩy mạnh luyện đề, bấm giờ như thi thật, rèn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi trong đề thi không khó nhưng cần rèn luyện nhiều để hình thành phản xạ và tránh sai sót để mất điểm đáng tiếc.

Đồng thời, các em cần bình tĩnh, lên kế hoạch học tập và ôn luyện trong thời gian còn lại cho môn Lịch sử nói riêng và cả 4 môn thi tuyển vào lớp 10 hợp lý nhất. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể trao đổi tại nhóm bạn cùng học để thảo luận hoặc hỏi trực tiếp giáo viên đang giảng dạy. Đặc biệt, không nên đi học thêm tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi làm ảnh hưởng đến kết quả học tập chung.…

Và thực tế, không phải cứ đi luyện thi là con đều có thể đỗ vào các trường chuyên, trường tốp đầu. Không ít giáo viên dạy thêm đã khẳng định: “ Gia đình yên tâm, con nhất định sẽ đỗ chuyên Sử Chu Văn An”. Thế nhưng, kết quả bạn “yên tâm” đó chỉ được 3 điểm cho môn thi chuyên.

Mặc dù phụ huynh nào cũng nói cố gắng dồn hết cho con luyện thi, bởi không vào được lớp 10 các con sẽ làm gì, tuy nhiên, điều quan trọng, phụ huynh nên lượng sức học của con em mình, chứ không phải cứ ào ào đến các lớp luyện thi đến kiệt sức là con sẽ đỗ vào trường tốp đầu…

Đọc thêm