Thi THPT quốc gia 2017- Vì sao còn nhiều băn khoăn?

(PLO) - Dù so với quy chế xét tuyển sinh đại học 2016, quy chế năm 2017 có nhiều thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, với thầy cô “trong cuộc” vẫn còn không ít băn khoăn, bởi thời gian quá gấp rút…
Thí sinh có tránh được học tủ, học lệch?
Thí sinh có tránh được học tủ, học lệch?

Lo trông thi “lỏng”

Theo GS. Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Lâm nghiệp thì quy chế năm 2017 có nhiều thuận lợi cho thí sinh (TS). Đó là Bộ quy định xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Đây là một điểm mới rất được ghi nhận nhằm giúp TS sớm có tư duy về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi trong tương lai để nỗ lực hơn trong quá trình học và thi đồng thời giảm áp lực cho các trường trong xét tuyển đợt 1. 

Đồng thời, Bộ cũng quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. Thay đổi này giúp cho TS có cơ hội lựa chọn được ngành nghề phù hợp theo mức điểm đạt được đồng thời hạn chế được sự “hỗn loạn”của một số năm trước khi TS đến trường đòi rút hồ sơ để nộp vào trường khác.

Và việc quy định mỗi tỉnh chỉ có một cụm thi và giao hẳn cho sở GD-ĐT chủ trì khi tiến hành cụm thi đó, còn các trường đại học, cao đẳng trên cùng địa bàn có phối hợp để tổ chức thi đã được các chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên, để giảm thiểu những tiêu cực trong coi thi ở cụm thi địa phương, các chuyên gia cho rằng phải có sự giám sát. Bởi câu hỏi đặt ra vẫn là làm thế nào kết quả thi đánh giá khách quan. Nhiều thầy cô cho rằng, những năm trước đây đã làm nhưng kết quả chưa thực sự khách quan. 

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc lo lắng thi cụm địa phương vẫn luôn thường trực khi những cụm coi thi, chấm thi “lỏng tay” điểm của  TS sẽ cao hơn ở những cụm “chặt tay”. Nhưng lại cùng dùng điểm đó để xét tuyển vào các trường ĐH là không công bằng với chính các TS. Do đó, đây là điều mà một kỳ thi THPT quốc gia chung không thể khắc phục được. 

Mặt khác, để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng. Dù với đề thi trắc nghiệm, Bộ cho biết có giải pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử đó là thi trắc nghiệm khách quan, mỗi TS một mã đề tiêu chuẩn. Nhưng thực tế, thi trắc nghiệm  khó nhất là làm thế nào để coi thi khách quan. Thi trắc nghiệm coi thi không chặt chẽ thì dễ lộ bài hơn  tự luận. Bởi theo các chuyên gia, mỗi người một mã đề nhưng cũng chỉ là đảo số câu từ một vài đề trong số đó thôi. Các trường với các sở phải đồng hành thì mới mong có sự khách quan như mong đợi.

Có kịp ôn thi?

GS Văn Như Cương cho rằng, việc Bộ ra Quy chế khi thời gian từ nay đến lúc thi chỉ còn 4 tháng. Trong khi đó, nhiều TS đã định hướng từ lớp 10. Vậy có kịp không? Còn các trường cũng không kịp hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Với đề thi tổng hợp  sẽ ảnh hưởng đến học sinh. Vì từ lớp 10, các em đã định hướng thi khối ngành nào, và có những môn học nào. Giờ thêm một số môn không nằm trong kế hoạch ôn tập nên các em không những không ôn kịp mà  thậm chí các em sẽ hoang mang vì chỉ còn 4 tháng nữa thôi.

Theo quy chế, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do TS tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội);  TS học chương trình Giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do TS tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.  Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Hiện theo khảo sát sơ bộ ở nhiều trường THPT tại Hà Nội, số học sinh có hướng chọn bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) để dự kỳ thi THPT quốc gia vẫn chiếm tỉ lệ cao. Tuy nhiên, so với các năm trước, số học sinh chọn bài thi tổ hợp có các môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đã nhiều hơn trước.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, trong đợt khảo sát, thăm dò học sinh lần thứ nhất, toàn trường có tới 80% đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội. Theo lý giải của thầy Lâm: “Học sinh trường tôi học ban D nhiều, nên các em đăng ký bài thi tổ hợp khoa học xã hội, vì phù hợp với năng lực cũng như có lợi thế hơn cho việc đăng ký các tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thầy Lâm cũng cho biết cuối tháng 3 này trường mới tiến hành khảo sát chính thức để xếp lớp ôn tập. Kết quả có thể sẽ thay đổi so với lần đầu”.

Đó là chưa kể, nếu như năm 2017, đề thi chỉ trong chương trình lớp 12 thì năm 2018, đề thi còn nặng gấp đôi. TS.Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng: “Việc đưa ra lộ trình thi tôi thấy là cần thiết nhưng quá nhanh. Bởi, theo Bộ GD-ĐT năm 2017 nội dung thi tập trung ở kiến thức lớp 12 nhưng đến năm 2018 thì kiến thức thi ở cả lớp 11, 12 và đến năm 2019 kiến thức thi tất cả lớp 10, 11, 12.  Theo lộ trình này khối lượng kiến thức thi năm sau sẽ tăng gấp đôi so với năm nay, điều này trở thành gánh nặng đối với học sinh dự thi ở các năm sau. Do vậy, hoặc chúng ta thực hiện lộ trình này chậm hơn hoặc là cần chuyển toàn bộ các môn thi sang hình thức trắc nghiệm khách quan, nếu không sẽ trở thành thách thức rất lớn đối với TS. 

Hơn nữa, theo TS Khuyến, tinh thần của chúng ta là học gì thi nấy, đánh giá toàn diện nhưng trong Quy chế TS vẫn được lựa chọn một trong hai bài thi Khoa học Xã hội hoặc Khoa học Tự nhiên. Khi vẫn được lựa chọn thì sẽ vẫn còn tình trạng học lệch, chưa đánh giá được toàn diện và rõ ràng lượng TS vẫn phân thành 2 hướng như trước đây… 

Đọc thêm