Thi THPT Quốc gia: Hồi hộp chờ đề thi thử

(PLO) - Theo dự kiến, giữa tháng 5 Bộ sẽ công bố đề thi thử nghiệm nên thời điểm này học sinh và các trường đang mong chờ đề thi thử. Hiện học sinh và thầy cô đang khá lo lắng, lo đề thi thử có nhiều thay đổi, trong khi thời gian thi chỉ còn 1 tháng nữa sẽ không kịp ôn tập…
Học sinh thi THPT quốc gia hồi hộp chờ đề thi thử. (Ảnh minh họa)
Học sinh thi THPT quốc gia hồi hộp chờ đề thi thử. (Ảnh minh họa)

Mong không xáo trộn

Mới đây trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng, đã thông tin về thời gian Bộ GD-ĐT công bố đề thi thử nghiệm THPT quốc gia 2017 theo 5 bài thi. Theo đó, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình học, dự kiến giữa tháng 5 tới Bộ sẽ công bố 5 bài thi thử nghiệm để học sinh làm quen với định dạng đề thi, phương thức thi theo bài.  Lý do Bộ chọn thời điểm giữa tháng 5 công bố đề thi thử nghiệm lần cuối cùng là bởi thời điểm này học sinh lớp 12 đã học xong chương trình phổ thông, các em gần như có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức để trải nghiệm đề thi hiệu quả nhất.

Học sinh lớp 12 ở nhiều trường THPT Hà Nội chia sẻ, đến thời điểm này các em khá lo, nếu đề thi thử nghiệm tới đây lại khác nhiều so với đề minh họa và đề thử nghiệm lần 1 thì học sinh không còn thời gian để ôn tập. Nhiều giáo viên cũng cho rằng, sau 2 lần thử nghiệm thì đề thi lần này sẽ phải chuẩn chỉnh nhất, đừng khiến học sinh hoang mang vì thay đổi nhiều so với đề thi thử nghiệm công bố lần trước. Cũng không nên thay đổi theo hướng khó hơn hoặc dễ hơn quá nhiều mà chỉ nên tinh chỉnh về mặt kỹ thuật. Bởi đã là đề thi thử nghiệm cho học sinh trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, đặc biệt là về mặt khoa học. 

Theo khảo sát sơ bộ ở nhiều trường THPT tại Hà Nội, số học sinh có hướng chọn bài thi khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) để dự kỳ thi THPT quốc gia vẫn chiếm tỉ lệ cao. Tuy nhiên, so với các năm trước, số học sinh chọn bài thi tổ hợp có các môn khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đã nhiều hơn trước.

Hồng Anh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết: “Riêng với môn lịch sử, thi trắc nghiệm lại khiến chúng em đỡ lo hơn. Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản nhất, các mốc thời gian, sự kiện là xong. Nhưng môn giáo dục công dân là môn lần đầu tiên thi, chúng em không có dữ liệu đề thi các năm trước để tham khảo nên cũng hơi lo lắng. Dù qua đợt thi thử vừa qua của Hà Nội thì em thấy cũng không quá căng thẳng”.

Cùng quan điểm này, M.A, học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu em định đăng ký thi bài khoa học xã hội, vì nghĩ Giáo dục công dân sẽ chỉ hỏi các câu liên hệ đời sống. Nhưng khi làm bài thi thử nghiệm của Bộ GD-ĐT thì mới biết có nhiều câu hỏi kiến thức về luật pháp. Vì thế bắt buộc phải học chính xác. Nên em chọn khoa học tự nhiên”.

Trái lại, một nam sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết, do được ôn tập ngay sau khi học bài mới theo các chuyên đề nên chúng em nắm chắc bài giáo dục công dân. Môn này đúng là mới thi, nhưng theo em không đáng ngại.

Lo ôn quá tải

Về quy chế và phương án thi năm nay, đa số học sinh Hà Nội chỉ lo ngại phải ôn tập cùng lúc nhiều môn học quá nên hơi bị quá tải. Một học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ, trong thời gian này em phải lo ôn thi 6 môn để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Năm nay nhiều môn thi, đến ngay thầy cô cũng mông lung không thể hướng dẫn hết được cho học sinh, nên bạn nào yếu môn nào thì thầy cô sẽ củng cố cho môn đó.

Bản thân em tập trung ôn các môn theo khối D là chính, còn với các môn thi dùng để xét tốt nghiệp như bài thi tổ hợp xã hội thì em chủ yếu tự ôn ở nhà vì chỉ cần tránh điểm liệt là được. Ở lớp em cũng có đến 70% các bạn chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội (KHXH). Bởi các em quan niệm, bài thi tổ hợp KHXH dễ ăn điểm hơn nên chỉ cần học thuộc lòng và “tán” thêm thì chắc chắn đạt trên 5 điểm. Đây cũng chính là lý do khiến thí sinh quyết định chọn bài thi KHXH nhiều như năm nay.

Thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thái Tổ, Hà Nội cũng cho biết, theo thống kê của trường thì có 60% chọn bài thi KHXH và 40% chọn bài thi khoa học tự nhiên. Lường trước những thay đổi trong thi cử nên từ đầu năm nhà trường đã tổ chức thi thử 7 lần, theo hình thức thi trắc nghiệm ở các môn để các em quen với cách thi mới. Giáo viên đổi mới cách dạy học cũng như kiểm tra, sau mỗi lần kiểm tra năng lực của các em tốt hơn. Qua đợt khảo sát vừa qua của Hà Nội thì học sinh lớp 12 của trường đạt tổng điểm khá tốt vì các em có sự chuẩn bị chu đáo.

Đọc thêm