Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Gần 500 thí sinh vắng mặt buổi thi đầu tiên

(PLVN) - Ngày 2/6, học sinh Hà Nội bước vào kì thi “căng hơn thi Đại học” với 2 môn thi: Ngữ văn và Toán. Đây là năm đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi tới 4 môn (Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và là năm đầu tiên sau mấy chục năm chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, mà không có thêm bất cứ điểm cộng nào…
Phụ huynh chờ con trong tâm trạng âu lo.
Phụ huynh chờ con trong tâm trạng âu lo.

Thí sinh bật khóc, phụ huynh “nín thở” 

“Nín thở, hồi hộp, căng thẳng, lo hơn cả mình thi”… là những chia sẻ của phần đa phụ huynh đưa con tới trường thi tại Hà Nội. Chị Thu Hà, (quận Tây Hồ) cho biết: “Càng gần đến ngày thi mình càng căng thẳng, lo mất ăn, mất ngủ. Đi làm mà mình không biết con ở nhà có tự học không, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ngày thi đang cận kề. Năm nay, ngoài thi Toán và Ngữ văn, con phải thi thêm 2 môn Ngoại ngữ và Lịch sử nên việc học tập bị áp lực hơn.

Tháng 3/2019, Sở GD&ĐT Hà Nội mới công bố môn thứ 4 là Lịch sử nên thời gian để học sinh ôn luyện thì ít mà dung lượng kiến thức lại nhiều. Dù muốn con giữ gìn sức khỏe, thế nhưng, hầu như ngày nào con cũng học từ sáng đến tối khiến mình cứ thấp thỏm không yên, mong sao kỳ thi diễn ra suôn sẻ, con làm được bài”.

Tại điểm thi Phan Đình Phùng, có gia đình 5, 6 người “hộ tống” một thí sinh cho  bớt căng thẳng. Thậm chí, những cô,  cậu học trò của những kì thi trước đưa em đến trường thi cũng cho rằng: “Đến giờ nghĩ lại kì thi vào 10 vẫn chưa hết run”…

Dù không có con vào 10 trong kì thi năm nay, nhưng trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng: “Tại sao để chen chân một suất vào trường công lại quá vất vả như vậy? Ngoại trừ những học sinh  học lực quá kém hoặc không muốn học lên cao nữa, muốn rẽ ngang đi học nghề hoặc lao động sớm, còn lại, tất cả những đứa trẻ 14, 15 tuổi này cần được phổ cập giáo dục THPT. Cháu nào muốn thi vào trường chuyên lớp chọn thì tự nguyện tham gia thi đấu để tuyển chọn chứ cứ thế này thì kỳ thi vào THPT còn căng thẳng hơn cả thi vào ĐH – CĐ, áp lực không cần thiết cho xã hội”.

Tại các điểm thi Hà Nội - Amsterdam, THCS Nam Trung Yên…, sau buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội sáng 2/6, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, thở phào vì đề thi dễ thở. Đức Anh, một thí sinh tại điểm thi Phan Đình Phùng cho biết, đây là đề thi 13 năm nay chưa lặp lại, nhưng do đã được ôn luyện kĩ nên em thấy khá tự tin và thoải mái.

Cô Đỗ Khánh Phương, Giáo viên Ngữ văn tại Hocmai cũng cho biết: “Đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với năm trước, tính phân loại của đề thi hợp lí hơn do việc thay đổi trong việc sử dụng ngữ liệu, cách thức ra đề thi. Ở phần 2: Đoạn văn gây bất ngờ vì không nằm trong văn bản đọc hiểu nhưng lại nằm trong phần luyện tập sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 2 trang 11 và là đoạn nghị luận xã hội. Điều này sẽ tránh được tình trạng học tủ của học sinh”.

Khác với môn Văn, chiều 2/6, thí sinh Hà Nội kết thúc môn Toán, với tâm trạng buồn rầu so với môn thi Ngữ văn buổi sáng. Theo chia sẻ của nhiều học sinh, đến từ nhiều trường THCS khác nhau, hầu như các em không hoàn thành trọn vẹn bài thi môn Toán. Có thí sinh bật khóc ngay khi nộp bài thi. Tại điểm thi  Trường Chu Văn An, Phan Đình Phùng… nhiều thí sinh đã khóc. 

Đề thi môn Toán của Hà Nội năm nay gồm 5 câu. Phần đa thí sinh không làm được là câu 5 (0,5 điểm), yêu cầu tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của biểu thức. Đây là câu dành cho những thí sinh thực sự giỏi để đạt điểm tuyệt đối. Ngoài ra, câu 4 (3 điểm) về hình học cũng nhiều thí sinh “mắc”, không làm hết câu.  Các thí sinh cho biết, đề thi có tính phân loại cao. 

Cảm xúc khác nhau của thí sinh khi rời phòng thi.
Cảm xúc khác nhau của thí sinh khi rời phòng thi.

Nhiều hiệu trưởng trường THPT nhận định với số lượng thí sinh dự thi giảm, số môn thi tăng lên, chắc chắn điểm chuẩn năm nay sẽ giảm mạnh so với năm trước. Việc thay đổi cách tính điểm thêm môn Tiếng Anh và Lịch sử thay vì lấy điểm xét THCS khiến mức điểm chuẩn các trường có thể giảm từ 5 đến hơn 10 điểm (tùy từng trường). Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, thí sinh sẽ khó xác định mức điểm của mình khi không có căn cứ số liệu chung toàn thành phố về mặt bằng đánh giá 4 môn thi.

Một số thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có hơn 101.000 thí sinh tốt nghiệp THCS, số đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm nay gần 86.000 học sinh. So với năm học trước, số học sinh đăng ký dự tuyển ít hơn gần 10.000 học sinh.

Tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 các trường công lập chiếm 62%. Còn lại khoảng 23.000 học sinh, trong đó 20% vào các trường THPT tư thục, 10% vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và số còn lại tham gia học nghề.

Năm nay, để đảm bảo không nảy sinh tình trạng vi phạm quy chế chỉnh sửa bài thi như kỳ thi THPT Quốc gia 2018, hay kỳ thi vào lớp 10 năm 2018 tại Hà Nội cũng đã xảy ra tình trạng cán bộ coi thi làm “lọt” đề thi ra bên ngoài...

Ông Lê Ngọc Quang (Phó GĐ Sở GD&ĐT) cho biết, thanh tra, kiểm tra việc bố trí các tủ/thùng dùng cho cán bộ chấm thi và cán bộ làm nhiệm vụ khác trong phòng để điện thoại và vật dụng cá nhân không được phép mang vào phòng chấm thi theo quy định. Camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm.

Đội trưởng Đội Giáo dục, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP Hà Nội Nguyễn Khánh Ly cũng lưu ý, có hai loại thiết bị công nghệ cao thường được sử dụng trong gian lận thi cử là thiết bị thu - phát có dây nhỏ bằng hạt đỗ, được thả vào trong tai và thiết bị thu - phát không dây có kích thước bằng chiếc thẻ ATM, được hóa trang nẹp vào cổ áo.

Do vậy, các cán bộ tham gia coi thi cần tăng cường giám sát thí sinh trong suốt quá trình làm nhiệm vụ. Chú ý những thí sinh có các hành vi bất thường trong thời gian làm bài như hay ngọ nguậy, ngứa tai, ngứa cổ…

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kết thúc môn thi đầu tiên Ngữ Văn kỳ thi vào lớp 10, có 6 thí sinh vi phạm quy chế thi, 497 em không đến phòng thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi vào hôm qua 1/6 là 85.557 em. Toàn thành phố có 169 điểm thi.

Các trường hợp vi phạm quy chế, trong đó có 3 em đình chỉ, 3 em khiển trách, cụ thể: Có 3 thí sinh mang tài liệu vào phòng thi, 1 thí sinh sử dụng điện thoại di động, 2 thí sinh trao đổi bài và 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Trong buổi thi môn Toán chiều 2/6 có 2 thí sinh bị đình chỉ do vi phạm quy chế thi.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay, toàn TP có tổng số 85.873 học sinh đăng ký dự thi (kể cả tuyển thẳng) trên tổng chỉ tiêu là 63.090. Tổng số nguyện vọng 1 và 2 đăng ký dự tuyển vào các trường là 167.678, trong đó, nguyện vọng 1 là 85.873, nguyện vọng 2 là 81.891.

Với tỷ lệ tuyển vào trường công lập chiếm 62%, ước tính có khoảng 23.000 học sinh không đủ điều kiện vào học trường trung học phổ thông công lập.  Điểm mới của 2019, Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. 

Ngày 2/6, hơn 13.000 thí sinh Đà Nẵng bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TP với môn thi Ngữ văn đầu tiên. “Sập tủ” là tâm trạng chung của nhiều thí sinh ở Đà Nẵng sau khi kết thúc buổi thi môn Ngữ văn.

Thí sinh Ngọc Minh (HS trường THCS Tây Sơn) cho biết, so với đề thi môn Ngữ văn năm ngoái, đề thi năm nay tương đối “dễ thở”. Tuy nhiên theo Minh, bản thân em và phần lớn các bạn đều bất ngờ khi tác phẩm Chiếc lược ngà được đưa vào đề thi. “Chúng em đều dự đoán năm nay đề thi sẽ ra phần thơ chứ không phải truyện ngắn. Mà tác phẩm này đã được chọn để ra đề thi cách đây một năm rồi nên bọn em cũng không ôn kỹ”, Minh nói.

Với câu hỏi nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lời chào trong giao tiếp hàng ngày, theo thí sính Hoàng Anh (Trường THCS Trưng Vương), đây là câu hỏi dễ lấy điểm vì rất gần gũi và “dễ thể hiện được suy nghĩ, quan điểm của bản thân mỗi người”. 

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, GV Ngữ văn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), câu hỏi phân tích tâm trạng của bé Thu qua hai đoạn trích của tác phẩm Chiếc lược ngà, thực ra phân tích hai đoạn trích của cùng một tác phẩm sẽ dễ hơn nhiều so với phân tích hai đoạn trích của hai tác phẩm khác nhau.

Chưa kể, tâm trạng của bé Thu ở hai đoạn trích khi chưa nhận cha và khi đã nhận cha rồi nhưng lại buộc phải chia xa là không giống nhau, lại phù hợp với tâm lý lứa tuổi của HS lớp 9 nên các em rất dễ có sự đồng cảm, cho dù bối cảnh của tác phẩm viết về chiến tranh. 

Vũ Vân Anh

Đọc thêm