Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là đã trượt đại học

(PLO) - Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, công tác xét tuyển đại học chuyển sang trạng thái “nóng” hơn khi “điểm kịch trần” vẫn trượt nguyện vọng 1 ở một số ngành “hot”. Cùng với đó là những vấn đề về cộng điểm, thay đổi nguyện vọng của thí sinh… 
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Không có rủi ro như những năm trước

- Thưa Thứ trưởng, ông  đánh giá như thế nào về kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm chính quy đợt 1 năm nay?

- Trước hết phải khẳng định đợt 1 xét tuyển năm nay là kỳ xét tuyển thành công nhất từ trước đến nay. Cả thí sinh lẫn nhà trường đều cảm thấy rất nhẹ nhàng, thuận lợi, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Việc các trường tự nguyện thành lập các nhóm xét tuyển chung khu vực phía Bắc và phía Nam đã giúp cho hệ thống xét tuyển chung cả nước hoạt động rất hiệu quả, giúp các trường nhanh chóng xác định được điểm chuẩn phù hợp cho các ngành khác nhau sau một vài lần tải dữ liệu lên cổng tuyển sinh của Bộ.

Năm nay công nghệ “lọc ảo” lần đầu tiên được áp dụng. Nhờ chuẩn bị kỹ tốt phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin, cả phần cứng lẫn phần mềm, đặc biệt là việc tập huấn, chạy thử kỹ càng nên khi hệ thống chính thức đi vào hoạt động đã chạy suôn sẻ.

Hầu hết các trường đều hài lòng về kết quả xét tuyển của trường mình, quyền tự chủ tuyển sinh của trường được đảm bảo. Kết quả là ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có 170/322 trường đạt được chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu so với những năm trước đây, chỉ vài ba chục trường đạt được chỉ tiêu trong đợt đầu tiên thì kết quả đạt được năm nay rất ấn tượng.

- Nhiều ý kiến cho rằng, chính giải pháp cho thí sinh được thay đổi nguyện vọng sau  khi biết điểm đã khiến các em không lường trước được sai lầm và khả năng của mình?

Đây là giải pháp hiệu quả giúp cho thí sinh tránh được rủi ro, giúp cho thí sinh có điểm thi cao luôn trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích phù hợp với kết quả thi đạt được.Những năm trước với số nguyện vọng giới hạn, thí sinh phải cân nhắc thận trọng, phải phán đoán trước khi đăng ký xét tuyển và chấp nhận nhiều rủi ro. Còn năm nay, với số nguyện vọng không giới hạn, các em có thể đăng ký vào bất kỳ ngành/trường nào mà các em yêu thích.

Quy chế quy định nguyện vọng cua thí sinh được xét bình đẳng như nhau. Vì thế nếu không trúng tuyển nguyện vọng cao thì các em sẽ được xét nguyện vọng tiếp theo bình đẳng với các nguyện vọng khác. Vì thế năm nay những thí sinh điểm cao mà quyết tâm đi học thì sẽ chắc chắn trúng tuyển vào một ngành/trường phù hợp với kết quả thi và không có sự rủi ro như những năm trước đây.

Ví dụ như ngành y đa khoa nếu ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh lấy điểm chuẩn 29,25 thì những trường ĐH khác cũng đào tạo ngành này lấy điểm chuẩn thấp hơn như ĐH Y Dược Huế (28,25), ĐH Y Thái Bình (27,5), ĐH Y Dược Hải Phòng (27), ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (27), Khoa Y Dược ĐH Đà Nẵng (26,25)… Vì thế nếu thí sinh thi được 27 điểm chẳng hạn muốn học ngành Y đa khoa và đã đăng ký vào các trường có đào tạo ngành này thì không thể trượt được.

Việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm.

- Là Trưởng ban chỉ đạo thi quốc gia, ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng điểm chuẩn cao, thậm chí vượt cả mức điểm tuyệt đối ở một số trường top trên?

- Thực chất nếu nhìn trên tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh thì chỉ có vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược. Các ngành thuộc khối trường quân đội, công an tuyển đúng 100% chỉ tiêu theo kế hoạch. Ngành y đa khoa của các trường chỉ tiêu hầu như không thay đổi trong nhiều năm nay. Các ngành này lâu nay vẫn tuyển sinh với mức điểm chuẩn cao.

Những năm trước do thí sinh bị giới hạn số nguyện vọng nên nhiều em điểm cao không tự tin nộp vào những ngành này. Năm nay thí sinh không giới hạn số nguyện vọng nên hầu như những thí sinh có kết quả cao đều đăng ký trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an năm nay lại giảm dẫn đến tăng điểm chuẩn. Do đó một số ít thí sinh có điểm thi cao không trúng tuyển nguyện vọng 1.

Tuy nhiên không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là các em đã trượt đại học. Nếu các em đã thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn các em đã trúng tuyển các nguyện vọng khác. Ngoài một số rất ít các ngành điểm chuẩn cao, hầu hết các ngành còn lại (đến gần 99% tổng số ngành tuyển sinh) việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm.

- Có ý kiến cho rằng, do cách ra đề thi năm nay khiến số thí sinh đạt điểm 9-10 nhiều, nâng mặt bằng điểm chuẩn lên cao hơn. Thứ trưởng có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Trước đây khi thi tự luận mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất thì đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ một số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế nhiều thí sinh có thể làm được kéo theo số thí sinh điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9-10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5-6 điểm nên đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng kí vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn dĩ đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, vì vậy, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1.

- Thưa Thứ trưởng, cũng có ý kiến cho rằng, khi công bố điểm chuẩn dự kiến, các trường đã công bố điểm chuẩn thấp so với mức điểm cuối cùng, khiến các em đưa ra lựa chọn chưa chính xác. Ý kiến của Thứ trưởng về điều này?

- Điều này đúng đối với những năm trước khi số nguyện vọng của thí sinh bị giới hạn. Còn năm nay, các em có thể đăng ký vào bất kỳ ngành/trường nào mà các em thích, không giới hạn số lượng nguyện vọng nên việc các trường công bố điểm nhận hồ sơ thấp không có tác động gì lớn đối với thí sinh đăng ký xét tuyển.

Nếu nguyện vọng các em đăng ký trước khi thi chưa phù hợp thì sau khi có kết quả thi, các em có thể điều chỉnh. Thực tế có đến gần 50% số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi để tăng khả năng trúng tuyển.

Trong suốt quá trình tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia cũng đã khuyên thí sinh đăng ký vài ba ngành cao hơn kết quả thi dự kiến, vài ba ngành sát với kết quả thi dự kiến và vài ba ngành thấp hơn kết quả thi dự kiến. Khi xét tuyển thí sinh được xét bình đẳng giữa các nguyện vọng (không trúng tuyển nguyện vọng cao sẽ trúng nguyện vọng thấp).

Qua đợt xét tuyển vừa rồi, có thể thấy việc cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho thí sinh khu vực 3 điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành/trường yêu thích. Vì thế có phải đã đến lúc thay đổi cách tính điểm ưu tiên để tạo sự công bằng cho thí sinh, thưa Thứ trưởng?

Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.

Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng. 

Đọc thêm