Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tích cực triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được tích cực triển khai theo tinh thần là quốc sách hàng đầu. 

Đây là một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng 20/10.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đổi mới kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, giảm áp lực và chi phí xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.

Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học tiếp tục được nâng lên. Hiện nay, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, quan tâm hơn giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức dạy và học trực tuyến được triển khai mạnh mẽ, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới có một số điểm chưa phù hợp. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay.

Thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát triển mạnh giáo dục nghề nghiệp; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhận định, chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp nhiều nơi xuống cấp; đào tạo chưa gắn chặt với thị trường lao động. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chồng chéo; phân luồng đào tạo chưa có nhiều chuyển biến, cần tiếp tục có giải pháp khắc phục.

Ông Thanh lưu ý, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình. Đồng thời có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Đọc thêm