Thực nghiệm khách quan để có văn bản sách giáo khoa tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc triển khai dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và khâu quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác đi kiểm tra và dự giờ thực nghiệm sách giáo khoa lớp 10 Cánh Diều tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội)
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác đi kiểm tra và dự giờ thực nghiệm sách giáo khoa lớp 10 Cánh Diều tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội)

Chiều 10/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đi kiểm tra và dự giờ thực nghiệm sách giáo khoa lớp 10 Cánh Diều tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội).

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đại biểu là tác giả bộ sách giáo khoa mới, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT Hà Nội đã dự tiết dạy minh họa môn Toán bài Phương trình đường tròn tại lớp 10A1 do cô Nguyễn Thị Hoài Thương thực hiện.

Với sự chuẩn bị chu đáo, phương pháp dạy sáng tạo, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, cô giáo đã khơi dậy được tính sáng tạo của học sinh. Học sinh tích cực tham gia các hoạt động, chăm chú nghe giảng, hiểu bài nhanh và tích cực phát biểu xây dựng bài.

Qua tiết dạy minh họa, giáo viên đã thể hiện phương pháp tổ chức lớp học theo hướng đổi mới, chủ động hướng dẫn học sinh vận dụng những điều đã biết để hình thành các năng lực, phẩm chất trên cơ sở kiến thức trong sách giáo khoa mới. Bên cạnh dạy kiến thức, giáo viên  lồng ghép bài tập vào để học sinh phát huy năng lực khám phá vấn đề.

Giờ dạy thực nghiệm sáng tạo của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thương
Giờ dạy thực nghiệm sáng tạo của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thương

GS.TS Đỗ Đức Thái- Chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tổng chủ biên sách giáo khoa Cánh Diều môn Toán cho biết: Việc triển khai dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và khâu quan trọng trong quy trình biên soạn sách giáo khoa. Mục đích thực nghiệm là kiểm nghiệm, đánh giá tính khả thi, mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong sách giáo khoa mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu sách trước khi gửi Hội đồng quốc gia thẩm định.

Ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của đội ngũ biên soạn sách giáo khoa mới; sự sáng tạo, linh hoạt, bám sát yêu cầu đổi mới trong triển khai giờ dạy thực nghiệm của giáo viên Trường THPT Tây Hồ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới trao quyền chủ động cho giáo viên. Thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp, vận dụng khoa học công nghệ vào mỗi bài giảng, khiến mỗi tiết học là một giờ sinh động với học sinh.

Sách giáo khoa theo chương trình mới chỉ là kênh tham khảo chính trong quá trình giảng dạy. Giáo viên có vai trò chọn lựa những nội dung bài học phù hợp và áp dụng linh hoạt, sáng tạo theo chương trình nhà trường xây dựng; bảo đảm học sinh tiếp thu bài tốt nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết: Bộ GD&ĐT chủ trương tăng cường nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa, trong đó đẩy mạnh dạy thực nghiệm trong các nhà trường. Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các sở GD&ĐT, nhà trường tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy thực nghiệm diễn ra hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Từ đó, phản ánh trung thực, chính xác, khách quan nhất chất lượng và tính phù hợp của sách giáo khoa mới. Thực nghiệm khách quan để có văn bản sách giáo khoa tốt nhất.

Đọc thêm