Trước thềm đăng kí tuyển sinh ĐH, CĐ: Em chọn lối nào?

(PLVN) - Đây là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm trước khi đăng ký nguyện vọng dự thi THPT quốc gia 2019 vào ngày 1/4 sắp tới. Năm 2018, có trường hợp thí sinh đăng ký đến 36 nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng. Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục giữ phương án không hạn chế số lượng đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Vì thế, nhiều em vẫn dự tính đăng ký “thả phanh” nguyện vọng để tăng cơ hội vào ĐH...
Thí sinh băn khoăn “chọn lối nào”?
Thí sinh băn khoăn “chọn lối nào”?

Đăng ký nguyện vọng tùy theo khả năng

Trên một số diễn đàn về học tập, các sĩ tử trao đổi nhiều về đăng kí nguyện vọng, khi thời điểm đăng ký ngày 1/4 đang cận kề. Một số bạn cho rằng chỉ cần đăng ký từ 5 đến 10 nguyện vọng là đủ, quan trọng là biết chọn trường vừa sức. Trong khi đó, không ít thí sinh nêu quan điểm đăng ký 20, thậm chí 30 nguyện vọng cho “chắc ăn”.

Tư vấn trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2019”, TS. Lê Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Công tác Sinh viên, Đại học Quốc gia TP HCM, khuyên thí sinh cần biết rõ sức học của mình. Đề thi THPT quốc gia 2019 được dự đoán có lượng kiến thức rộng hơn, trải từ lớp 10 đến lớp 12.

Nữ tiến sĩ cho rằng nếu nắm được nguyên tắc tuyển sinh và khả năng của bản thân, các bạn trẻ chỉ cần 5 đến 6 nguyện vọng là có cơ hội trúng tuyển. Nếu không, đăng ký đến 20 nguyện vọng cũng khó vào được đại học.

Một điểm lưu ý đối với kỳ thi năm nay là Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn đối với các ngành, trường đại học cao đẳng, trừ sư phạm và khối ngành sức khỏe. Thí sinh được thay đổi nguyện vọng một lần sau khi có kết quả thi THPT quốc gia. Năm 2018, 50% thí sinh thay đổi nguyện vọng. Điều này phần nào cho thấy các em chưa xác định được ngành nghề và chủ quan về điểm thi.

Chọn ngành nào để không thất nghiệp

Tại buổi tư vấn mùa thi, TS. Trần Đình Lý – Trưởng Phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP HCM khẳng định, hiện nay không có thi đại học như trước đây. Thay vào đó, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từng năm. Học sinh có thể lựa chọn 5 phương thức khi đã tốt nghiệp THPT là xét tuyển thẳng theo quy định của từng trường; tuyển sinh dựa vào điểm thi THPT quốc gia; hoặc dựa vào điểm học bạ.

Ngoài ra, gần đây nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, có thể kể đến kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức. Nghĩa là con đường đến cổng trường đại học rất           rộng mở. 

Đối với những thí sinh có học lực trung bình, khi băn khoăn nên chọn ngành gì, Ths. Nguyễn Mạnh Hùng đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ngành nào cũng sẽ có những trường tuyển sinh với mức điểm cao, thấp khác nhau tùy theo yêu cầu đào tạo. Vì thế cơ hội mở với tất cả các học sinh.

Với câu hỏi “Nên chọn ngành nào để không thất nghiệp khi ra trường?” của em Lê Hoàng Nam (Trường THPT Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng là sự băn khoăn chung của nhiều học sinh. Ths. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, trước hết, thí sinh cần xác định rõ mình thích làm nghề gì?

Mỗi nghề đòi hỏi những yêu cầu nhất định, từ đó xem mình có đáp ứng được các yêu cầu đó không để cân nhắc, lựa chọn. Trong đề án tuyển sinh của các trường đều công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào từng ngành và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong hai năm gần nhất. Đây là căn cứ để các em lựa chọn, quyết định đăng ký ngành học vừa sức, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trước băn khoăn về ý định đăng ký dự tuyển vào ngành sư phạm, nhưng lại sợ bị thất nghiệp của nhiều học sinh, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT thông tin: Theo thống kê từ các nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt trung bình 86%, riêng ngành sư phạm đạt 81%.

Để hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp, từ năm 2018, Bộ đã đề nghị các địa phương thống kê nhu cầu sử dụng giáo viên ở từng môn, từng cấp học, làm căn cứ để Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, số lượng sinh viên ra trường sẽ sát hơn với thực tế, có nghĩa là tỷ lệ sinh viên sư phạm có việc làm những năm tới sẽ cao hơn mức 81%.

Giải tỏa mối lo của nhiều học sinh nữ khi cho rằng, học sinh nữ ít có cơ hội học tập và việc làm ở những ngành kỹ thuật, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, cơ hội học tập đối với nam và nữ là như nhau. Hiện tại trường có gần 24% số học sinh là nữ theo học ở các ngành như cơ khí, điện, điện tử viễn thông...

Tại một số đơn vị, doanh nghiệp mà trường có cơ hội hợp tác, tỷ lệ nhân viên nữ cũng chiếm khoảng 30% và có chiều hướng tăng. Có thể nói, cơ hội việc làm của nam và nữ không có sự khác biệt lớn, thậm chí cơ hội việc làm đối với nữ là cao hơn bởi số lượng sinh viên nữ ở khối ngành kỹ thuật đang ít hơn.

Từ năm 2020, trường quân đội dừng tuyển sinh hệ dân sự

Với câu hỏi của thí sinh:  “Thi vào ngành quân đội thì ra trường làm gì? Cơ hội công việc ra sao”, Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng Ban Tuyển sinh, Bộ Quốc phòng cho biết: thí sinh thi các trường quân đội đều phải qua sơ tuyển, đủ tiêu chuẩn sức khỏe và chính trị.

Học viên tham gia các trường quân đội trình độ đại học, ra trường là sĩ quan. Quân nhân chuyên nghiệp có đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Học viên khi ra trường đeo hàm quân nhân chuyên nghiệp. Cả sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp đều công tác trong quân đội. Vì vậy, tất cả trường đào tạo sĩ quan hoặc học viên nhập ngũ rồi vào quân nhân chuyên nghiệp đều thuộc quân đội. 

Theo Đại tá Tiến, tùy ngành học, thí sinh có các công việc khác nhau. Ví dụ, thí sinh học Học viện Quân y ra trường làm ở bệnh xá, đơn vị quân y tuyến trung đoàn, sư đoàn, quân khu, quân đoàn, hoặc tuyến bệnh viện trung ương, quân khu trực thuộc quân đội. Đối với tuyến kỹ thuật, học viên có thể làm trung đội trưởng, kỹ sư, trợ lý kỹ thuật.

Với sĩ quan chỉ huy, học viên tốt nghiệp làm trung đội trưởng ở các đơn vị, ra quản lý ở trung đội, các ngành chỉ huy tham mưu. Học sinh học chính trị ra làm cán bộ ở các đơn vị như chính trị viên phó, chính trị viên, đại đội. Tùy ngành học của quân đội, học viên sẽ được phân công công tác, được hỗ trợ toàn bộ quá trình ăn, ở, chí phí. Học viên nhận sự phân công công tác sau khi ra trường.

Với tuyển sinh hệ dân sự tại các trường quân đội, Đại tá Tiến cho hay các trường chưa công bố chỉ tiêu. Năm 2019, hệ dân sự cơ bản bằng 50% chỉ tiêu của năm 2018. Từ năm 2020, các trường quân đội sẽ không tuyển sinh hệ dân sự.

Thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển. Nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành. Các nguyện vọng còn lại, thí sinh có thể đăng ký vào trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội. Việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Phía ngành Công an, Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Trợ lý tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ không điều chỉnh quy định trong công tác tuyển sinh năm 2019. Cụ thể, các năm học THPT, thí sinh phải đạt học lực loại trung bình trở lên, riêng các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển vào Trường Công an nhân dân phải đạt từ 7 phẩy trở lên. Ngoài ra, các Trường Công an sẽ xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi THPT quốc gia (chiếm 75% điểm xét tuyển) và học bạ THPT (chiếm 25% điểm xét tuyển).

Thầy Nguyễn Văn Đức, giáo viên dạy Toán trường THCS-THPT Hà Thành, Hà Nội, người nhiều năm ôn thi cho thí sinh vào Trường Công an, Quân đội, cho hay sau khi tham khảo ý kiến học sinh, nhiều em bất ngờ với quy định mới.
Thầy Đức lý giải nhiều em học lớp 10, 11 chưa tốt do chưa quen với môi trường THPT, hoặc vì lý do nào đó mà chưa có điểm tổng kết như mong đợi. Không ít học sinh của giáo viên này bứt phá trong năm lớp 12, đỗ đại học. Ông Đức đồng ý với quy định trên của Bộ Công an nhưng đề xuất nên có thời gian chuẩn bị, chứ không nên áp dụng ngay từ năm 2019.

Đọc thêm