Vì sao thầy cô khóc?

(PLO) - Những ngày vừa qua, hơn 400 giáo viên ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, gần 1.400 giáo viên ở Cà Mau bị xem xét hợp đồng trong khi thời điểm năm học mới đang gần kề. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, các thầy cô bị rơi vào diện “tinh giảm biên chế” liệu có được chuyển đổi công việc khác phù hợp hay không, là câu hỏi chưa lời giải…
Hàng trăm thầy cô có nguy cơ mất việc. Ảnh minh họa.
Hàng trăm thầy cô có nguy cơ mất việc. Ảnh minh họa.

Dù thiếu vẫn giảm?

Ở góc độ trực tiếp tại các địa phương, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thực tế ở nhiều địa phương đây là vấn đề khó khăn, mâu thuẫn: “Cũng như nhiều tỉnh, Phú Thọ đã tiến hành rà soát quy hoạch bằng sáp nhập các trường, giải thể trường nhỏ… Riêng với phần biên chế, tỉnh thực hiện giảm 10% từ nay đến 2021. Phú Thọ có 24.000 giáo viên biên chế, nếu như thế thì giảm đến 2.400 giáo viên.

Qua quan sát thời gian vừa rồi có thể thấy rằng nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao, tỷ lệ học sinh có nhu cầu lớp, kể cả mầm non ngày càng cao, trong khi theo Nghị quyết 19 của Trung ương thì từ nay đến năm 2021 phải giảm 10% biên chế. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay giáo viên mầm non của tỉnh thiếu nghiêm trọng, giống như nhiều tỉnh thành trên cả nước. Như vậy, vấn đề đặt ra khá cấp bách, đó là giảm thế nào trong khi nhu cầu được học của học sinh ngày một tăng?”.

Tại Kiên Giang, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này cũng bày tỏ: “Tinh giản biên chế cũng là vấn đề nóng của tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Kiên Giang luôn lâm vào tình trạng thiếu giáo viên mầm non với con số là khoảng gần 1.000 người.

Cái khó của ngành giáo dục Kiên Giang là không được sử dụng hợp đồng lao động nếu ở đó đã hết biên chế. Nhưng nếu không hợp đồng thì lấy giáo viên ở đâu dạy học sinh? Chúng tôi đã đưa câu hỏi này tới HĐND tỉnh nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời”.

Không nên “máy móc” thực hiện

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có một số địa phương để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Bộ trưởng Nhạ thừa nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm như tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp…, đặc biệt là các trường mầm non. 

Trước vấn đề mà các địa phương nêu ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu, từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Đổi mới nhất định phải kiên định theo xu thế thế giới, không thể vì trong quá trình đổi mới có điều này điều kia mà xa rời xu thế của thế giới.

Bên cạnh đó, cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Giáo viên dạy môn nào phải đủ môn đó, cấp nào dạy cấp đấy, không được máy móc thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên cấp 2 mà chuyển xuống ngay. Không thể thiếu giáo viên môn này điều giáo viên môn kia sang dạy. Và quan trọng là việc điều chuyển không thể ngày một ngày hai mà phải có lộ trình nhất định”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tiếp tục cập nhật thống kê về tình hình giáo viên, nhưng không chỉ đơn thuần tính tổng biên chế của tỉnh. Bởi vì có nhiều trường hợp tổng biên chế của tỉnh thì thừa nhưng có huyện lại thiếu. Việc điều chuyển giáo viên cần lưu ý, vì còn liên quan đến yếu tố gia đình, chỗ ở của các thầy cô.

“Vấn đề biên chế giáo viên nên giao cho chính quyền địa phương quyết định vì địa phương chính là nơi nắm rõ và sát sao nhất đối với các vấn đề trong phạm vi quản lý của mình” - bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang 

“Không nên cắt giảm biên chế một cách cơ học mà cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát số học sinh/ lớp, số lớp/ trường. Đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ quy định khung số người, khối lượng công việc của cán bộ ngành giáo dục, Bộ thống nhất Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ tăng biên chế nếu tăng lớp, tăng trường, xem xét lại định mức biên chế ngành giáo dục mầm non bởi đây là cấp học có nhu cầu lớn về giáo viên” - bà Vũ Thị Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh

Đọc thêm