Vợ chồng giáo viên hiến tạng cứu người

(PLVN) - Khi biết được thông tin hiện nay có rất nhiều người đang nằm chờ nguồn tạng để duy trì sự sống, vợ chồng thầy Nguyễn Xuân Khánh Hiền (40 tuổi, giáo viên Trường THCS Lộc Thủy) và cô Trần Thị Thu Lan (40 tuổi, giáo viên Trường THPT Thừa Lưu, đều ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã quyết định cùng nhau đăng ký hiến tạng cứu người.
Vợ chồng thầy Hiền, cô Lan.
Vợ chồng thầy Hiền, cô Lan.

Đầu năm 2019, sau một thời gian tìm hiểu thủ tục hiến tạng, thầy Hiền biết đến đơn vị điều phối ghép tạng quốc gia (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thầy liên hệ xin hồ sơ để đăng ký qua bưu điện. Ít lâu sau, hai vợ chồng đều có được tấm thẻ hiến tạng. Trong tờ đơn đăng ký, cả hai đánh dấu đồng ý hiến hết các bộ phận của cơ thể mình vào các ô gợi ý.

Cầm hai tấm thẻ hiến tạng trên tay, thầy Hiền cho biết, việc làm trên đều xuất phát từ cái tâm vì đã từng chứng kiến nhiều người thân mất đi, hiểu được giá trị sự sống và đau đáu mong muốn làm một việc gì đó sau khi qua đời.

“Chuyện sinh tử là quy luật, lẽ thường; vì thế, tôi cùng vợ đăng ký hiến tạng mà không phải suy nghĩ, đắn đo hay cân nhắc gì cả vì thấy việc làm này rất nhân văn. Nếu hiến được bộ phận nào của cơ thể để cứu sống nhiều người thì đó là việc nên làm, không có gì ghê gớm”, thầy Hiền vui vẻ nói. 

Cô Lan tiếp lời chồng: “May mắn trời vẫn cho vợ chồng tôi sức khỏe, lại được làm nghề mà mình yêu thích nên rất mừng. Tôi thấy khi chết đi, thân xác còn nhưng không giúp được ai nữa thì chính là sự lãng phí. Từ lúc nhận được thẻ đăng ký hiến tạng, tôi cảm thấy bản thân mình càng phải sống có trách nhiệm hơn, có ích hơn. Tôi mong rằng việc làm này có thể giúp lan tỏa ý nghĩa để có thêm nhiều người hiến tạng”.

Tuy nhiên, thầy Hiền, cô Lan vẫn buồn vì còn có nhiều người tỏ thái độ khá dửng dưng, có người suy nghĩ hai vợ chồng cùng nhau bán thận, bán nội tạng. “Một số còn có quan điểm đi đăng ký hiến tạng là điềm xấu, hay việc bỏ thẻ hiến tạng trong nhà sẽ không gặp may. Những điều này tôi bỏ ngoài tai; vì quan niệm mình làm điều có ích sẽ được thanh thản, vui vẻ”, cô Lan cười tươi nói.

Vợ chồng thầy Hiền và cô Lan đều quê ở huyện Phú Lộc, đi dạy rồi quen nhau và nên duyên vợ chồng. Hiện tại, hai người con (một trai, một gái) đều ngoan ngoãn, học giỏi và khi đủ tuổi cả hai cũng sẽ đăng ký hiến tạng cứu người.

Cô Lan là giáo viên Văn, thầy Hiền giáo viên Tổng phụ trách Đội. Với năng lực cùng chuyên môn vững vàng, lại luôn sáng tạo trong giảng dạy, cả hai luôn gần gũi tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh học sinh. Gần 20 năm trong ngành giáo dục, vợ chồng thầy Hiền, cô Lan đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của huyện.

Ngoài ra, cả hai còn tham gia tích cực vào các phong trào của nhà trường như văn nghệ, thể thao. Trong chục năm qua, cả hai đều là Phó Chủ tịch Công đoàn của trường mình đang công tác. 

Có những cái chết hóa thành bất tử 

Đó là câu chuyện cảm động của bé Hải An 7 tuổi đã hiến tặng giác mạc của mình cho những bạn nhỏ khác sau khi em qua đời vào năm 2018 vì căn bệnh u cầu não xâm lấn. Đó là câu chuyện của thiếu tá Lê Hải Ninh để lại sự sống cho 6 người khác bằng việc hiến tặng nội tạng của mình.

Là câu chuyện của bé Vân Nhi 12 tuổi mỉm cười hiến giác mạc sau 50 lần phẫu thuật không thành. Là câu chuyện của anh Dương Hồng Quý không may chết não đã cứu sống 5 người như ước nguyện của mình lúc sinh thời.

Đọc thêm