Xét tuyển ĐH: Trường 'top' đầu cũng lo 'ảo'

(PLO) - Từ 21/8, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bước vào đợt xét tuyển lần thứ hai. Trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016, có một hiện tượng “lạ” là nhiều trường thuộc tốp đầu đều tuyển thiếu và phải xét tuyển bổ sung. Đây là hiện tượng chưa từng có trong những năm gần đây. Bởi thông thường, ở những đợt xét tuyển NV1, các trường tốp đầu luôn “gạt không hết thí sinh” điểm cao...
Lo ảo hơn ở đợt tuyển bổ sung. (Ảnh minh họa)
Lo ảo hơn ở đợt tuyển bổ sung. (Ảnh minh họa)

Thầy, trò đều... hoang mang

Theo Bộ GD-ĐT, trong tuyển sinh đợt 1 có 396.496 thí sinh đăng ký vào hai trường, tỷ lệ ảo cao khiến nhiều trường đại học, cao đẳng chưa đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng cơn bão số 3 và mưa lớn cả ngày nên số lượng thí sinh nhập học ít.

Tính riêng khu vực Hà Nội, ĐH Bách khoa còn thiếu 700 chỉ tiêu, ĐH Ngoại thương thiếu 400 chỉ tiêu, ĐH Xây dựng thiếu 500 chỉ tiêu, ĐH Công nghiệp thiếu 700 và ĐH Mỏ địa chất còn thiếu tới 2.000 chỉ tiêu. Ở khu vực phía Nam, ĐH Công nghiệp thực phẩm cũng thiếu 500 chỉ tiêu, ĐH Sư phạm TPHCM cũng mới chỉ tuyển được 65% chỉ tiêu, ĐH Mở TPHCM cũng mới nhận được khoảng 75% phiếu điểm. Ngoài ra, một số ngành đầu vào như xây dựng, kỹ thuật, môi trường cũng xảy ra tình trạng thiếu chỉ tiêu.

Theo ông Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, sau khi kết thúc đợt 1 trường mới tuyển được 71% so chỉ tiêu đề ra. Ông Hinh cho hay, trong suốt 10 năm làm tuyển sinh, đây là lần đầu tiên ĐH Y xảy ra hiện tượng này. Riêng ngành Y đa khoa đã hạ mức điểm chuẩn là 27 ngay trong đợt tuyển sinh đầu nhưng vẫn thiếu 50 chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Đức Hinh cũng bày tỏ, Bộ GD-ĐT không cho công bố danh sách thí sinh đã khiến mọi người phải chờ đợi. Thí sinh không biết tình trạng hồ sơ của mình, các trường không chủ động được lượng hồ sơ. Ông Hinh nhận định, so với năm 2015 đây là một bất cập trong mùa tuyển sinh ĐH năm nay: Phương thức tuyển sinh năm 2015 vẫn là khả thi hơn cả dù có một chút sự xáo trộn trong những ngày cuối. Nhưng phải chấp nhận điều đó để thí sinh cuối cùng vẫn chọn được “ô” của mình. Còn các trường, không lo ảo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, còn khoảng 100.000 thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển bổ sung trong những ngày tới. Đợt xét tuyển bổ sung sẽ kéo dài từ ngày 21- 31/8 và trong đợt này, thí sinh sẽ được đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Phương thức đăng ký và xét tuyển được thực hiện giống như đợt xét tuyển 1.

Theo ông Ga, năm nay Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc các trường phải quy định điểm chuẩn đợt sau phải cao hơn đợt trước. Đây được cho là cách hỗ trợ của Bộ nhằm giảm các thí sinh ảo. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH khó khăn về nguồn tuyển cho rằng, quy định này không công bằng cho thí sinh trượt nguyện vọng 1, đồng thời cũng gây khó khăn cho các trường tốp dưới khi các trường tốp trên hạ điểm để “vớt” thí sinh.

Trong khi các trường tốp trên đau đầu vì lọc ảo, các trường tốp dưới lo sợ vì không tuyển đủ chỉ tiêu thì các thí sinh lại phải đắn đo giữa lựa chọn trường tốp trên với rủi ro cao hơn rất nhiều và lựa chọn trường tốp dưới không được như ý muốn. Các thí sinh cũng như các trường sẽ tiếp tục bước vào một cuộc chơi đầy cam go trong đợt xét tuyển bổ sung này.

Các trường “soi” lại mình

Lý giải việc nhiều trường tốp đầu phải xét tuyển bổ sung, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, ở những trường có tính cạnh tranh cao không phải tất cả các ngành đều có sức hút thí sinh. Bên cạnh đó, thực tế tuyển sinh năm nay cũng là dịp để các trường nhìn nhận lại mình. Qui chế tuyển sinh năm nay đã trao cho thí sinh quyền được chọn lựa ngành/trường theo học phù hợp với nguyện vọng và kết quả thi của mình. Ở những trường có tính cạnh tranh cao không phải tất cả các ngành đều có sức hút thí sinh mạnh. Vì thế việc các trường không tuyển đủ chỉ tiêu tổng thể ngay từ đợt đầu tiên cũng dễ hiểu.

Những thí sinh điểm cao trúng tuyển mà không đến làm thủ tục nhập học tại trường là vì các em có sự lựa chọn khác phù hợp hơn. Những thí sinh có điểm thấp trúng tuyển không nhập học vì ngành/trường trúng tuyển không phải là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất. Nhiều thí sinh chờ xét tuyển bổ sung hoặc tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại với quyết tâm đậu vào trường/ngành mà mình mong muốn.

Quy chế năm nay ưu tiên cho thí sinh chọn ngành mà các em yêu thích, không khuyến khích các em “cố” đỗ vào đại học bất cứ ngành nào.Thực tế tuyển sinh năm nay cũng là dịp để các trường nhìn nhận lại mình. Uy tín vốn có của nhà trường không phải là vĩnh viễn mà phải liên tục chăm lo, vun đắp. Chất lượng đào tạo phải được cải thiện liên tục thì mới thu hút được người học. Sự đánh giá, lựa chọn của thí sinh cũng là một trong những thông số thể hiện uy tín của nhà trường.

Là số ít trường tuyển đủ TS trong đợt đầu, song ông Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Bộ GD-ĐT đã đoán trước được tình hình và đã có giải pháp giúp các trường giảm ảo, tuyển bổ sung. “Việc tuyển sinh bổ sung nằm trong phương thức tuyển năm nay, nên các thí sinh không nên quá lo lắng. Các trường cần phân tích đa chiều, định tính kết hợp định lượng là việc chúng ta cần làm để các trường đưa ra tỉ lệ “ảo” phù hợp áp dụng cho trường mình. Các em nên cân nhắc kỹ việc này, không nên cố đỗ vào ĐH mà quá khác xa với nguyện vọng của mình” - ông nói.

Tuy nhiên, theo nhiều trường ĐH, nếu không có sự điều chỉnh phù hợp thì tỉ lệ ảo đợt 2 sẽ cao hơn rất nhiều so với đợt 1 vì mỗi TS được đăng ký xét tuyển vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Về lý thuyết, tỉ lệ ảo sẽ khoảng 70% thậm chí có thể tới 100% tuỳ theo từng trường, từng ngành và chuyên ngành đào tạo.

Thí sinh đi đâu?

Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo.

Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi ĐH do các trường ĐH chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD-ĐT và Cục Nhà trường chủ trì) đều được các cụm thi công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh. Vấn đề không tuyển đủ chỉ tiêu do “thí sinh ảo” và một số nguyên nhân khác đã được đề cập, phân tích ở trên và có thể vẫn cần tiếp tục nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp.

Đọc thêm