Bỏ chấp thuận tuyến: Dấu chấm hết cho thời xin - cho

(PLO) - Quyết định bỏ chấp thuận tuyến của Bộ Giao thông Vận tải được nhiều đơn vị liên quan ủng hộ, cho rằng đó là bước đi tiến bộ, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm xin - cho, dù quá trình thực hiện ban đầu có thể sẽ nảy sinh một số phức tạp.
Rất nhiều doanh nghiệp muốn có “lốt” xe vào bến Mỹ Đình (Hà Nội) vì có lưu lượng khách lớn
Rất nhiều doanh nghiệp muốn có “lốt” xe vào bến Mỹ Đình (Hà Nội) vì có lưu lượng khách lớn
Theo Thông tư số 60 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quy định chấp thuận tuyến vận tải xe khách sẽ chính thức được bãi bỏ từ ngày 1/1/2016. 
Trả kết quả sau 7 ngày
Thông tư nói trên thay thế Thông tư số 63/2014, trong đó quy định về thủ tục khai thác tuyến vận tải liên tỉnh. Theo đó, các đơn vị vận tải muốn kinh doanh vận tải liên tỉnh, chỉ cần căn cứ vào quy hoạch luồng tuyến, nếu thấy còn “lốt” có thể đăng ký khai thác, không cần sự đồng ý của hai sở GTVT nơi đến và đi.
Trước đây, việc đơn vị vận tải muốn khai thác kinh doanh liên tỉnh cần phải có sự đồng ý bằng văn bản của hai sở. Trước thực tế này, Bộ quản lý ngành cho rằng dễ nảy sinh tiêu cực, tạo cơ chế xin - cho. Theo đó, nếu tới đây áp dụng quy định mới nói trên, các sở GTVT vẫn đảm bảo quyền quản lý nhà nước của mình. 
Cụ thể, theo quy định của thông tư mới, muốn khai thác các “lốt”, đơn vị vận tải vẫn phải đăng ký tại các sở GTVT. Tuy nhiên, việc đăng ký này được quy định chặt chẽ. Trong vòng 5 ngày, doanh nghiệp kinh doanh vận tải gửi hồ sơ đến, sở GTVT phải có trách nhiệm thẩm định; hai ngày tiếp theo, sở phải công bố nội dung hồ sơ doanh nghiệp đạt hay không đạt, không đạt vì lí do gì. 
Trường hợp có hai doanh nghiệp trở lên đăng ký kinh doanh vận tải trùng thời gian tuyến chạy thì các sở có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử, đồng thời thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản, sau đó lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GTVT thông qua hình thức đấu thầu. 
Sau khi đăng ký thành công, trong vòng 60 ngày, doanh nghiệp vận tải phải nộp hồ sơ đề nghị đăng ký phù hiệu gửi sở GTVT. Hết thời gian trên, doanh nghiệp không nộp đăng ký coi như việc xin  “lốt” bị vô hiệu hóa.
Như vậy, Thông tư 60 có điểm tiến bộ là hướng dẫn chi tiết việc đăng ký chạy tuyến cố định vận tải liên tỉnh; bỏ việc chấp thuận tuyến của sở GTVT. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, mà theo nhiều người sẽ nảy sinh phức tạp, là quá trình đấu thầu khai thác tuyến.
Hơi “lăn tăn” chuyện đấu thầu
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, trước thông tin Thông tư 60 được ban hành và sắp được áp dụng, nhiều doanh nghiệp vận tải vui mừng vì bỏ được thủ tục hành chính, hạn chế nhiều tiêu cực, nhưng việc đấu thầu thế nào để công bằng, khách quan lại là vấn đề cần phải lưu tâm. 
Cũng theo vị này, một số bến xe ở Hà Nội đã hết “lốt”, đặc biệt các bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát..., do đó, đơn vị vận tải muốn kinh doanh ở những bến này gần như “hết cửa”. Trên thực tế, đây là các bến xe lớn, lưu lượng khách nhiều, các đơn vị vận tải “tranh nhau” khai thác. Nếu đơn vị vận tải nào từ bỏ việc khai thác ở tuyến này, chắc chắn nhiều đơn vị vận tải khác sẽ “nhảy” vào nộp hồ sơ đăng ký. 
Từ vấn đề có thể nảy sinh phức tạp này, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị công tác đấu thầu, xem xét năng lực doanh nghiệp cần được thực hiện đúng quy định, công bằng, bằng không rất dễ nảy sinh tiêu cực.
Bên cạnh đó còn có thực trạng trong khi các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát “cháy” lốt thì những bến khác của Hà Nội như Lương Yên, Nước Ngầm… lại vẫn đang có “lốt” nhưng ít doanh nghiệp vận tải đăng ký kinh doanh. Lý do vì lưu lượng khách ở những bến này không nhiều, kinh doanh ít hiệu quả. “Ví dụ tuyến bến Lương Yên – Lạng Sơn, quy định cứ 15 phút thì một lượt xe chạy rất khó thực hiện vì vắng khách”, Chủ tịch Liên nêu thực trạng và đề nghị cần cân nhắc khi áp dụng thông tư mới.
Về phía địa phương, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, từ trước đến nay các doanh nghiệp vận tải Lạng Sơn ủng hộ việc bỏ chấp thuận tuyến. Trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh vấn đề vướng mắc, sở sẽ ghi nhận, chuyển góp ý về Bộ GTVT để hoàn thiện. 
“Quan điểm của tôi là vừa làm vừa xây dựng, vướng chỗ nào thì đề nghị sửa chỗ đó. Nếu cùng có ý thức làm và sửa thì chắc chắn sẽ hiệu quả, tiêu cực sẽ giảm”, ông Hải khẳng định.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Hải Phòng) cho rằng, nhiều điểm của Thông tư 60 đến ngày 1/1/2016 mới có hiệu lực, do đó còn đủ thời gian để các cơ quan có trách nhiệm bàn bạc, sửa đổi để việc bỏ chấp thuận tuyến khi đi vào thực tiễn không sinh ra những “phản ứng phụ” dù cơ bản nó rất tốt. 
“Khi quyết định bỏ chấp thuận tuyến, chắc chắn Bộ GTVT đã khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Mục đích của việc này là tạo sự thuận lợi cho giới doanh nghiệp, người dân và hơn thế là sự minh bạch trong quản lý nhà nước”, ông Hiếu nói. 

Đọc thêm