Bộ trưởng Đinh La Thăng gửi "tối hậu thư" cho VEC

(PLO) - Cuối tháng 8/2015, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã lệnh cho Tổng cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải hoàn thành việc xử lý hằn lún trên tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam vào ngày 30/9, nếu không phải dừng ngay việc thu phí. 
Độ dốc lớn - một nguyên nhân gây lún đường Nội Bài - Lào Cai, theo VEC
Độ dốc lớn - một nguyên nhân gây lún đường Nội Bài - Lào Cai, theo VEC
Yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng được truyền đi trong một công điện - loại hình văn bản thể hiện tính cấp bách đòi hỏi phải xử lý rốt ráo, dứt điểm. Nhưng trao đổi với PLVN, Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh cho hay, hạn chót xử lý đường lún đã được Bộ này cho lùi tới 30/10.
Do trời, do người…
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe và đi vào hoạt động từ ngày 21/9/2014, trong đó một số vị trí được quan trắc theo dõi lún, hiện nay đã tắt lún.
Liên quan đến dự án này, trong tháng 7/2015, Bộ GTVT đã nhiều lần yêu cầu VEC xử lý, sửa chữa những vị trí lún cục bộ mặt đường hoàn thành trước ngày 15/8/2015 để đảm bảo chất lượng khai thác. Theo đó, ngoài các đoạn theo dõi quan trắc lún, mặt đường từ Km 120+00 đến Km 180+00 đã xuất hiện nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, độ sâu hằn lún có vị trí lên tới trên 2,5cm. 
Để đảm bảo khai thác an toàn và thuận lợi cho các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ GTVT sau đó tiếp tục yêu cầu VEC khẩn trương sửa chữa các vị trí lún mặt đường còn lại trước ngày 30/9/2015. Nếu đến thời hạn trên, VEC vẫn chưa hoàn thành công tác sửa chữa, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải dừng thu phí tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho đến khi sửa chữa xong mới được thu phí.
“Từ giữa năm đến nay, hiện tượng hằn lún vệt bánh xe tiếp tục xuất hiện do thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài, ngoài ra do địa hình nên nhiều đoạn đường có độ dốc khá lớn, cùng với thực tế các đoàn xe tải trọng lớn lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu đã tác động xấu tới mặt đường, tạo trùng phục, làm gia tăng hiện tượng hằn lún vệt bánh xe” - Tổng Giám đốc VEC giải thích nguyên nhân.
Không lấy tiền dự án chống lún
Mới đây, trên cơ sở để xuất của VEC, Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương xử lý sửa chữa hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường dự án này. Theo đó, đồng ý về nguyên tắc cho áp dụng nhựa đường polimer thay thế nhựa đường 60/70 hoặc bổ sung các phụ gia chống hằn lún vào cấp phối bê tông nhựa 60/70 nhằm sửa chữa các vị trí hằn lún vệt bánh xe mặt đường. 
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng yêu cầu thiết kế lại cấp phối bê tông nhựa, đồng thời cập nhật, điều chỉnh khung tiêu chuẩn và chỉ dẫn kỹ thuật thi công - nghiệm thu của dự án làm cơ sở kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công; triển khai thi công thí điểm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng trước khi triển khai thi công đại trà.  Chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công kiểm soát chặt chẽ chất lượng thi công tại tất cả các khâu từ chuẩn bị vật liệu, máy móc, thiết bị đến việc sản xuất, rải và lu lèn, bảo dưỡng các lớp bê tông nhựa theo đúng các quy trình, quy phạm hiện hành. 
“Việc bổ sung các phụ gia chống hằn lún vào cấp phối bê tông nhựa sẽ xử lý được hiện tượng này. Tuy nhiên, theo các yêu cầu nói trên của Bộ thì cần phải có thời gian, vì thế chúng tôi đã đề xuất và được Bộ chấp thuận điều chỉnh thời hạn hoàn hoàn thành công tác sửa chữa hằn lún vệt bánh xe đến ngày 30/10/2015” - Tổng Giám đốc Mai Tuấn Anh nói.
Thông tin từ Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, dự án này đang trong giai đoạn bảo hành công trình. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu VEC chỉ đạo nhà thầu khẩn trương sửa chữa, khắc phục hư hỏng hằn lún theo đúng các điều khoản quy định trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Kinh phí thực hiện thuộc trách nhiệm bảo hành của nhà thầu, không sử dụng kinh phí của dự án.

Đọc thêm