Bộ trưởng giao thông vi hành chưa hẳn là đã tốt

(PLO) - Có lẽ, những cuộc “vi hành”, sự xông xáo với những “điểm nóng” của Bộ trưởng ngành giao thông đã góp phần khiến số phiếu tín nhiệm của ông cao nhất trong số các thành viên chính phủ. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) điều quan trọng là Bộ trưởng cần phải có những “cánh tay nối dài”.
- Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về một vị bộ trưởng “vi hành” và một vị bộ trưởng “ngồi nhà làm chính sách”?
Làm chính sách thì cũng phải nghiên cứu và đưa ra đề xuất. Nhưng nghiên cứu không đi thực địa thì không sát cơ sở, không biết dân cần gì, muốn gì; thực tế diễn ra như thế nào. Cho nên làm chính sách thì phải vừa kết hợp đi thực địa và sau đó mới tổng hợp đa chiều từng lĩnh vực, từng địa phương vùng miền mới ban hành chính sách cho phù hợp. 
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)
  ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) 
- Nếu bộ trưởng có bộ máy giúp việc tốt thì bộ trưởng không phải đi thực địa tận nơi? Bởi khi bộ trưởng đến hiện trường, sự việc được giải quyết, bộ trưởng  đi thì vụ việc lại trở lại như cũ?
Đúng vậy, tôi cũng lo ngại chuyện này. Như ngành giao thông, bộ trưởng vi hành tới điểm nóng nào thì chỗ đó được giải quyết, thế nhưng bộ trưởng không đủ khả năng đi hết các vùng, miền mà phải có các cánh tay của mình như thứ trưởng, giám đốc sở để chỉ đạo, phối hợp, nhịp nhàng, đồng bộ. Nghĩa là khi bộ trưởng đưa ra yêu cầu thì các cấp dưới tuân thủ nghiêm ngặt, theo yêu cầu chứ một mình bộ trưởng thì không làm được.
- Nhưng giám đốc sở thì lại UBND tỉnh quản lý, nên  dẫn tới tình trạng nếu giám đốc sở không “làm cánh tay nối dài”,  bộ trưởng muốn nhưng cũng không thể cách chức được ông giám đốc đó. Như tình trạng ở một tỉnh trước đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông muốn cách chức Giám đốc Sở nhưng không thể. Chính điều này đã dẫn tới hiệu lực chỉ đạo điều hành của bộ trưởng không cao?
Chính phủ phải làm rõ quản lý ngành, quản lý theo lãnh thổ, quản lý theo ngành dọc thế nào, theo cấp chính quyền ra sao. Ông giám đốc sở do chính quyền bổ nhiệm, HĐ UBND phê chuẩn. Nên phải quy định rõ trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang, không được lẫn lộn.
Tôi đơn cử như quản lý trong ngành y tế rất khó nếu không do sự chỉ đạo của hệ thống dọc về chuyên môn. Còn vấn đề con người , kiểm điểm, trách nhiệm thì là vấn đề của địa phương. Tức là phải có 1 đề án phân rõ không lẫn lộn, phải  làm thật nghiêm minh. Không thể nói đổ lỗi cho trách nhiệm của địa phương, tôi  không chấp nhận mệnh lệnh của ngành dọc. Nhưng thực tế cho thấy bộ trưởng không thể làm hết được mà phải có những cánh tay nối dài tại địa phương. Cho nên CP phải có đề án quy trách nhiệm ngành dọc, ngành ngang cụ thể như thế nào. Khi sai phạm chuyên môn trách nhiệm ngành dọc thì cơ quan địa phương phải xử lý.  
- ĐB đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình?  
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời tương đối rõ so với lần trả lời chất vấn trước. Lần này, Bộ trưởng đã có những số liệu chứng minh cho việc làm của mình, kể cả chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra. Dù chất lượng văn bản báo cáo này chưa thể đánh giá hết, nhưng bước đầu có chuyển biến thì hy vọng kỳ họp tới sẽ có sự đánh giá chất lượng bộ máy tốt hơn, cụ thể hơn./.

Đọc thêm