“Bom” BOT Yên Khánh “phát nổ”: Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?

(PLO) - Ngày đầu năm 2019 đã “nổ” “quả bom” BOT Yên Khánh. Nhà đầu tư (NĐT) dự án BOT Trung Lương- Mỹ Thuận trong lúc dự án này đang trong cơn “hấp hối” có thể bị đột tử vì hầu hết các NĐT tư chủ yếu vay vốn ngân hàng hoặc thế chấp cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài. Cha mẹ yếu sức nhưng cáng đáng nuôi nhiều con, vượt xa khả năng, thực lực của mình nên việc thất bại tất yếu xảy ra. Nay cộng thêm BOT Yên Khánh dính vào bê bối thu phí chắc tình hình càng khó khăn.
Cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ dừng thu phí từ ngày 1/1/2019
Cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ dừng thu phí từ ngày 1/1/2019

Niềm vui chưa trọn ngày đầu năm

Từ 0h ngày 1/1/2019, toàn bộ hoạt động thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương phải tạm dừng, lý do là hợp đồng bán quyền thu phí tuyến đường này cho Cty CP Tập đoàn Yên Khánh hết hiệu lực. Trong khi đó, phương án thu phí mới thay thế vẫn chưa được thông qua.

Ngừng thu phí là tin mừng với người dân, nhất là với đội ngũ tài xế. Rất tiếc là chưa kịp mừng thì chuyện lo đã tới. Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho hay, hiện Tổng cục đang nâng cấp các trạm thu phí và xây dựng các phương án báo cáo cấp trên, có bán quyền thu phí tiếp hay không, khi nào thu phí lại hoặc chốt phương án ra sao sẽ thông báo sau: “Còn việc bắt các cá nhân của Cty CP Tập đoàn Yên Khánh là việc của công ty và công an thực hiện độc lập, không liên quan cơ quan nhà nước”, vị này cho hay.

Về khoản tiền 264,7 tỷ mà Cty CP Tập đoàn Yên Khánh bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đây là việc giữa Tổng Cty Cửu Long (Tổng Cty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) - chủ đầu tư và Cty Yên Khánh.

Ở diễn biến khác, thông tin từ Bộ Công an cùng ngày 1/1/2019 cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương.

Căn cứ kết quả đấu tranh và tài liệu thu thập được, C03 đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối Ngô Bá Thắng - Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và 4 người khác, gồm: Trần Văn Miền - Phó Giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm (Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh); Tô Phước Hùng - Kế toán trưởng Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ - Kế toán Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh; Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi.

Quá trình khám xét, đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng nêu trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước.

Đây là nỗi lo lớn của người dân đồng bằng vì Yên Khánh đang là thủ trưởng, là đầu tàu kéo những người khác trong liên danh bốn bên. Người dân ai cũng muốn sớm có đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Công ty Yên Khánh vốn rất yếu nay lãnh đạo lại bị bắt ắt có nguy cơ dự án này sụp đổ, lo lắng này không phải không có cơ sở.

Tìm phương án tháo gỡ

Hiện nay, C03 đang tiến hành điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật và thu hồi tài sản cho Nhà nước. Cao tốc TP HCM- Trung Lương là cao tốc đầu tiên được thông xe ngày 3/2/2010 giúp rút ngắn thời gian từ TP HCM- Tiền Giang chỉ còn 30phút, thay vì 90 phút như trước đây.

Năm 2015, Bộ GTVT giao Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng cao tốc TP HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh với giá trị trên 2.000 tỷ, thời hạn 5 năm. Kể từ 0h ngày 1/1/2019, cao tốc này hết hạn hợp đồng bán quyền thu phí. Công tác quản lý cao tốc sẽ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện.

Cuối năm 2016, liên danh NĐT gồm Công ty Tuấn Lộc - Yên Khánh - B.M.T - Thắng Lợi - Hoàng An - CII đã ký với Bộ GTVT hợp đồng BOT số 14, cam kết xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km và được Bộ GTVT chỉ định thực hiện dự án, tổng mức đầu tư là 9.668 tỷ.

Sau đó liên danh NĐT này lập ra CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Trên thực tế, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ huy động khoảng 1.500 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, còn lại 8.126 tỷ vay tại các ngân hàng thương mại.

Như vậy, các bên liên danh trong dự án này chủ yếu là mượn vốn ngân hàng đầu tư kiếm lời nhưng lại ăn phần ngon nhất là thu phí. Trong khi hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm, họ lại dùng tin học để thay đổi phần mềm nhằm trốn thuế, trốn doanh thu.

Một khúc mắc phát sinh từ phần vốn vay ngân hàng của NĐT: Trong khi lãi vay được ghi trong hợp đồng BOT 9,17%/năm, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải vay vốn trung và dài hạn tại ngân hàng với lãi vay thực tế cao hơn lãi vay cam kết trong hợp đồng BOT. Cụ thể, công ty đã vay vốn đầu tư dự án từ nhiều ngân hàng với lãi vay trung bình 10,83%/năm.

Theo tính toán, trong suốt vòng đời dự án, tức bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng dự án 1.086 tỷ và lãi vay cộng dồn trong suốt thời gian vận hành, khai thác dự án lên tới 6.516 tỷ, tăng 3.082 tỷ so với lãi vay trong phương án tài chính.

Sự vênh nhau giữa lãi vay thực tế tại các ngân hàng và lãi vay cam kết trong hợp đồng BOT đã làm phương án tài chính ban đầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị phá sản, đẩy dự án rơi vào đình trệ thời gian qua.

CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có thể đã nhìn thấy lợi nhuận của mình bị mất nên thi công cầm chừng để xin điều chỉnh lãi vay cam kết trong hợp đồng. Cũng cần nói thêm, từ tháng 10/2014 đến nay, Công ty này đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư thêm quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Điều này cho thấy những ưu đãi như chỉ định NĐT, quyền thu phí dự án khác, chưa đủ để bảo đảm thành công của dự án BOT.

Để tháo gỡ, Bộ Tài chính đã đề cập tới các giải pháp gỡ vướng cho dự án theo 2 phương án. Thứ nhất, Bộ GTVT và CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký. Nếu 2 bên không tiếp tục thực hiện sẽ chấm dứt hợp đồng.

Nhưng chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc chấm dứt hợp đồng BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận quá phức tạp, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài, do phải thực hiện lại các khâu lựa chọn NĐT mới, giải quyết các phát sinh đối với NĐT cũ.

Thứ hai, tiếp tục để BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện dự án, cho phép Bộ GTVT và NĐT đàm phán, cập nhật lại quy định lãi vay trong hợp đồng BOT. Và việc sửa hợp đồng BOT theo Bộ Tài chính sẽ bảo đảm tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành vào năm 2020.

Phía Bộ GTVT cho rằng trong trường hợp chấm dứt hợp đồng với NĐT BOT hiện nay, việc lựa chọn NĐT BOT mới sẽ mất thêm 1 năm để phê duyệt điều chỉnh dự án, tức sẽ không kịp hoàn thành dự án vào năm 2020.

Còn để gỡ vướng cho dự án, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh lại dự án và sửa đổi hợp đồng BOT, theo hướng tính lãi vay trong hợp đồng dựa trên lãi vay trung bình của 3 ngân hàng thương mại, đồng thời Chính phủ đồng ý chuyển tiếp quyền thu phí 8 năm 2 tháng cao tốc TP HCM - Trung Lương cho NĐT.

Đầu tư BOT cũng bấp bênh?

Theo ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trước đây lãi suất huy động vốn thực hiện dự án BOT được khống chế dựa trên lãi suất trung bình của 3 ngân hàng lớn và lãi trần của trái phiếu Chính phủ. Đây là 2 cơ sở để các bên tham khảo đàm phán hợp đồng BOT. NĐT nào chấp thuận sẽ tiến hành.

Còn hiện nay, quy định về lựa chọn NĐT BOT theo cơ chế thị trường, tổ chức đấu thầu lựa chọn NĐT có chi phí thấp nhất được quyền làm dự án. Trong quá trình thực hiện dự án, nếu xảy ra rủi ro NĐT phải chấp nhận.

Ông Kỳ Sơn cho biết thêm, qua thanh tra tại nhiều dự án BOT, đã phát hiện khoảng 40% tổng mức đầu tư dự án BOT không đi vào công trình (riêng chi phí dự phòng, trượt giá, khối lượng phát sinh chiếm khoảng 30% tổng mức đầu tư các dự án BOT). Các hợp đồng BOT thường kéo dài 3-4 năm, mức trượt giá được NĐT tính toán khoảng 8-10% tổng mức đầu tư/năm.

Do vậy, có NĐT BOT tính toán chi phí đầu tư không chuẩn xác, định mức đơn giá lạc hậu, cách tính toán chi phí nhân công không phù hợp đã đẩy tổng mức đầu tư một số dự án BOT cao ngất ngưởng. Nhưng cũng có NĐT BOT không sử dụng hết chi phí dự phòng, còn vốn dư, có thể được thu hồi.

Hiện quy định pháp lý về chi phí dự phòng dự án đầu tư không chặt chẽ, trong khi lại cho phép NĐT tự điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án miễn không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Điều này đã gây khó cho các cơ quan nhà nước trong giám sát các chi phí.

Trước những tiêu cực mà Công ty Yên Khánh gây ra đang phổ biến ở nhiều trạm BOT và những sai sót tài chính này cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

Đọc thêm