Cần sớm có biện pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại TP Thái Nguyên

(PLVN) - Ùn tắc giao thông luôn là vấn nạn, nỗi khổ dai dẳng mà người dân các đô thị, thành phố lớn gặp phải. Không ngoại lệ, Thái Nguyên cũng đang dần trở thành một trong số những đô thị gặp phải tình trạng này trong các giờ cao điểm.
Ách tắc giao thông tại đoạn đường Quang Trung giao với đường Việt Bắc (TP Thái Nguyên)
Ách tắc giao thông tại đoạn đường Quang Trung giao với đường Việt Bắc (TP Thái Nguyên)

Hiện tượng ùn tắc giao thông vào một số giờ cao điểm tại Thái Nguyên xuất hiện từ năm 2016. Đến năm 2017, hiện tượng này trở nên phổ biến hơn, tuy nhiên vẫn chưa ảnh hưởng quá nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Nhưng đến nay (năm 2020) mật độ ách tắc giao thông ngày càng dày đặc hơn, thời gian ùn ứ kéo dài. Điều này, tạo bất lợi cho người, phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Tình trạng ùn tắc diễn ra nặng nhất xảy ra ở đoạn đường Quang Trung giao với đường Việt Bắc (TP Thái Nguyên), đường Đê Nông lâm giao đường Dương Tự Minh, khu vực nút giao cầu Gia Bẩy, tại các cổng trường học ...

Ách tắc giao thông tại đoạn đường Đê Nông Lâm với đường Dương Tự Minh (TP Thái Nguyên)
Ách tắc giao thông tại đoạn đường Đê Nông Lâm với đường Dương Tự Minh (TP Thái Nguyên) 

Nguyên nhân của tình trạng này là do TP đang trên đà phát triển, ngày càng có nhiều người dân từ các huyện trong tỉnh đến sinh sống. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, lượng phương tiện cá nhân, nhất là xe ô tô gia tăng nhanh chóng. Tình trạng họp chợ tràn lan, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn tồn tại. Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế trong khi đó hạ tầng giao thông lại chưa kịp nâng cấp để đáp ứng điều đó.

Chị P.T.V, 25 tuổi cư trú tại phường Đồng Quang cho biết: “Tôi thường xuyên đi làm về qua đoạn đường Quang Trung giao với đường Việt Bắc vào lúc khoảng 17h30 đến 18h hàng ngày, hầu như hôm nào cũng bị mắc kẹt trên đoạn đường này khoảng 15- 20 phút".

Mặc dù đã có nhiều biện pháp khắc phục xử lí khác nhau, nhưng tình trạng tắc đường vẫn là vấn đề nan giải chưa có hồi kết. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc hơn nữa để nhanh chóng cải thiện được tình hình và tránh được sự “lặp lại” như các đô thị lớn khác.

Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất chính là việc tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ ý thức tham gia giao thông của người dân để họ hiểu và nghiêm túc chấp hành các hiệu lệnh và pháp luật. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của các đô thị lớn với lượng phương tiện.

Đọc thêm