Cảnh sát giao thông “ngại” phạt người nước ngoài?

(PLO) - Ở nhiều khu vực thuộc Hà Nội, không hiếm gặp cảnh tượng người nước ngoài vi phạm luật giao thông nhưng không hề bị xử lý. Phải chăng lực lượng chức năng đang “bỏ quên” nhóm đối tượng này? 
Tại các tuyến đường có nhiều trường đại học, khu phố cổ, ngân hàng... nơi có nhiều người nước ngoài làm việc, tình trạng vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến
Tại các tuyến đường có nhiều trường đại học, khu phố cổ, ngân hàng... nơi có nhiều người nước ngoài làm việc, tình trạng vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến
Thời gian gần đây, để cải thiện tình hình an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã áp dụng nhiều phương pháp xử lý vi phạm mới như xử phạt qua camera giám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý đối tượng say xỉn, không đội mũ bảo hiểm... Trong chừng mực, tình hình giao thông đã ít nhiều được cải thiện. Thế nhưng, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì hiện đối tượng mà CSGT hướng tới xử phạt vẫn chỉ là người Việt.
“Nóng” như chuyện người nước ngoài gây tai nạn
Qua các tuyến đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cát Linh, Tôn Ðức Thắng, Hàng Bông, Hàng Gai, Lương Văn Can, Bà Triệu... không ít lần người viết chứng kiến hành vi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Ðối tượng vi phạm thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi, trong đó có cả những người nước ngoài. 
Lý giải điều này, một cán bộ CSGT nhận định: “Bên cạnh những người nước ngoài đang làm việc, học tập rất tôn trọng pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng thì hiện vẫn tồn tại một bộ phận công dân nước ngoài ý thức chấp hành luật lệ chưa cao”. 
Ý thức chấp hành kém, vi phạm luật giao thông sẽ bị xử lý là hiển nhiên, nhưng theo tìm hiểu của người viết, nhóm đối tượng là công dân nước ngoài không tuân thủ luật bị lực lượng chức năng xử lý vẫn khá “khiêm tốn”. Trên thực tế, đã từng có không ít vụ việc người nước ngoài vi phạm luật giao thông gây ra những hậu quả nghiêm trọng. 
Chẳng hạn, tháng 7/2014, tại trước số nhà 26 Hạ Long (phường 2, TP.Vũng Tàu), ông Christopher James Wintergreene (SN 1972), quốc tịch Hà Lan, tạm trú tại Khách sạn Royl, đường Trần Phú điều khiển xe máy trong tình trạng không có giấy phép lái xe (GPLX), mũ bảo hiểm. Người này trong quá trình lưu thông đã không làm chủ tốc độ, tự đâm vào vỉa hè và trụ đèn chiếu sáng dẫn tới tử vong.
Trước đó, khoảng tháng 2/2014, ông Gilbert John David (SN 1972, quốc tịch Australia, tạm trú tại TP.Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy 59P1-850.13 lưu thông trên quốc lộ 56 đã chạy vào đường ngược chiều và gây tai nạn. Hậu quả, Gilbert John David tử vong. Nguyên nhân của vụ tai nạn được cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định, Gilbert John David điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX và đi ngược chiều. 
Tại Hà Nội, hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể số người nước ngoài vi phạm luật giao thông. Thế nhưng, ngay giữa Thủ đô đã từng có trường hợp công dân Trung Quốc vi phạm luật, gây mất an ninh trật tự. Cụ thể là vụ Lieng-Kun-Lun (SN 1976, ở Sơn Đông, Trung Quốc) thực hiện hành vi cướp taxi, gây tai nạn trên đường Tây Sơn cách đây ít lâu. Theo đó, đối tượng này sau khi khống chế tài xế, cướp xe đã gây tai nạn liên hoàn khiến 5 người phải nhập viện. 
Hay vụ việc gần đây nhất, ngày 8/4 một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc điều khiển chiếc ô tô BKS 28A-56482 lưu thông trên đường Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ lấn làn, đâm thẳng vào xe máy đang lưu thông theo hướng ngược chiều. 
Theo lời một cán bộ CSGT Đội 1 kể lại, khoảng đầu tháng 3 vừa qua, tại ngay chốt Hàng Đậu có một công dân mang quốc tịch Monaco vượt đèn đỏ, khi thấy CSGT ra hiệu tuýt còi, cá nhân này vẫn cố tình vượt lên đi tiếp. Phải đến khi có một đồng chí CSGT lái xe đuổi theo thì đối tượng mới dừng lại, nhưng anh ta vẫn cố tỏ vẻ kháng cự, không để CSGT làm việc.
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội phó Đội 3, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội chia sẻ: “Tại các tuyến đường có nhiều trường đại học, khu phố cổ, ngân hàng, nơi có nhiều người nước ngoài làm việc và thuê ở, tình trang vi phạm giao thông diễn ra khá phổ biến. Khi bị CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra, nhiều người nước ngoài còn dùng chiêu trò gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Có đối tượng còn xông vào đánh, chửi CSGT đang làm nhiệm vụ, gây rối trật tự nơi công cộng”.
Lực lượng CSGT đang giải thích, tuyên truyền luật giao thông cho một công dân nước ngoài
 Lực lượng CSGT đang giải thích, tuyên truyền luật giao thông
 cho một công dân nước ngoài
Có hay không tâm lý “ngại” phạt Tây?
Khách quan nhìn nhận, việc người nước ngoài vi phạm luật giao thông nhưng chỉ xử lý “nhỏ giọt” một phần xuất phát từ chính những người thực thi pháp luật, cụ thể ở đây là lực lượng CSGT. Điều này vô tình gây tâm lý bất bình trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng hiện đang có sự thiên vị khách tây.
Anh Đinh Văn Dương, hành nghề chạy xe ôm khu vực Cửa Nam bức xúc: “Nhiều người nước ngoài chấp hành tốt vì họ hiểu biết, nhưng một số người thì lại cực kỳ thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Họ vi phạm luật nhưng không bị xử lý như người mình sẽ rất khó để người dân thấy được sự công bằng. Nhưng nói thật, hiện tôi thấy khách tây họ đi xe rồi vi phạm luật nhưng không thấy CSGT xử lý mạnh tay, phạt nặng như người mình”.
Theo tìm hiểu, hiện lực lượng chức năng vẫn gặp khó khăn khi “tuýt” công dân nước ngoài phạm luật một phần xuất phát từ những hạn chế trong khâu điều chỉnh các hành vi vi phạm, thẩm quyền, chế tài xử lý. 
Chẳng hạn, nói riêng về khâu phát hiện, điều chỉnh các hành vi vi phạm, lực lượng xử lý vi phạm ngoài trình độ chuyên môn cần thiết, họ cần phải có thêm khả năng ngoại ngữ, ứng biến linh hoạt tình hình... mới có thể giải thích cặn kẽ cho người nước ngoài phạm luật hiểu.
Điều này sẽ càng bất hợp lý nếu đặt vụ việc trong bối cảnh giờ cao điểm, ùn tắc tăng cao, lực lượng CSGT lại chỉ chuyên chú xử lý vi phạm, qua nhiều khâu và thủ tục, tốn thời gian như vậy vô tình khiến dòng giao thông bị ách tắc, khó điều tiết. 
Nhìn nhận những khó khăn này, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, cán bộ xử lý vi phạm, Đội CSGT số 1 chia sẻ: “Ngôn ngữ bất đồng cũng là tác nhân không nhỏ đang cản trở quá trình thực thi công vụ. Nhưng đổi lại, mình sẽ xử lý theo đúng quy trình, sẽ phải mời họ về trụ sở và cần thiết mời phiên dịch để nói cho họ hiểu”.
Cũng theo Thượng tá Quỹ, hiện tại trừ sự ưu tiên theo luật định, việc xử lý vi phạm giao thông hoàn toàn không có chuyện “bỏ lọt người nước ngoài”. Ông Quỹ cho hay: “Riêng với yếu tố vi phạm là người nước ngoài, luật lệ đã tuyên truyền rồi thì mình không ngại gì hết. Không “ngại” phạt vì đó là sự tôn trọng luật pháp. Cái “ngại” là yếu tố mang tính cá nhân người xử lý chứ luật thì không ngại. 
Sống trong phạm vi Việt Nam, phải chấp hành nghiêm pháp luật, Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Nếu người nước ngoài nào đó vi phạm, nghĩa là họ không tôn trọng pháp luật Việt Nam, lực lượng CSGT có quyền xử lý những hành vi vi phạm đó như là đối với công dân Việt, không có gì khác cả”.
Theo khảo sát của riêng người viết, hiện người nước ngoài đang cư trú hoặc đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ ba tháng trở lên, muốn tham gia giao thông phải đến cơ quan chức năng để dự học và thi cấp GPLX. Điều kiện thiết yếu là họ phải đọc và hiểu được tiếng Việt. Riêng đối với các trường hợp xin cấp đổi GPLX (họ đã có GPLX quốc tế hay nước ngoài cấp), nếu có nhu cầu lái xe phải làm thủ tục xin đổi sang GPLX của Việt Nam tương ứng. 
Các trường hợp giả khai báo mất hoặc tẩy xóa, làm sai lệch thông tin trên GPLX, sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả, cố tình gian dối để được đổi, cấp lại GPLX thì ngoài việc bị thu hồi giấy phép, các đối tượng này còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm.
Thiết nghĩ, giao thông ở Việt Nam có tính chất khá đặc thù, việc xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông đã và đang có những yếu tố phức tạp hơn người Việt. Tuy nhiên, nếu lực lượng CSGT tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông cho đối tượng là người nước ngoài nhiều hơn nữa, tin chắc họ sẽ tiếp cận, tuân thủ luật pháp Việt Nam một cách bài bản.

Đọc thêm