Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: “Hút” hơn 12ngàn tỷ đồng vốn xã hội hóa

(PLO) - Một liên danh gồm nhiều doanh nghiệp thuộc khối dân doanh đã “rót” hơn 12 ngàn tỷ đồng vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giúp ngành Giao thông hình thành  mạng lưới đường cao tốc quốc gia.
Nhiều dự án cao tốc đã triển khai và đưa vào khai thác ở khu vực phía Bắc
Nhiều dự án cao tốc đã triển khai và đưa vào khai thác ở khu vực phía Bắc
Giảm áp lực cho vốn ngân sách
Dự án đường cao tốc nói trên nằm trong tổng thể quy hoạch của tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn nối Hà Nội tới Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn tuyến (dài khoảng 152km) quá lớn nên Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tách đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn từ Km45+100 - Km108+500 đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). 
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án trên, đồng thời kết hợp với tăng cường mặt đường trên QL1 đoạn từ Km1+800 - Km106+500, theo hình thức BOT.
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Viết Huy, Phó trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) cho hay: “Dự án này trước kia dự kiến triển khai bằng vốn vay nước ngoài, tuy nhiên sau đó do gặp khó khăn nên đã chuyển đổi sang hình thức BOT. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc bộ như Ban Quản lý Dự án An toàn giao thông sau khoảng thời gian 10 tháng đã hoàn thiện thủ tục và chuyển đổi thành công hình thức đầu tư đối với dự án này. Các doanh nghiệp trong liên danh đầu tư đều là những đơn vị có kinh nghiệm thi công, đầu tư các dự án giao thông, đặc biệt là Dự án BOT”.
Rõ ràng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách dành cho các dự án hạ tầng giao thông ngày một eo hẹp thì việc xã hội hóa đầu tư thành công dự án này bằng nguồn vốn hơn 12 ngàn tỷ đồng huy động được từ các doanh nghiệp đã góp phần giải được “bài toán” về nâng cao năng lực vận tải, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực phía Bắc, trong đó có 2 tỉnh nằm trên tuyến là Lạng Sơn, Bắc Giang. 
“Triển khai dự án cao tốc này không chỉ tạo điều kiện cho các địa phương phát triển mạnh mẽ mà còn nhanh chóng góp phần hình thành nên mạng lưới cao tốc quốc gia, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông. Chúng tôi tham gia dự án này vừa với vai trò là đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vừa là đơn vị tư vấn quản lý dự án” - ông Nguyễn Hữu Long, Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án An toàn giao thông (Bộ GTVT) nói.
Vai trò doanh nghiệp dân doanh
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc này được thiết kế với vận tốc 100km/h; riêng tuyến QL1, giữ nguyên cấp đường hiện tại, vận tốc thiết kế 60 - 80km/h. Cụ thể, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 63,86km, điểm đầu giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối kết nối với điểm cuối của Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT. 
Tổng chiều dài QL1 của dự án khoảng 110km với điểm đầu tại Km1+800 (lý trình QL1) thuộc khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và điểm cuối tại Km112+038,84 (lý trình QL1), thuộc địa phận xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
Đại diện Liên danh BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành cho biết, Phương Thành là một trong ba doanh nghiệp có tỷ lệ góp vốn lớn (25%) vào dự án này. 
Theo tính toán, thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kéo dài trong 21 năm 5 tháng. Trên tuyến cao tốc dự kiến sẽ xây dựng 2 trạm thu phí chính và 3 trạm thu phí phụ tại các nút giao liên thông, áp dụng hình thức thu phí kín; tuyến QL1 cũng sẽ xây dựng 2 trạm thu phí, áp dụng hình thức thu phí hở. 
“Đây là một dự án lớn, thực hiện bởi phần lớn các doanh nghiệp tư nhân nhưng được các cơ quan chức năng và tổ chức tín dụng đánh giá khá cao. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo nguồn vốn vay thương mại, toàn bộ liên danh sẽ thu xếp đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật để triển khai và đặt mục tiêu hoàn thành sau khoảng 2 năm” - ông Khôi khẳng định.
Theo ông Khôi, để dự án “cán đích” đúng tiến độ, liên danh nhà đầu tư cần sự phối hợp chặt chẽ của đại diện cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chính quyền các tỉnh nơi tuyến đường đi qua trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là sự hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng. 
“Đối với các dự án BOT nói chung hay cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nói riêng, điều mà chúng tôi mong muốn ở cơ quan quản lý nhà nước là hãy cho chúng tôi một “sân chơi”, mà ở đó cơ quan chức năng chỉ quản lý, giám sát và ràng buộc nhà đầu tư  bằng chất lượng, tiến độ, giá thành. Và khi nhà đầu tư đã cam kết thực hiện ba tiêu chí đó thì hãy tạo điều kiện cho nhà đầu tư được phép linh hoạt áp dụng các giải pháp (chẳng hạn như ứng dụng công nghệ) để tối ưu hóa dự án trong giới hạn cho phép” - ông Khôi  đề xuất.
Được biết, sau lễ khởi công dự án tổ chức hôm qua (5/7) tại Lạng Sơn, Liên danh nhà đầu tư BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (UDIC, SCIC, Phương Thành, Cty CP Đầu tư 468, Cty CP Giao thông xây dựng số 1, Cty TNHH Xây dựng Mỹ Đà) sẽ huy động mọi nguồn lực để triển khai ngay dự án, phấn đấu hoàn thành tuyến đường vào năm 2017. 
Chuyển đổi thành công hình thức đầu tư 
“Dự án này trước dự kiến triển khai bằng vốn vay nước ngoài, nhưng sau đó do gặp khó khăn nên đã chuyển sang hình thức BOT. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng của bộ như Ban Quản lý Dự án An toàn giao thông sau khoảng 10 tháng nỗ lực đã hoàn thiện thủ tục và chuyển đổi thành công hình thức đầu tư đối với dự án. Các doanh nghiệp trong Liên danh BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đều là những đơn vị có kinh nghiệm thi công, đầu tư các dự án giao thông, đặc biệt là Dự án BOT” - Phó trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư Nguyễn Viết Huy.

Đọc thêm