Chỉ mặt, đặt tên 'điểm dở' của giao thông Việt Nam

(PLO) -  “Văn hóa giao thông- Trách nhiệm thuộc về ai”- chủ đề hội thảo do Báo Nhân dân phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Gần 100 đại biểu là chuyên gia giao thông đã mang tới nhiều tham luận với góc nhìn đa chiều về những “điểm dở” giao thông và văn hóa giao thông Việt Nam.
Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông, nếu không bắt đầu từ cái gốc của nó là người tham gia giao thông (ảnh minh họa)
Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông, nếu không bắt đầu từ cái gốc của nó là người tham gia giao thông (ảnh minh họa)

Trình độ học vấn “chênh” với ý thức giao thông

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra ý kiến, hiện nay, mỗi khi ra đường, chắc không ít người tự hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra thế này? Vì sao văn hóa giao thông của dân mình ngày càng kém đi như vậy? Phải chăng con số 30 người chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông chưa đủ để cảnh báo?”. 

Những hành vi thiếu ý thức, kém văn hoá khi tham gia giao thông như thường thấy như học sinh không có giấy phép lái xe vẫn sử dụng xe máy; không thắt dây an toàn khi đi xe ôtô; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định;  đi xe buýt không nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người tàn tật;  phóng nhanh; vượt ẩu; đi vào đường ngược chiều; uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới... Đặc biệt nghiêm trọng là nạn rải đinh trên đường, nhất là đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), trên đoạn đường Bình Dương (thị xã Thủ Dầu Một) và một số tỉnh, thành khác; nạn trộm cắp nguyên vật liệu của cơ sở hạ tầng giao thông như nắp hố ga, dây cáp đèn đường...

Đáng lo ngại và ngạc nhiên là phần lớn những người thiếu ý thức tôn trọng luật giao thông, có hành vi phạm pháp gây tai nạn giao thông ở độ tuổi thanh niên. Đây là nguồn nhân lực chính của tương lai. Nếu không giúp được các bạn trẻ này thay đổi hành vi thì hàng chục năm nữa văn hóa giao thông nước ta vẫn không có gì chuyển biến, thậm chí có thể còn xuống thấp hơn vì họ sẽ nêu gương xấu cho các thế hệ tiếp theo. 

Có thể thấy rằng, thanh niên ngày nay có trình độ học vấn cao hơn nhưng ý thức giao thông lại khá “chênh”. Nguyên nhân chính là “học một đằng hành một nẻo”, “học nhiều, tập ít” hoặc “học mà không tập” ở các buổi học về an toàn giao thông khi cấp bằng lái xe cũng như trong trường học.

Vì sao nhiều sáng kiến bị “chết yểu”?

Có người cho rằng, sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông, nếu chúng ta không bắt đầu từ cái gốc của nó. Đó là người tham gia giao thông chứ không phải đường sá hay phương tiện. Ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Ông Nguyễn Xuân Thủy,  nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải lại có góc nhìn khác. Theo ông Thủy, văn hóa giao thông, trách nhiệm trước hết thuộc về Nhà nước, sau đó mới đến người dân, tự nhiên đổ cho người dân có văn hóa tham gia giao thông kém là không được. Nếu như hạ tầng giao thông tốt, đường sá rộng thì văn hóa của người tham gia giao thông cũng tốt, thậm chí không thua kém gì các nước. Luật pháp do Nhà nước soạn ra, nếu luật pháp chặt chẽ thì văn hóa của người dân cũng tốt lên, người đại diện cho Nhà nước là lực lượng cảnh sát giao thông nếu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì ý thức tham gia giao thông của người dân sẽ cao hơn. 

TS. Lê Thị Anh - Khoa Văn hoá và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng phân tích những “điểm dở” giao thông Việt Nam. Theo đó, cơ sở hạ tầng và phương tiện giao thông ở nước ta chậm hàng trăm năm so với các nước phát triển. Nhiều con đường, nhiều cây cầu đã xuống cấp, hư hại ở mức độ báo động song vẫn được khai thác sử dụng. Đại lộ Thăng Long, công trình chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long, con đường được coi là đạt tiêu chuẩn hiện đại nhất Việt Nam, mới sau đại lễ đã bị xuống cấp. Ở Việt Nam hiện tồn tại một thực tế là sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện giao thông lưu thông trên đường và cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông. Bên cạnh sự thiếu đồng bộ, thiếu thốn và xuống cấp về cơ sở hạ tầng giao thông là vấn đề nhiều phương tiện giao thông cũ nát, không đảm bảo chất lượng, quá hạn sử dụng, không đảm bảo hệ số an toàn kỹ thuật... vẫn được tham gia lưu thông trên đường.

Một nguyên nhân đáng lưu ý, chất lượng của các Trung tâm đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe; của công tác đào tạo, giáo dục, kiểm tra người lái xe và phương tiện giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, vấn đề cấp phép ồ ạt cho các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe thời gian qua đã nảy sinh nhiều bất cập.

Sau bao nhiêu sáng kiến, giải pháp giảm ùn tắc giao thông nhằm hạn chế phần nào tai nạn, ngành giao thông vẫn chưa tìm ra được một lối thoát nào thực sự hữu hiệu nếu không nói là đi vào ngõ cụt, thậm chí “nực cười” như: cấm xe địa phương vào Hà Nội; xe số chắn đi vào ngày chẵn, xe số lẻ đi vào ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành, đổi giờ học, giờ làm. Và đến nay, các sáng kiến này đã “chết yểu” ngay khi là mầm nhú. Và, từng ngày, từng giờ, người dân phải sống với nạn ùn tắc.

TS. Lê Hồng Sơn chuyên gia của Bộ Tư pháp, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp lý gợi ý, ban ngành cần tuyên truyền, phổ biến bằng các hình thức thích hợp cho mọi người dân năm chắc về pháp luật. Ngoài việc xử phạt nặng các hành vi vi phạm giao thông, các ngành cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngay trong các lực lượng chức năng có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát huy vai trò phát hiện của người dân nhằm chống tiêu cực, tham nhũng của những cán bộ thoái hóa, biến chất, thanh lọc nội bộ lực lượng một cách thực chất, kiên quyết.

Đọc thêm