Đã thấy hình hài luồng sông Hậu

(PLO) - Vượt qua những con sóng dữ của mùa gió chướng miền Tây Nam bộ, trên công trường luồng sông Hậu máy vẫn chạy, công nhân vẫn thi công suốt ngày đêm. Tất cả vì mục tiêu thông luồng kỹ thuật, đón con tàu đầu tiên từ biển vào sông Hậu ngày 31/12.
Đê chắn sóng phía Nam luồng sông Hậu thi công đạt gần 90% khối lượng
Đê chắn sóng phía Nam luồng sông Hậu thi công đạt gần 90% khối lượng
Dự án này hoàn thành sẽ đảm bảo cho những con tàu vạn tấn lướt êm trên mặt nước vào sâu các cảng trên sông Hậu, giúp thông qua một lượng hàng hóa khoảng hơn 20 triệu tấn/năm, riêng hàng container sẽ đạt 450.000 - 500.000 TEU/năm giai đoạn đến năm 2020.
Chờ vốn, canh trời…
Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt với tổng đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 hoàn thành các hạng mục: Luồng chạy tàu 46,5km; 2,4km đê chắn sóng phía Nam; kè bảo vệ bờ dọc hai bên kênh Tắt... với kinh phí trên 7.500 tỷ đồng. Cuối năm 2009, dự án khởi động Gói thầu 6A với việc đào mới 4,2km luồng kênh Tắt. 
“Hạng mục này trị giá hơn 600 tỷ đồng, đang thi công thì phải dừng lại nửa chừng do dừng giãn tiến độ theo tinh thần Nghị quyết 11. Mãi đến năm 2014 mới tái khởi động trở lại”, ông Nguyễn Tất Nhâm - Trưởng phòng Quản lý Dự án 2 (Ban Quản lý Dự án (PMU) Hàng hải) nói về những khó khăn ban đầu của công trình luồng sông Hậu.
Thực tế công trình “nằm” chờ vốn, trong khi nước sông thì ngày đêm vẫn chảy nên chỉ sau một thời gian đã xảy ra tình trạng sa bồi lên tới cả triệu mét khối tại vị trí từng nạo vét. Điều này cho thấy thời tiết, khí hậu... đã tác động rất lớn đến quá trình triển khai dự án. 
“Ngại nhất là mùa gió chướng! Vì 7 tháng này thời tiết vô cùng khắc nghiệt, sóng to gió lớn, trong khi địa bàn thi công thì hoàn toàn lênh đênh trên sông nước. Vì thế, nếu muốn đảm bảo tiến độ, ngoài năng lực tài chính, kỹ thuật, nhà thầu còn phải canh... trời, mưa nắng để thi công”, ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Giám đốc TCty Xây dựng đường thủy nói. 
Được biết, là dự án trọng điểm ở phía Nam nhưng có thời điểm nhiều gói thầu trên công trường này đã cùng nhau... “lụt” tiến độ. Khó khăn trên chỉ thực sự được tháo gỡ khi PMU Hàng hải ra đời và Tổng Giám đốc Ban này - ông Trần Anh trực tiếp chỉ đạo dự án. 
“Lúc mới vào, công trường khá ngổn ngang. Ở đây không chỉ có những gói thầu của luồng sông Hậu mà các dự án của ngành Điện cũng đồng loạt triển khai khiến nguồn cung về vật liệu khan hiếm chưa từng thấy. Kế đó là tình trạng một số nhà thầu làm ăn bê trễ, không đủ năng lực... càng khiến dự án thêm ì ạch”, ông Trần Anh nhớ lại.
Phải mất nhiều tháng nỗ lực, khó khăn trên mới được hóa giải bằng một mỏ cát có trữ lượng lớn, đủ tiêu chuẩn ở Định An (Trà Vinh). Đây là nguồn cung vật liệu phục vụ thi công phần hố móng công trình thay vì phải mua, vận chuyển cát cách xa vài trăm cây số từ An Giang về Trà Vinh. 
“Giải quyết được “nút thắt” này, công trường chuyển biến trông thấy. Tiếp đó, chúng tôi tập trung chấn chỉnh các nhà thầu; kiểm soát, đốc thúc tiến độ từng ngày, với phương châm “xắn tay áo” cùng đơn vị thi công. Thậm chí, có “anh” chúng tôi còn phải cầm tay chỉ việc... 
Những “anh” quá trì trệ thì phải xử lý, không có chuyện cả nể hay châm chước ở đây”, Tổng Giám đốc PMU Hàng hải cho biết.  
Sẵn sàng đón tàu vạn tấn
Đến thời điểm này, cả 7 gói thầu của dự án đang đồng loạt thực hiện những hạng mục cuối trước ngày thông luồng kỹ thuật (31/12/2015). Trong đó, Gói thầu 10A (đê chắn sống phía Nam) một thời là “tâm điểm” chú ý của chủ đầu tư vì sự bết bát trong thi công và cũng là hạng mục có độ khó lớn nhất của dự án hiện đã hoàn thành việc hợp long. 
“Với sự nỗ lực của nhà thầu và đại diện chủ đầu tư, toàn bộ 2,4km đê đã thi công đạt cao trình +5,7 m, và đã bắt đầu phát huy được công năng của tuyến đê chắn cát, giảm sóng kết hợp với đê Bắc của Dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải tạo nên một hệ thống bể cảng tại huyện Duyên Hải, Trà Vinh”, bà Lã Hồng Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đánh giá. 
Theo PMU Hàng hải, các gói thầu còn lại như Gói 6A (nạo vét kênh Tắt và công trình bảo vệ bờ km 0-650 ÷ km3+628), Gói 9 (bến phà kênh Tắt), Gói 10B (thi công luồng biển và công trình bảo vệ bờ)... khối lượng thi công đều đạt từ 75 đến hơn 90%. 
Đặc biệt, Gói 11 (thi công nạo vét kênh Quan Chánh Bố và luồng sông Hậu) chiều dài tuyến hơn 30km, với tổng khối lượng nạo vét hơn 10 triệu mét khối, đến nay đã thi công được khoảng 7,5 triệu mét khối; trong đó, có 22,4 km đạt cao độ -6,5m và 2,8km đạt cao độ -5,5m. Dự kiến cuối tháng 12/2015 sẽ cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện thông luồng. 
Các hạng mục khác như phao tiêu báo hiệu, trạm quản lý luồng cũng xong khâu sản xuất thiết bị và đã lắp đặt một số phao tại luồng chung, cuối tháng 1/2016 sẽ hoàn tất thi công.
Trao đổi với PLVN, Tổng Giám đốc Trần Anh khẳng định: “Cắt được quốc lộ 53 và đê biển Hải Thành Hòa là mọi việc coi như thông suốt, kế hoạch thông luồng kỹ thuật, đón tàu vào chắc chắn sẽ diễn ra đúng như kế hoạch đã định”. 
Để từ nay đến cuối năm, việc thi công những hạng mục còn lại diễn ra thuận lợi, PMU Hàng hải kiến nghị UBND tỉnh Trà Vinh sớm có phương án đảm bảo giao thông cho nhân dân trong khu vực, đồng thời hoàn thiện đường kết nối từ đê Hải Thành Hòa với tỉnh lộ 913; đặc biệt cần tuyên truyền cho người dân trong vùng hiểu rõ tầm quan trọng và hiệu quả của tuyến luồng đối với địa phương để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về mặt bằng, sớm hoàn thành giai đoạn 1 dự án.

Đọc thêm