Đau đầu chuyện đấu giá biển số xe

(PLVN) - Theo đề xuất mới từ Bộ Công an, chủ xe có quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng với biển số khi qua đấu giá. Đề xuất này được đưa vào dự thảo Luật Đảm bảo trật tự giao thông đường bộ lần thứ ba vừa trình Quốc hội.
Nếu dự thảo luật được thông qua, biển số xe cấp qua đấu giá sẽ được coi là tài sản.
Nếu dự thảo luật được thông qua, biển số xe cấp qua đấu giá sẽ được coi là tài sản.

Đề xuất gây chú ý

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đề xuất trên được Bộ Công an đưa vào dự thảo Luật đảm bảo trật tự giao thông đường bộ lần thứ ba trình Quốc hội. Theo đề xuất của Bộ Công an, sau khi trúng đấu giá biển số, chủ xe sẽ được quyền sở hữu biển số, có quyền định đoạt như mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, thế chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Đề xuất này không áp dụng với các loại biển số xe đăng ký theo hình thức chọn ngẫu nhiên như hiện nay.

Như vậy, với hình thức này, biển số xe khi đấu giá sẽ là tài sản và có thể gắn bó suốt đời với một người. Biển số xe này vừa có thể gắn với xe, vừa gắn với tên người sở hữu, thay vì chỉ gắn với xe như hiện nay.

Cũng theo Bộ Công an đề xuất việc đấu giá biển số xe sẽ do công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm và người tham gia sẽ không mất phí. Việc đấu sẽ được diễn ra trên mạng, thay vì trực tiếp. Đơn vị cảnh sát giao thông chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát quá trình thực thi.

Với việc đấu giá, Bộ Công an chia biển số thành 5 nhóm: có 5 số giống nhau; 4 số cuối giống nhau; 3 số giống nhau; số sau lớn hơn số trước và nhóm thứ năm gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết đây là một trong những giải pháp mà Bộ Công an tính toán khi xây dựng dự luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông để đảm bảo khách quan, minh bạch trong quá trình đấu giá biển số ô tô nếu được Quốc hội thông qua.

Trước đó, việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An là các địa phương từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.

Sở hữu biển số xe đẹp là một nhu cầu hiện hữu của một bộ phận người dân. Chỉ cần gõ dòng chữ “biển số xe đẹp” trên máy tìm kiếm Google, đã có gần 4 triệu kết quả sau 0,53 giây. Các chủ đề chủ yếu xoay quanh việc, làm thế nào để sở hữu biển số xe đẹp, cách giải mã, căn cứ để nhận biết biển đẹp-xấu, xem bói để biết biển số thần tài, biển số phong thủy hợp mệnh, hợp tuổi…

Nhận định về nhu cầu sở hữu biển số xe đẹp, một chủ salon ô tô cho biết, rất nhiều khách hàng hỏi anh và các đồng nghiệp về dịch vụ để lấy được biển đẹp luôn. Vì vậy, việc có quy định rõ ràng, minh bạch về biển số xe, giúp người dân được sở hữu biển số mong muốn là một chủ trương rất cần thiết.

“Thực tế, ngày nào bán xe, chúng tôi cũng nhận được câu hỏi của khách hàng về việc lấy biển đẹp. Có lẽ, việc đấu giá công khai biển đẹp này là hơi muộn, nhưng vẫn tốt, vì vừa tạo nguồn thu cho ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân” – chủ salon ô tô chia sẻ.

Theo quan điểm của Bộ Công an, việc triển khai đề án đấu giá biển số xe là chủ trương đúng đắn, cần phải quyết tâm thực hiện. Việc đấu giá biển số xe góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ nguồn thu này có thể sử dụng vào việc làm từ thiện, xây dựng công trình công ích.

Qua thí điểm đấu giá biển số xe cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Ví dụ, một biển số "tứ quý" 9 ở Nghệ An từng được bán với giá 700 triệu đồng. Còn  tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ngày 25/5/2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh có đề cập việc đấu giá biển số xe đẹp và cho rằng nếu triển khai đấu giá thì hằng năm ngân sách thu về hơn 12.000 tỉ đồng.

Cần minh bạch, tránh chồng chéo, đầu cơ 

Nói tới việc đấu giá biển số xe, người ta nghĩ ngay đó là biển số đẹp. Dù vậy, pháp luật hiện hành chưa định nghĩa thế nào là "biển số xe đẹp". Biển số xe đẹp được xác định đa dạng, tùy theo quan niệm của số đông và sở thích mỗi người.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có khái niệm cụ thể về biển số đẹp. Cùng với đó, một số ý kiến cũng cho rằng, việc đấu giá biển số xe cũng xảy ra sự xung đột, chồng chéo giữa một số luật đang hiện hành. 

Theo Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT, trong trường hợp các quy định pháp luật khác chưa được sửa đổi, bổ sung thì sẽ xảy ra nhiều xung đột: “Nếu coi biển số xe là tài sản thì mới đưa ra để đấu giá được. Nhưng khi trúng đấu giá mà người dân không được toàn quyền sử dụng, không được chuyển nhượng, thậm chí họ có thể bị thu hồi, sẽ dẫn đến những nguy cơ khiếu nại phức tạp.

Do đó, chúng tôi cũng thấy rằng cần phải giải quyết những vướng mắc này bằng những quy định pháp luật, tức đấu giá biển số sẽ được luật hóa”, Trung tá Công cho biết. Việc hạn chế hiện tượng cò mồi trong thủ tục cấp biển số, ngăn chặn “chảy máu” biển số đẹp mà thất thu ngân sách, cũng như tình trạng đầu cơ biển số đẹp để trục lợi cũng cần được các cơ quan chức năng xem xét và có quy định cụ thể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy thì việc quan trọng nhất là tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến những phản ứng và hệ luỵ xã hội có thể gặp phải từ việc đấu giá biển số xe như: Tâm lý ăn thua, trào lưu sính số đẹp một cách thái quá hay xuất hiện thị trường “ngầm” chọn số đẹp cho nhiều loại hình như thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng...

Quản lý biển số sau đấu giá như nào?

Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục CSGT nhận định, việc đấu giá biển số đang bị vướng bởi các quy định pháp luật hiện hành về quản lý biển số sau đấu giá. Cụ thể, việc đấu giá biển số xe như trên cần có sự đồng nhất giữa các Luật Đấu thầu, Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ (năm 2008). 

Trước sự lo ngại về việc biển số xe sau khi đấu giá thành công sẽ được cho tặng, chuyển nhượng, gây khó khăn về quản lý, một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đề xuất cần phải có cơ chế xác định biển số là tài sản nhưng chủ xe chỉ có quyền sử dụng và phải thực hiện theo nguyên tắc quản lý phương tiện mà pháp luật đã quy định.

Theo đó, mỗi biển số chỉ gắn với 1 xe (có số khung, số máy). Khi chủ xe muốn chuyển nhượng biển số thì sẽ phải làm thủ tục chuyển nhượng cùng với xe theo quy định.

Đọc thêm