ĐBSCL: Hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế

(PLVN) - Cả nước có khoảng 1.757km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2010-2020, thế nhưng, chiều dài đường cao tốc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không được bổ sung.
Tuyến cao tốc thứ hai về ĐBSCL vẫn đang trong quá trình thi công (Ảnh: Trung Chánh)
Tuyến cao tốc thứ hai về ĐBSCL vẫn đang trong quá trình thi công (Ảnh: Trung Chánh)

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ đã bao phủ khắp lãnh thổ và đóng vai trò kết nối chính cho mạng lưới giao thông vận tải giữa các vùng, miền, các cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu và đầu mối giao thông quan trọng.

Trong giai đoạn 2010-2020, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác khoảng 1.757 km đường cao tốc và có 6.000 km quốc lộ; hoàn thành dự án mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên… Các tuyến cao tốc gồm có, tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM- Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… 

Tuy nhiên, tại vùng ĐBSCL, ngoại trừ tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương có chiều dài khoảng hơn 40 km đã chính thức được đưa vào khai thác từ tháng 2/2010, thì cho đến nay, tuyến cao tốc thứ hai của vùng là Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang trong quá trình thi công. Điều này có nghĩa là chiều dài đường cao tốc của ĐBSCL được xây dựng trong suốt mười năm qua không tăng khi so sánh với tổng chiều dài đường cao tốc đã được đưa vào khai thác sử dụng của cả nước. Điểm sáng về hạ tầng của vùng ĐBSCL trong 10 năm qua, đó là đã có thêm cầu Cổ Chiên, Vàm Cống, Cao Lãnh… Nhưng nhìn chung thì hạ tầng giao thông của vùng vẫn hạn chế hơn so với các vùng, miền khác của cả nước. 

Cầu Vàm Cống nối liền TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.
 Cầu Vàm Cống nối liền TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp.

Đến giữa tháng 12/2020, chiều dài đường cao tốc của vùng ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 3% so với tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước. Trục đường bộ chính phổ biến trong vùng chỉ có hai làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên, trong khi một số trục đường khác chỉ có một làn xe ô tô và một làn xe máy cho mỗi bên. Điều này, khiến năng lực vận chuyển hàng hoá từ vùng sản xuất, nuôi trồng đến các nhà máy chế biến còn nhiều hạn chế.

Các trục cao tốc huyết mạch của vùng dù đã có trong quy hoạch, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành hoặc chưa được đầu tư. Cụ thể, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang triển khai, trong khi tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa được khởi công.

Tuyến Cần Thơ - Cà Mau mới trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; cao tốc trục ngang là Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc đang tiếp tục đưa vào quy hoạch trong các giai đoạn tiếp theo, nhưng khả năng bố trí vốn chưa rõ ràng. Như vậy, chiều dài đường cao tốc của ĐBSCL chỉ hơn so với khu vực Tây Nguyên, nhưng lại thấp hơn miền núi phía Bắc, Đồng bằng Trung du Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Được biết, khu vực phía Nam (bao gồm cả ĐBSCL) sẽ có thêm 670 km theo quy hoạch hệ thống cao tốc dự kiến phân kỳ đầu tư ở giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2026-2030 khu vực phía Nam sẽ có thêm 300 km.

Đọc thêm