Đề xuất mỗi chủ phương tiện phải có tài khoản ngân hàng

(PLO) - Đại diện Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ, để tháo gỡ những bất cập những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông cần phải có quy định mỗi chủ phương tiện phải có một tài khoản ngân hàng với số dư nhất định để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.
Mỗi chủ phương tiện sẽ phải có một tài khoản ngân hàng với số dư nhất định
Mỗi chủ phương tiện sẽ phải có một tài khoản ngân hàng với số dư nhất định

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 từ ngày 15/6/2012 đến ngày 16/3/2017, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn quốc đã lập biên bản gần 45,5 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 26 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông đường bộ đã kiểm tra, lập biên bản hơn 44,5 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 25,4 nghìn tỷ đồng, tước hơn 1,7 triệu giấy phép lái xe. Sau khi bị tạm giữ phương tiện để phục vụ công tác xử lý vi phạm, hầu hết các chủ phương tiện đã đến trụ sở Cảnh sát Giao thông để làm thủ tục nộp phạt, nhận lại phương tiện, giấy tờ. 

Tuy nhiên, thực tế quản lý và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đang gặp không ít khó khăn, nhất là đối với lĩnh vực giao thông đường bộ. Nổi lên là nhiều trường hợp chủ phương tiện không đến cơ quan chức năng để giải quyết. Trong vài năm trở lại đây, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để các xe vi phạm cũng như giải phóng sự quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm giao thông nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, vẫn còn tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ xe vi phạm. Nhiều xe ô tô, mô tô và các loại phương tiện giao thông bị tạm giữ do vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đã hết thời hạn tạm giữ, nhưng người vi phạm không đến giải quyết để nhận lại phương tiện. 

Lực lượng CSGT nhận định, thời gian đầu triển khai quy định sẽ khó khăn, nhưng dần dần sẽ ổn
Lực lượng CSGT nhận định, thời gian đầu triển khai quy định sẽ khó khăn, nhưng dần dần sẽ ổn

Đáng chú ý là quy định mức phạt đối với một số hành vi cao hơn giá trị phương tiện bị tạm giữ hoặc giá trị phương tiện không cao nên nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ phương tiện, không đến chấp hành quyết định xử phạt. Có trường hợp người vi phạm thì bỏ phương tiện vì mọi chi phí cho việc lưu giữ phương tiện thuộc trách nhiệm của… chủ phương tiện! Nhiều phương tiện thuộc diện mua đi bán lại nhiều lần, không đủ giấy tờ hợp pháp, chủ xe cũng không đến giải quyết. Ngoài ra, nếu chỉ tạm giữ giấy tờ liên quan thì người vi phạm cũng không đến để giải quyết mà đi làm thủ tục cấp lại các loại giấy tờ bị tạm giữ. 

Hay tại Hà Nội, nhiều phương tiện bị lực lượng 141 thu giữ có dấu hiệu liên quan đến hành vi vi phạm hình sự (làm giả giấy tờ xe, biển số xe, xe tự đục lại số khung, số máy…) nên người vi phạm không quay lại cơ quan chức năng nộp phạt, nhận lại xe. Do không có nguồn thu từ những xe vi phạm loại này, các bãi giữ không có kinh phí để đầu tư, bảo quản phương tiện. Hiện nay, bên cạnh việc trông giữ xe theo hợp đồng, có bãi từ chối tiếp nhận xe vi phạm giao thông chuyển đến.

Chủ bãi xe còn cho biết, số lượng ô tô, xe máy “vô chủ” ngày càng gia tăng, nếu các cơ quan có thẩm quyền không có giải pháp xử lý triệt để, đây sẽ là vấn đề tạo ra nhiều khó khăn đối với các bến, bãi trong việc bảo đảm nguồn thu và vận hành lực lượng trông giữ phương tiện. Phó Trưởng phòng Pháp chế (Công an TP Hà Nội) Cao Trần Quốc Hùng kiến nghị Bộ Công an nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép kho tạm giữ vật chứng của Công an TP Hà Nội tùy theo điều kiện có thể tạm giữ một số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhất định nhằm tháo gỡ khó khăn phát sinh từ số phương tiện “bị bỏ rơi”.

Số lượng ô tô, xe máy “vô chủ” ngày càng gia tăng
Số lượng ô tô, xe máy “vô chủ” ngày càng gia tăng

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ, vi phạm pháp luật về giao thông diễn ra rất phổ biến, lực lượng có thẩm quyền xử phạt không thể xử lý được tất cả các trường hợp vi phạm trực tiếp mà cần phải thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Song có tình trạng nhiều chủ phương tiện vi phạm bỏ phương tiện, cố tình trốn tránh thực hiện quyết định xử phạt dù đã có thông báo của cơ quan có thẩm quyền. Để tháo gỡ bất cập trên, cần phải có quy định mỗi chủ phương tiện phải có một tài khoản ngân hàng với số dư nhất định để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.

Cục Cảnh sát giao thông hiểu rằng với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, việc tổ chức triển khai quy định này bước đầu sẽ khó khăn, nhưng về lâu dài cần phải triển khai, vừa thuận lợi cho công tác xử phạt vi phạm hành chính, vừa phù hợp với chính sách hạn chế dần việc tiêu tiền mặt của Chính phủ.

Đọc thêm