Đề xuất mới về trạm cân các tài xế cần biết

(PLO) - Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
 Hình minh họa
Hình minh họa
Theo dự thảo, Trạm kiểm tra tải trọng xe và các hình thức kiểm tra tải trọng xe được phân loại như sau:
1. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định độc lập và Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định ghép với Trạm thu phí có đủ lực lượng quản lý, vận hành và xử phạt.
Dự thảo nêu rõ, Trạm được xây dựng và gắn thiết bị cân cố định để thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu trữ các số liệu; kiểm tra và xử phạt vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện có kích thước thùng xe vượt quá quy định, quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định xe), xe bánh xích lưu hành trên đường bộ, tổ chức, cá nhân xếp hàng quá khổ, quá tải trọng lên xe.
Các lực lượng hoạt động tại Trạm gồm: Lực lượng quản lý, vận hành cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trạm, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
2. Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định ghép với Trạm thu phí không thường xuyên có đủ lực lượng quản lý, vận hành và xử phạt. Trạm này gồm có lực lượng quản lý, vận hành hoạt động thường xuyên; Trạm thực hiện thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu trữ các số liệu liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn của xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông qua Trạm. Khi phát hiện dấu hiệu có nhiều xe quá tải lưu thông, lực lượng chức năng có thẩm quyền xử phạt được giao nhiệm vụ sẽ thực hiện việc kiểm tra và xử phạt. 
3. Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động được trang bị bộ cân kiểm tra tải trọng xe lưu động, gồm thiết bị cân và hệ thống thiết bị phụ trợ gắn trên phương tiện chuyên dụng để kiểm tra và xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện có kích thước thùng xe vượt quá quy định, quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định xe), xe bánh xích lưu hành trên đường bộ, tổ chức, cá nhân xếp hàng quá khổ, quá tải trọng lên xe.
Các lực lượng hoạt động tại Trạm gồm: Lực lượng quản lý, vận hành cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trạm, lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ.
4. Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động sử dụng cân xách tay hoặc các loại cân khác để thực hiện việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe lưu thông trên đường bộ. Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ Chi cục Quản lý đường bộ, Trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; lực lượng hoạt động trong tổ kiểm tra tải trọng xe là Thanh tra giao thông, Công chức thanh tra hoặc có sự phối hợp của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác, nhân viên của các cơ quan nêu trên; phạm vi hoạt động trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương hoặc Cục Quản lý đường bộ khu vực.
Trạm kiểm tra tải trọng xe hoạt động 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần. Đối với các dịp nghỉ Lễ, Tết thì căn cứ tình hình nhiệm vụ thực tế của địa phương, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, đồng ý, đồng thời báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thời gian hoạt động của Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Dự thảo nêu rõ, mỗi ngày Trạm chia thành 3 ca làm việc. Mỗi ca làm việc có Trưởng ca, các nhân viên và lực lượng chức năng có thẩm quyền. 
Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm phải tạm ngừng hoạt động, Trạm trưởng phải có văn bản (hoặc gửi trước qua Fax, Email) báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm. Thời gian báo cáo không được chậm quá 24 giờ đối với văn bản và không quá 1 giờ đối với báo cáo qua Fax, Email, kể từ khi Trạm tạm ngừng hoạt động.
Theo dự thảo, Trạm có quyền thực hiện việc kiểm tra về: tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ, khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông và khổ giới hạn của xe (bao gồm cả hàng hóa, hành khách trên xe) đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ (trừ xe quân sự chở vũ khí, phương tiện, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); việc tuân thủ các quy định trong Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích tự hành trên đường bộ.
Trạm có quyền lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với chủ xe, lái xe điều khiển phương tiện có kích thước thùng xe vượt quá quy định, quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định xe) và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; đình chỉ lưu hành phương tiện cho đến khi người vi phạm thực hiện xong các biện pháp khắc phục theo quy định…

Đọc thêm