Đề xuất “phí gây ùn tắc giao thông” bị phản ứng quyết liệt

(PLVN) - Ngày 31/10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) TP Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến phản biện xã hội về dự thảo Đề án thu phí phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố. Dự thảo này gặp sự phản ứng gay gắt của các chuyên gia, dư luận.
Đề xuất thu phí xe cá nhân đi lại trong nội đô Đà Nẵng bị phản đối gay gắt.
Đề xuất thu phí xe cá nhân đi lại trong nội đô Đà Nẵng bị phản đối gay gắt.

Thu phí để “chống ùn tắc giao thông”

Theo đề án, người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu phí khi đi qua hệ thống thu phí trong khoảng thời gian quy định thực hiện thu phí (phí gây ùn tắc giao thông). Để tránh bị thu phí, người lái xe có thể cân nhắc sử dụng các tuyến đường thay thế, đi ngoài thời gian thu phí hoặc đi bằng phương tiện giao thông công cộng (GTCC) thay vì lái xe cá nhân.

Đề án đề xuất phạm vi thu phí ở vùng lõi khu vực trung tâm TP có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ ùn tắc cao, vượt quá khả năng đáp ứng về hạ tầng. Trước mắt, đến năm 2023, vùng lõi khu vực trung tâm theo ranh giới nghiên cứu thu phí như sau: Nút Điện Biên Phủ -  Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - 2 tháng 9 - Bạch Đằng - 3 tháng 2 - Nguyễn Tất Thành - Lê Độ.

Về loại phương tiện thu phí, đến năm 2025, đề xuất thu phí với xe ô tô con (kể cả taxi), xe khách và xe tải, không thu phí xe buýt và các loại xe ưu tiên theo quy định. Sau năm 2030 nghiên cứu thu phí xe máy. Thời gian thu với ô tô con vào giờ cao điểm sáng và chiều; với xe tải từ 6h30- 19h30; thu tất cả các ngày trong tuần. Giờ cao điểm sẽ được khảo sát, xác định theo thực tế vào thời điểm triển khai thực hiện thu phí.

Mức phí thu xác định theo 3 cơ sở: Khu vực thu phí (tuyến đường có lưu lượng giao thông càng lớn và nguy cơ ùn tắc càng cao thì mức phí càng cao); Loại phương tiện (dựa vào mức độ gây ùn tắc khi tham gia giao thông, phạm vi chiếm chỗ, kích thước quay đầu, xe có kích thước càng lớn thì mức phí càng cao); Theo thời gian (các điểm thời gian có lưu lượng giao thông càng lớn, nguy cơ ùn tắc càng cao thì mức phí càng cao).

Cụ thể, về mức thu phí theo loại phương tiện, đề án đề xuất xe khách ≤ 30 chỗ (hệ số 2.5 lần xe tiêu chuẩn); > 30 chỗ (hệ số 3.5); xe tải ≤ 2,5 tấn (hệ số 2.5); > 2,5 tấn (hệ số 3.5); container (hệ số 4.5). Về mức thu phí theo thời gian, đề án đề xuất mức phí được tính cho chu kỳ 30 phút cho hai khung giờ cao điểm sáng (6h45- 7h45) và chiều (16h30 – 18h30).

Về công nghệ thu phí, đề án đề xuất áp dụng công nghệ RFID. Hiện Bộ GTVT cũng đang triển khai thu phí không dừng bằng công nghệ RFID thống nhất trên cả nước. Đề án đề xuất tổ chức 12 cổng thu phí trên đường bao. Việc thu phí chỉ áp dụng đối với chiều đi vào trung tâm TP, không thu chiều ra. Các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng; và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin, điều hành việc thu phí.

Khái toán kinh phí đầu tư xây dựng 1 cổng thu (3 làn xe) là 6 tỷ đồng; kinh phí hệ thống trung tâm giám sát vận hành 12 tỷ. Dự kiến kinh phí thực hiện (năm 2023) 81 tỷ. 

Theo ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng, cơ quan chủ trì dự thảo đề án, mục tiêu của việc “thu phí phương tiện tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố” không phải nhằm tăng thu cho ngân sách, mà là giải pháp tác động về “kinh tế” vốn đã được nhiều nơi trên thế giới triển khai có hiệu quả để chống ùn tắc giao thông. 

“Đây là biện pháp để đáp ứng yêu cầu phân luồng giao thông chung của TP, khuyến khích sử dụng phương tiện GTCC. Đề án này được đặt trong bối cảnh đồng bộ với các đề án về thúc đẩy đầu tư, mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng, quy hoạch và đầu tư hệ thống các bãi đỗ xe công cộng”, ông Trung nói.

Ông Trung cho rằng, để xây dựng Đề án này, đơn vị chủ trì đã phỏng vấn lấy ý kiến người dân sinh sống và làm việc trong ranh giới đề xuất thu phí (2.372 phiếu) về mức độ ủng hộ và các nội dung liên quan đến phương án thu phí nêu trên.

Kết quả, 89% phương tiện chính sử dụng trong các chuyến đi hàng ngày là xe máy; 76% mục đích chuyến đi là làm việc; 35% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc thu phí phương tiện cơ giới cá nhân vào khu vực trung tâm; 69% ủng hộ chỉ thu phí vào giờ cao điểm; 57% ủng hộ thu phí (trừ xe máy); 55% đề nghị không thu phí đối với người dân sống trong khu vực thu phí.

Bất hợp lý, luật chưa cho phép

Tuy nhiên, ngay khi ra đời, đề án lập tức vấp phải các ý kiến phản đối. Theo đa số người dân, thậm chí các chuyên gia cho rằng, việc thu phí này chưa phù hợp; Đà Nẵng vẫn còn nhiều giải pháp hạn chế ùn tắc thay vì thu phí, kìm hãm ô tô.

Tại Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông vào khu vực trung tâm thành phố” hôm qua, ông Bùi Văn Tiếng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng thẳng thắn phản bác đề án này. Theo ông Tiếng, không ít trường hợp kẹt xe do ý thức tham gia giao thông kém, cố lấn làn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu bãi đỗ xe khiến ô tô đỗ dưới lòng đường cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ùn tắc. 

Vì thế, ông Tiếng đề xuất: “Nâng cao văn hóa giao thông cho người dân mới quan trọng, kèm theo đó phải tăng cường xây bãi đỗ xe công cộng, phân luồng giao thông hợp lý, tổ chức hệ thống giao thông công cộng hiện đại mới là thượng sách”.

Còn ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cũng phản bác đề án vì cho rằng ở Việt Nam quá nhiều xe máy, nên kẹt xe không phải chỉ do ô tô mà còn do xe máy. Mặt khác, Đà Nẵng cũng đang muốn phát triển công nghiệp ô tô, một nguồn thu thuế của TP cũng là ô tô. Vì vậy, Đà Nẵng tìm mọi cách để kiềm xe ô tô là không nên.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, áp dụng đề án thu phí trong thời điểm này chưa phù hợp. “Thu phí chỉ là biện pháp sau cùng khi chúng ta không còn kiểm soát được kẹt xe nữa. Song chúng ta cũng cần nghiên cứu đề án này ngay bây giờ, xem như bước chuẩn bị trong tình huống cần thiết”, ông Tiến đề xuất. 

Cũng theo ông Tiến, trước đây Đà Nẵng từng có nhiều giải pháp phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc rất hiệu quả. Vấn đề nằm ở chỗ, hệ thống giao thông tĩnh đang chậm so với yêu cầu, thiếu bãi đỗ xe, do đó xe phải đỗ lòng đường, trong khi TP chưa có chế tài xử lý.

Nhìn nhận ở góc nhìn luật pháp, KTS Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, Giám đốc Trung tâm cầu đường Đà Nẵng, nhấn mạnh, việc thu phí này luật chưa cho phép nên chưa thể làm. 

KTS Trần Dân phân tích, để hạn chế ùn tắc giao thông, trước tiên cần khơi thông các điểm ùn tắc nghiêm trọng. Cụ thể ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, cần sớm khởi công nút giao thông Tây cầu Trần Thị Lý, nút Tây cầu Rồng, vì hai nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc nặng.

Đồng ý quan điểm với nhiều ý kiến khác, KTS Trần Dân đề nghị Đà Nẵng nên phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng, điều tra luồng khách đi lại, điều chỉnh các tuyến xe buýt cho thuận tiện.

Đọc thêm