Đề xuất tăng phí BOT có hợp lý?

(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải có đề xuất tăng phí BOT để “cứu” các doanh nghiệp BOT do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng đề nghị này lại đang bị hàng loạt các đơn vị kinh doanh vận tải cho rằng không hợp lý vì bản thân họ cũng đang “sống dở, chết dở”sau đại dịch.
Không thể vì “giải cứu” doanh nghiệp BOT mà làm ảnh hưởng tới các loại hình kinh doanh khác.
Không thể vì “giải cứu” doanh nghiệp BOT mà làm ảnh hưởng tới các loại hình kinh doanh khác.

Doanh nghiệp BOT kêu khó 

Để “cứu” các doanh nghiệp BOT đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất với Chính phủ hai phương án thu phí: Phương án 1 là cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án 2 là giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song, Nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 do không phải bố trí ngân sách nhà nước. Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ tính toán kinh phí nhà nước cần thiết để hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với phương án tài chính. Trường hợp cần thiết đề xuất Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

Được biết, hiện nay Bộ GTVT đang quản lý 60 dự án BOT. Theo báo cáo của Bộ  này thì có 58/60 doanh nghiệp BOT có doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo, trong đó 17 dự án doanh thu chưa đạt được 50% so với dự báo. 

Nguyên nhân được đưa ra là do việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35/2016 về việc giảm giá vé cho các phương tiện ở lân cận trạm thu phí. Các doanh nghiệp cũng không thể tăng giá vé theo lộ trình, chính vì vậy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Thêm đó là việc chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, người dân không ra đường, phương tiện lưu thông không nhiều, khiến cho các doanh nghiệp càng khó khăn.

Bài toán tăng - giữ phí BOT

Trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tần suất hoạt động vận tải, lượng khách sụt giảm lớn, rất nhiều doanh nghiệp liên quan lưu thông hàng hóa đều bị ảnh hưởng, phí BOT, bảo trì đường bộ trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải.

Theo tính toán của các chuyên gia và doanh nghiệp, phí BOT đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (chiếm khoảng 40% chi phí). Trong khi đó, các loại thuế, phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng,… vẫn giữ nguyên. Mức phí BOT trong hướng tuyến xe chạy của doanh nghiệp vận tải hiện đang rất cao. Nếu tăng phí BOT để “cứu” nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp vận tải khác.

“Trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước không nên tăng phí BOT và đề xuất điều chỉnh tăng lúc này là không phù hợp. Nếu cần thiết phải điều chỉnh để “cứu” nhà đầu tư, cơ quan quản lý phải đưa ra lộ trình, thời gian phù hợp, khi mọi hoạt động lưu thông hàng hóa, đi lại bình thường và kinh tế - xã hội phục hồi”, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Cty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, bày tỏ quan điểm.

Đại diện nhà xe Sao Việt cũng cho biết, các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam vừa có kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Trong khi doanh nghiệp đang “sống dở, chết dở”, chưa được hưởng một đồng hỗ trợ nào về giảm giá dịch vụ, miễn giảm thuế phí từ Chính phủ thì việc kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước không khác gì một cơ thể ốm yếu lại bị “đạp” thêm một cái nữa cho chết hẳn” – ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) ví von.

Cũng theo ông Bằng, việc tăng phí qua các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng, về lý tuy không sai nhưng về tình, ở thời điểm tất cả các doanh nghiệp đang “thoi thóp”, nhất là doanh nghiệp vận tải hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm là rất phản cảm, không hợp lòng người.

“Doanh nghiệp vận tải không phản đối việc tăng phí dự án BOT theo lộ trình nhưng cũng rất mong Bộ GTVT, các doanh nghiệp BOT chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải. Vì đơn vị vận tải khôi phục lại được hoạt động kinh doanh thì trạm BOT mới có thu, trong bối cảnh hiện nay việc đồng loạt tăng phí các trạm BOT trên cả nước sẽ vô hình trung đẩy doanh nghiệp vận tải vào chỗ nguy cơ phá sản” - ông Bằng nhận định.

Khi những khó khăn, vướng mắc nói trên chưa được giải quyết, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến doanh thu giảm, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước và Bộ GTVT cần có sự tính toán lại, xem xét tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao.

Phản bác lý do Bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT vì dịch Covid-19 đã làm sụt giảm doanh thu doanh nghiệp BOT, ông Quyền cho rằng, Bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định, do đó nên thận trọng tính thời điểm đề xuất.

“Chỉ những dự án có doanh thu thu phí thấp hơn dự báo mới nên điều chỉnh, còn lại giữ nguyên là hợp lý. Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nên xem xét cụ thể, rà soát làm sao để lần điều chỉnh này tổ chức thu phí BOT phù hợp, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư, người dân để không làm phát sinh thêm mâu thuẫn giữa người sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ, nảy sinh vấn đề mất công bằng” - ông Quyền đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị, đối với những công trình BOT là tuyến độc đạo mà đơn vị vận tải không có tuyến nào lựa chọn thì phải hết sức cân nhắc kỹ khi điều chỉnh tăng. Với công trình có tuyến song hành, người sử dụng có sự lựa chọn thì hoàn toàn có thể tăng. Nhà nước cần phải xem xét, giải quyết vấn đề trên rất nhiều góc độ khía cạnh để có giải pháp phù hợp” - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải kiến nghị giải pháp.

BOT giao thông “khó mà bị lỗ”!

Đó là quan điểm chung của rất nhiều ý kiến cho rằng cách đi “ngược dòng” của Bộ GTVT chẳng khác nào lấy của người nghèo san sẻ cho người giàu hoặc người nghèo cứu người khó. Bởi lẽ, xuyên suốt chiều dài thực hiện dự án, các trạm thu phí BOT giao thông khó mà bị lỗ! Nếu khó khăn phát sinh trong giai đoạn này có thể bù đắp vào một giai đoạn khác - không thiếu một đồng, bằng các văn bản đề nghị được kéo dài thời gian thu phí theo hợp đồng, dự toán ban đầu.

Bên cạnh đó, nếu như đề xuất tăng giá vé qua các trạm thu phí BOT trong thời điểm này được thực thiện là đồng nghĩa với tăng giá thành vận chuyển. Chi phí này lại được tính vào giá hàng hóa, đẩy giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước tăng cao trong bối cảnh cả xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh  là hoàn toàn không nên, bởi nó tác động lên cả nền kinh tế.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, nếu như tăng phí BOT tại thời điểm này thì các doanh nghiệp sẽ không thể chịu nổi. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, vé cầu đường (BOT) xe xải, container chở hàng hóa từ TP HCM ra Hà Nội tầm 4,2 triệu đồng/chiều, chiếm 15% giá cước. 

“Một chuyến khứ hồi thì chi phí hết 35% tiền dầu, 30% tiền phí BOT, chưa tính hàng loạt chi phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm... Chi phí cố định cho mỗi đầu xe đã hết khoảng 27 - 28 triệu đồng/tháng. Sau dịch Covid-19, xe vận tải thường xuyên nằm bãi 20 - 30% vì thiếu hàng, thiếu lái xe, 10 chiếc mà 2 - 3 chiếc nằm bãi thì chúng tôi đã đủ chết rồi. Nếu giờ tăng phí BOT nữa thì doanh nghiệp chịu không nổi, hàng hóa không có để chạy, xe chạy không lời được bao nhiêu, chạy ít thì phải chi tiền đậu bãi”, ông Quản nói.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (doanh nghiệp chuyên tuyến Hà Nội - Hải Phòng), cho biết hiện sản lượng khai thác của doanh nghiệp này chỉ đạt 30% so với lúc trước dịch Covid-19, tần suất hoạt động cũng giảm 50 - 60% khiến gần một nửa lượng xe phải nằm không, hoặc hoạt động cầm chừng. 

“Sản lượng giảm khiến chi phí BOT hiện đang chiếm tới 40% chi phí cố định của chúng tôi. Đơn cử, doanh thu một chuyến xe đạt 1 triệu đồng thì phí BOT đã “ăn” tới 400.000 đồng”, ông Hải nói và cho rằng nếu bây giờ tăng phí BOT sẽ cực kỳ khó khăn.

Không thể vì khó khăn của một số nhà đầu tư BOT mà đẩy khó cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải. Nếu tăng phí vào giai đoạn bình thường, lưu lượng hàng hóa, kinh tế phục hồi thì người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, nhưng hiện tại là rất khó. 

Đọc thêm