Đồng bộ giao thông kết nối với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

(PLVN) - Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang là cụm cảng có tiềm năng lớn do nằm ở vị trí thuận lợi, mỗi năm đón nhiều tàu mẹ. Vì vậy để tăng công suất cụm cảng này cũng như nâng tầm cụm cảng thì việc phát triển, đồng bộ hệ thống giao thông là điều cấp thiết.

Nhiều dự án giao thông quan trọng

Theo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đẩy nhanh các dự án giao thông để kết nối liên vùng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm áp lực vận chuyển hàng hóa qua cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay.

Cảng Cái Mép - Thị Vải
Cảng Cái Mép - Thị Vải  

Các tuyến giao thông huyết mạch nếu đồng loạt đi vào hoạt động sẽ giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo sự kết nối vùng giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ nói chung.

Ngoài ra, khi nhiều tuyến giao thông cùng đi vào hoạt động sẽ giảm tải mạnh nạn kẹt xe trên quốc lộ 51, giúp giao thương thuận lợi, rút ngắn thời gian, tạo động lực để các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng và khu công nghiệp, định hình dần trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực Đông Nam Á cho Bà Rịa - Vũng Tàu, đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng tốc mạnh mẽ trong tương lai.

Tại thời điểm này, hiện có các dự án giao thông lớn đóng vai trò quyết định, kết nối đến Cái Mép - Thị Vải gồm đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải; đường 991B nối Quốc lộ 51 từ nút giao Hội Bài - Tóc Tiên; Cầu Phước An; Quốc lộ 56 tuyến tránh TP Bà Rịa; đường Long Sơn - Cái Mép; đường sau Cảng Mỹ Xuân - Thị Vải,…

Phối cảnh cầu Phước An
Phối cảnh cầu Phước An 

Cụ thể, với dự án cầu Phước An, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công.

Dự án này có tổng chiều dài khoảng 3,76 km, dự kiến sẽ được xây dựng và hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ ngày khởi công xây dựng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm vốn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Khi đi vào hoạt động cầu Phước An sẽ kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây,… giúp việc vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và ngược lại được thuận lợi hơn.

Giúp đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế

Song song đó cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng là “đại” dự án giao thông đang được hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu hết sức quan tâm bởi nó giúp giảm tải QL51 đồng thời kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải giúp tăng công suất cảng.

Để thực hiện cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến sẽ bán đấu giá các khu đất công vị trí vàng để dồn nguồn lực để làm dự án. Trong đó án thành phần 1 sẽ triển khai trước, với qui mô mặt cắt của đoạn từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ là 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 15.000 tỉ đồng.

Hơn thế nữa, Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị Chính phủ quan tâm đến dự án đường sắt từ Cái Mép đến các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ để kéo hàng về cảng, phục vụ đơn hàng đi các nước được thuận lợi hơn.

Bên cạnh các tuyến giao thông lớn, trọng điểm thì đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến giao thông khác để kết nối cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Trong đó, dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (giai đoạn I - đoạn từ Cảng Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai tới thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông tuyến). Tuyến đường Phước Hòa - Cái Mép là tuyến kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp (tổng chiều dài 4,44km) sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Bên cạnh đó, Dự án Đường 991B nối Quốc lộ 51 từ nút giao Hội Bài - Tóc Tiên với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với tổng chiều dài 9,73km cũng đang được thi công. Đây là trục chính đi qua các khu công nghiệp Cái Mép, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3.

Quốc lộ 51
 Quốc lộ 51

Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải cho biết, thời gian qua, tiến độ các tuyến đường kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng. Ban đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ khó khăn để các dự án thi công nhanh, đặc biệt là rốt ráo giải phóng mặt bằng.

Còn ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định rằng, các tuyến giao thông kết nối sẽ phát huy lợi thế cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, thúc đẩy phát triển logistics, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và cả nước.

Mới đây trong một cuộc họp với các sở, ngành về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát tiến độ từng dự án, rà soát nhiệm vụ, thủ tục theo quy định để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đặc biệt Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ bố trí, sử dụng 7.000 tỉ đồng vốn dự trữ của địa phương tập trung trước cho dự án Cầu Phước An, Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và bồi thường giải phóng mặt bằng. Các tuyến giao thông huyết mạch tại khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải thông suốt giúp tăng năng lực khai thác của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, tạo sự kết nối vùng giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ nói chung. Ngoài ra, các tuyến giao thông còn giúp đưa kinh tế, dịch vụ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng tốc mạnh mẽ trong nhiều năm tiếp theo.

Đọc thêm