Dự án xây dựng sân bay Long Thành: Đồng ý thông qua nhưng phải làm lại dự án

(PLO) - Một diễn đàn mở với tinh thần “công khai, khoa học và trách nhiệm” về dự án xây dựng sân bay Long Thành đã được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức ngày hôm qua (1/6), trước khi Quốc hội thảo luận về dự án này vào hôm 4/6 tới. Mặc dù chỉ có 1 ý kiến phản đối nhưng hầu hết các ý kiến đều đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phải làm lại đề án với những số liệu và lý lẽ thuyết phục hơn…
Mô hình nhà ga hành khách phía sau sân đậu máy bay của sân bay Long Thành
Mô hình nhà ga hành khách phía sau sân đậu máy bay của sân bay Long Thành
Dự án không mới
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau Hội nghị Trung ương, chủ đề tranh luận nên hay không nên xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) đã chuyển hướng vào tính đúng đắn và hợp lệ của quy trình xây dựng, báo cáo và phê duyệt Dự án xây dựng SBLT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); hiệu quả kinh tế - xã hội (KT-XH) của việc thực hiện dự án. 
Tuy nhiên, tại diễn đàn này, câu chuyện nên hay không nên xây dựng SBLT vẫn “nóng”, bất chấp TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM (HASCON) hơn một lần đề nghị tập trung nghiên cứu hoàn thiện “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi” theo yêu cầu của Hội nghị TƯ. 
Ông Thiên xác nhận ý tưởng xây dựng SBLT đã được định hình từ hơn 20 năm trước và đã được đưa vào Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong 2 kỳ chiến lược (2001- 2010 và 2011- 2020). “Điều đó cho thấy Dự án xây dựng SBLT xuất phát từ một cách tiếp cận có tầm nhìn chiến lược và không mang tính chủ quan…”-  PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
“Đừng quên hành trình thủ tục!”- TS Lương Hoài Nam, một trong số chuyên gia hàng đầu về hàng không của Việt Nam đã điểm lại những mốc quan trọng của dự án 18 năm qua và cho rằng đây là một dự án được nghiên cứu rất nghiêm túc, và nếu làm từ 10 năm trước đã tạo được hạ tầng hàng không phát triển mà không phải cơi nới sân bay Tân Sơn Nhất (SBTSN) như hiện nay.
“Vấn đề quan trọng lúc này là sẽ huy động vốn từ đâu, theo mô hình nào…”- ông Nam khẳng định.
Băn khoăn hiệu quả kinh tế
TS.Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright đồng tình với sự cần thiết của một cảng hàng không quốc tế lớn trong tương lai. Tuy nhiên, ông tỏ ra băn khoăn khi đưa ra những số liệu nghiên cứu độc lập về dự án. TS Thành cho biết, với dự án khả thi giai đoạn 1, hiệu suất sinh lời KT-XH bằng 22,9%, nếu coi chi  phí vốn xã hội là 10% thì dự án giai đoạn 1 là khả thi. Tuy nhiên, khả thi kinh tế nhưng có thể có rủi ro tài chính. 
“Mô hình tài chính của chúng tôi cho thấy nếu Nhà nước không đầu tư đồng nào thì hiệu quả tài chính chỉ là 4%, như vậy sẽ khó huy động vốn từ khu vực tư nhân”. Đưa ra con số nghiên cứu, TS Thành cho rằng 10 năm đầu của dự án là khó khăn, nhưng “một khi đã khả thi về KT-XH thì vẫn phải làm”. Theo TS Thành, có thể phát hành trái phiếu công trình để triển khai dự án, như vậy không làm tăng nợ công mà huy động được vốn. 
Trong khi có khá nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ về các số dự báo, khảo sát nói chung khi  khẳng định sự cần thiết và cấp bách của dự án. GS.TS Võ Đại Lược quả quyết: “Nếu tư nhân sẵn sàng bỏ ra 80% vốn thì làm ngay, không phải bàn nữa. Còn nếu họ chỉ nói mồm thôi thì cần phải cân nhắc…”.
TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Tôi là người rất lo lắng về nợ công nhưng quan điểm của tôi là vay nợ nếu cần vẫn phải vay, vấn đề là không được thất thoát đội giá, làm tốt thì dân ủng hộ thôi, không ai phản đối cả…”. Theo ông, làm càng nhanh càng tốt nhưng vấn đề đặt ra là làm lúc nào, bằng nguồn nào để phân kỳ đầu tư cho phù hợp…
Làm tốt hơn hay tạo sự khác biệt?
Đồng ý với chủ trương xây dựng SBLT, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng không nên đặt nhiệm vụ SBLT là sân bay trung chuyển mà nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ vùng trọng điểm phía Nam. Ông Liêm cũng dẫn ra một loạt bài học thất bại của các sân bay trung chuyển trong khu vực và cho rằng tương lai xu hướng bay thẳng sẽ nhiều hơn. “Muốn cạnh tranh phải tạo sự khác biệt chứ không phải làm tốt hơn người ta…”- TS Liêm lưu ý.
GS.TS Võ Đại Lược thẳng thắn đề nghị không nên dùng từ “trung chuyển quốc tế” bởi Bộ GTVT đã dùng cụm từ này với cảng Vân Phong, cảng Hải Phòng… nhưng đã không thành công. “Đây chỉ là sân bay quốc tế thôi, sau này nó có làm nhiệm vụ trung chuyển hay không tính sau”- ông đề nghị.
Dự án không thuyết phục
Nếu như TS.Nguyễn Bách Phúc (HASCON) khẳng định ông không phản đối chủ trương nhưng chưa cần thiết và cấp bách phải thông qua dự án này vì dự án được đưa ra thảo luận còn nhiều bất cập, thiếu tính khả thi thì PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Hội Hàng không, thuộc HASCON lại cho rằng việc xây dựng SBLT là chưa cần thiết, chưa cấp bách, đặc biệt ông Tống kịch liệt phản đối việc “xóa sổ” SBTSN. 
Theo ông Tống, báo cáo đầu tư dự án không đạt yêu cầu báo cáo tiền khả thi, nếu Quốc hội vẫn thông qua báo cáo này, những người làm công tác giảng dạy sẽ không biết dạy sinh viên như thế nào về báo cáo tiền khả thi. Ông khẳng định “nhiều người đọc dự án này sẽ bị đánh lừa”. Với việc dẫn ra các số liệu và thực tế các cảng hàng không trên thế giới và khu vực, ông Tống cho rằng số liệu  dự án đưa ra là không đầy đủ, cần có cơ quan thẩm định độc lập…
GS.TS Võ Đại Lược cũng cho rằng dự án không đủ thuyết phục, chê SBTSN chật, quá tải mà không tính đến SBLT là sân bay vùng trọng điểm, khác hẳn SBTSN là sân bay thành phố. Ông đề nghị Bộ GTVT cần phải viết lại dự án này bởi những người am hiểu hơn. 
Phát biểu kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định trân trọng và tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân. Ông cũng khẳng định đây là “báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành”, không có từ “trung chuyển” và trong các báo cáo không có từ nào nói sẽ “xóa sổ” SBTSN. Bộ trưởng khẳng định Chính phủ trình xin Quốc hội về chủ trương, sau đó mới làm báo cáo tiền khả thi, nếu dự án khả thi mới quyết định triển khai thực hiện… 

Đọc thêm