Dự thảo Luật Giao thông đường bộ: Hai đề xuất gây tranh cãi

(PLVN) - Yêu cầu phương tiện phải dừng cả khi có đèn xanh nếu nút giao ùn tắc và yêu cầu xe máy phải bật đèn ban ngày là hai đề xuất trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang gây nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, phương tiện không được vào nút giao đang ùn tắc, kể cả trường hợp có đèn xanh
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, phương tiện không được vào nút giao đang ùn tắc, kể cả trường hợp có đèn xanh

Áp dụng theo quốc tế

Điều 13 Dự thảo Luật Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định về tín hiệu đèn giao thông nêu “tín hiệu đèn xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho các hướng khác tiến vào nút giao”.

Như vậy, nếu Dự thảo Luật mới được thông qua thì trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh thì các phương tiện vẫn phải dừng lại. Nếu cố vượt có thể bị xử phạt. 

Còn tại khoản 3 Điều 27 Dự thảo Luật GTĐB quy định: Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Theo lý giải của đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trên thế giới đã có một số quốc gia áp dụng quy định này.

Các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và khu vực Bắc Mỹ đều đang áp dụng việc bật đèn chiếu sáng ban ngày (bao gồm cả xe máy lẫn ôtô) để tham gia giao thông. Còn trong khu vực ASEAN chỉ còn 3 nước là Lào, Campuchia và Việt Nam là chưa thực hiện quy định về đèn nhận diện ban ngày của xe máy.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông (xe thường có những điểm “mù” mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được). Từ đó, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Đề xuất có phù hợp?

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB đang được thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Với lỗi vượt đèn đỏ, người điều khiển ô tô có thể bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. 

Nghị định cũng quy định, người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 100.000-200.000 đồng.

Như vậy, nếu Luật GTĐB được thông qua có Điều 13 và khoản 3 Điều 27 như trên thì sẽ dẫn đến việc chồng chéo trong các quy định. Do vậy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chắc chắn sẽ phải sửa đổi, bổ sung tình huống xử phạt theo quy định của Luật. 

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.

Còn Việt Nam là đất nước nhiệt đới, nhiệt độ luôn ở mức cao vào mùa hè nên việc bật đèn xe máy vào ban ngày là không cần thiết. Việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn gây tác dụng ngược như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt...

Ông Quyền dẫn chứng, Việt Nam hiện nay có khoảng 60 triệu xe máy, mỗi ngày có khoảng 20 triệu xe hoạt động sẽ tiêu hao lượng nhiên liệu rất lớn. Do đó, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên đường phố, tăng phát thải khí nhà kính, làm khí hậu nóng lên.

Một số ý kiến băn khoăn, khi đưa ra đề xuất trên, cơ quan soạn thảo đã thống kê có bao nhiêu vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra do không nhận diện được xe? Quy định bật đèn giúp nhận diện xe liệu có làm giảm TNGT?

“Thực tế, không phải ai cũng nhớ hạ đèn pha khi gặp xe đi ngược chiều. Thậm chí nhiều người cứ cố ý bật đèn pha lên để gây chói mắt người đi ngược chiều. Với ý thức như vậy thì sẽ gây nguy hiểm hơn nếu bật đèn xe cả ban ngày” – tài xế Quang Hiếu ở Hà Nội nêu bức xúc.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan (Hà Nội) cho rằng luật đưa ra phải hợp lý và thích ứng với hiện trạng giao thông. Các luật hoặc công ước quốc tế chỉ thể hiện cái chung và tự mỗi nước phải tùy theo điều kiện để đưa ra quy định riêng cho nước mình như thế nào cho phù hợp. Vì vậy, dù có công ước nhưng trong đó cái phù hợp thì áp dụng, còn không phù hợp không áp dụng cứng nhắc. Cần phải nhìn vào thực tế tại Việt Nam về thời tiết, ý thức, dân trí,... để mà đưa ra các quy định cho hợp lý. 

“Thử hình dung xem thời tiết vào giữa trưa hè (có khi lên đến hơn 40 độ C) nếu tất cả xe đều bật đèn nhận diện hoặc đèn chiếu sáng gần (nhiều người ý thức kém còn bật đèn pha) kết hợp ánh nắng chói chang thì sẽ như thế nào? Việc này liệu có ức chế hoặc gia tăng các bệnh về mắt...? Quy định mới cần phải hợp lý và phải thống kê xem đã có bao nhiêu phần trăm người chấp hành nghiêm, bao nhiêu phần trăm người vẫn còn vi phạm trong việc sử dụng đèn pha?  chứ không thì cũng bằng thừa” - bà Loan chia sẻ.

Khó xử phạt!

Trao đổi với báo chí về quy định mới về tín hiệu đèn trong Dự thảo Luật GTĐB đường bộ mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến, Luật sư Trần Xuân Thái (TP HCM) cho rằng, khi xảy ra ùn tắc, lực lượng CSGT sẽ phải tập trung xử lý điểm ùn tắc. Nếu đưa thêm quy định đèn xanh phương tiện không được đi thì liệu CSGT có xử lý được vi phạm này?

Trong dự thảo nêu, hướng đi tới đang bị ùn tắc thì người ở phía sau các phương tiện không được di chuyển tới, kể cả là khi có đèn xanh nhưng không nêu cụ thể mật độ tắc như nào thì không được di chuyển tới? Khoảng cách tắc phía trước là bao nhiêu thì  phương tiện có thể đi vào nút giao? Chính vì vậy, quy định này khi áp dụng sẽ gây nhiều tranh cãi.

Theo ông Thái, tùy vào tình hình thực tế mà người điều tiết giao thông sẽ đưa ra những hướng dẫn phù hợp để người tham gia giao thông di chuyển, hạn chế ùn tắc tốt nhất.

Đọc thêm