Đừng nói không với mũ bảo hiểm!

(PLO) - Như chúng ta đã biết, số ca tai nạn giao thông (TNGT) vẫn chưa được kiểm soát và hạn chế do rất nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến ý thức đội mũ bảo hiểm của người dân và sự quan tam của họ đến chất lượng của thứ “bùa hộ mệnh” không thể thiếu này!
Người dân phải có ý thức bảo vệ mình bằng việc đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách
Người dân phải có ý thức bảo vệ mình bằng việc đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách
Những con số… giật mình!
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng Cục Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, số ca TNGT hiện nay vẫn chưa thực sự được kiểm soát và hạn chế. Đáng buồn hơn khi có tới 50% ca TNGT của nước ta nằm trong độ tuổi từ 20-45, đây là độ tuổi vàng, lực lượng lao động chính trong xã hội; 96% trong số đó là TNGT đường bộ, khiến 94% số người chết và bị thương (trong đó tai nạn xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất 95%). Theo thống kê, trung bình trong 1 ngày ở Việt Nam xảy ra khoảng 70 vụ TNGT đường bộ làm 25 người chết, 67 người bị thương…
Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều giải pháp để đẩy lùi và hạn chế tình trạng này, tuy nhiên ông Tâm cho hay, thách thức của công tác đảm bảo an toàn giao thông vẫn còn rất lớn. Một trong những khó khăn là quỹ đất dành cho giao thông đường bộ quá ít (VD: Hà Nội quỹ đất dành cho giao thông đường bộ chỉ chiếm 4-5%, trong khi quy định là 25-26%); chất lượng đường còn thấp; nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ chưa được nâng lên; đặc biệt ý thức của người tham gia giao thông chưa cao (phóng nhanh vượt ẩu; sử dụng rượu bia; không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không đạt chuẩn… còn rất phổ biến). 
Mặt khác, công tác sơ cấp cứu ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức; việc khắc phục, xử lý các điểm mất an toàn giao thông cũng chưa được quan tâm, chậm thẩm định an toàn giao thông (thực tế có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ngay sau khi một tuyến đường được đưa vào sử dụng); chúng ta cũng chưa quan tâm đến việc áp dụng các hình thức lắp đặt camera, thiết bị giám sát các phương tiện giao thông trên đường…
Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho hay, phương tiện giao thông chính ở Việt Nam là xe máy. Hiện, chúng ta có trên 43 triệu phương tiện đăng ký thì 3/4 là xe máy. 
Nghiên cứu của WHO năm 2010 cho thấy, có tới 70% nam giới Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, cứ 4 nam giới thì 25% uống trên 6 cốc rượu, bia trở lên; trên 36% số người nhập viện có nồng độ cồn trong máu cao quá mức cho phép. 
Nhưng vấn đề đáng lo nhất hiện nay vẫn là việc người tham gia giao thông là trẻ em khi lưu thông trên đường có tỷ lệ đội mũ bảo hiểm rất thấp. Rồi chất lượng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn của người điều khiển xe máy cũng là một vấn đề đáng báo động. 
Không đội mũ bảo hiểm sẽ khó bảo vệ tính mạng khi xảy ra tai nạn
Không đội mũ bảo hiểm sẽ khó bảo vệ tính mạng khi xảy ra tai nạn 
Đừng nói không với mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm chất lượng!
Để hạn chế tình trạng đáng buồn này, theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, cùng với tăng cường chất lượng công tác kiểm định chất lượng phương tiện; nâng cao chất lượng đào tạo và cấp giấy phép lái xe…, chúng ta phải chú trọng hơn nữa đến vấn đề tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức về đội mũ bảo hiểm, chất lượng mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm soát, cưỡng chế, kèm theo các mức phạt nặng đủ răn đe, tránh tái phạm; đồng thời xây dựng thể chế phù hợp để áp dụng xử phạt…
Nói về ý thức của người tham gia giao thông, trong đó có việc đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, đại diện WHO không tránh khỏi lo ngại khi cho hay, thực tế, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay lên tới trên 95%, nhưng tỷ lệ người bị tai nạn do chấn thương sọ não vẫn rất lớn và thực tế này cho thấy chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay là một vấn đề rất đáng phải quan ngại. 
Theo các bác sỹ Khoa Khám bệnh và Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, họ từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị chấn thương sọ não dù vẫn đội mũ bảo hiểm, điển hình là trường hợp anh Nguyễn Hoàng S, 40 tuổi ở Hà Nam. Lúc tai nạn xảy ra, anh Sơn đang đi xe máy và có đội mũ bảo hiểm nhưng do va chạm quá mạnh với một chiếc xe máy đi ngược chiều, đặc biệt do mũ bảo hiểm chất lượng kém nên chẳng những không bảo vệ được đầu mà khi bị ngã xuống đường, mũ bảo hiểm của anh bị vỡ tan, các mảnh vỡ nhỏ của mũ còn cắm vào đầu làm vết thương càng nặng thêm. Bằng chứng là, khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu chỗ vỡ của xương sọ bệnh nhân còn dính rất nhiều mảnh mũ bảo hiểm vỡ, thậm chí cắm vào vết thương…
Đáng thương hơn là trường hợp của anh Bùi Ngọc Đ, 52 tuổi (Kiến Xương, Thái Bình). Do không nhận thức được sự quan trọng của mũ bảo hiểm và mũ bảo hiểm đạt chuẩn, anh thường chọn mua các loại mũ bày bán ở lề đường cho rẻ và cũng ít khi đội. Chỉ khi nào có việc phải đi xa hay tham gia giao thông trên đường quốc lộ anh mới đội, còn khi chạy loanh quanh trong khu vực xã, hoặc sang thôn này, thôn kia anh luôn ở thế đầu trần cho tiện. 
Không may trong một lần sang xã bên uống rượu mừng đầy tháng con anh bạn thân trở về, mải tránh một cụ ông đi xe đạp mắt kém ngược chiều, anh bị văng và đập đầu vào gờ mương thoát nước gần đó. Do va chạm quá mạnh, anh bị chấn thương sọ não và phải chuyển lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Mặc dù các bác sỹ đã cố gắng hết sức để cứu chữa, gia đình đã tốn kém rất nhiều tiền của nhưng nửa năm trôi qua anh vẫn phải sống đời sống thực vật vì chấn thương quá nặng. 
“Xem ti vi, đọc báo tôi thấy cảnh báo rất nhiều các trường hợp bị TNGT đáng tiếc do không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm “rởm”. Cũng không ít lần tôi nhắc anh ấy đội mũ, bỏ tiền mua mũ “xịn” mà đội nhưng chồng tôi không nghe. Giờ mọi sự xảy ra có ân hận cũng đã quá muộn…!” - trong làn nước mắt ràn rụa cứ chực trào ra hai khóe mi và khuôn mặt buồn thảm, chị Lê Thị Nhung, vợ anh chia sẻ.
Một ca cấp cứu tai nạn giao thông
Một ca cấp cứu tai nạn giao thông 
Lời kết
Vẫn biết rằng việc đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đúng cách, đạt chuẩn chỉ hạn chế phần nào các ca chấn thương sọ não do TNGT. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là cứu cánh, giúp ngăn ngừa và giảm bớt hậu quả nặng nề của các ca TNGT. Thực tế của các trường hợp kể trên đã cho chúng ta thấy rất rõ điều đó. 
Đáng buồn là hiện vẫn có không ít bậc phụ huynh vẫn chưa nhận thức được vấn đề này và xem thường sức khỏe, tính mạng của bản thân và gia đình mình. Chính vì thế, cùng với việc hạn chế lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông; tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông…, mỗi người dân nên nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề này, vận động, khuyến khích người thân, cộng đồng, xã hội nâng cao ý thức về vấn đề này. Đó chính là giải pháp hữu hiệu góp phần kiềm chế và giảm bớt những thiệt hại, nỗi đau về vật chất, tình thần, sức khỏe do TNGT gây ra.

Đọc thêm