Gặp lại Thượng tá CSGT cứu hơn 40 người tự tử tại cầu Chương Dương

(PLO) -Gần 40 năm gắn bó với lực lượng cảnh sát Hà Nội thì có đến 20 năm Thượng tá Lê Đức Đoàn giữ nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên cầu Chương Dương. Hình ảnh người CSGT với nước da đen sạm cùng ánh mắt trìu mến, những cái vẫy tay thân thiện và câu nhắc nhở vội vàng “đi cẩn thận cho an toàn nhé” của ông đã để lại một dấu ấn đặc biệt đối với người tham gia giao thông.
Hình ảnh thượng tá Đoàn trong ca trực cuối cùng
Hình ảnh thượng tá Đoàn trong ca trực cuối cùng

Về với những điều bình dị

Tôi gặp lại Thượng tá Đoàn vào một ngày đông lạnh giá. Bây giờ gặp ông không quá khó bởi chính như ông hay nói vui “giờ tôi là tỷ phú thời gian”. Những ngày hưu trí ông mới có nhiều thời gian dành cho bản thân, cho gia đình hơn.

Vẫn tác phong nhanh nhẹn cùng nụ cười luôn nở trên môi, trông ông có vẻ khỏe mạnh hơn xưa. Có lẽ bởi vì, 2 năm rời mặt đường bỏng cháy, không còn hứng những cơn mưa như kim châm, nắng thiêu da thịt, ông mới dành thời gian chăm sóc cho bản thân nhiều hơn.

Ngày mới của ông không còn bắt đầu bằng việc nhận nhiệm vụ trên đơn vị mà là bắt đầu với môn thể dục thể thao yêu thích, hoặc đưa cháu nội đi học hay đi chợ phụ “cô nhà”. Đó là những công việc quá đỗi bình thường nhưng qua nửa đời người ông mới có cơ hội thực hiện.

Nhớ lại quãng thời gian khi mới bắt đầu vào nghề, ông kể: Sau khi được đào tạo tại trường cảnh sát Liên Xô cũ, vào năm 2005, ông được tăng cường vào Đội CSGT số 6, địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thời điểm đó lực lượng Công an Hà Nội đang tập trung đấu tranh khám phá nhóm cướp đập gậy trên một số tuyến quốc lộ.

Thượng tá Lê Đức Đoàn
Thượng tá Lê Đức Đoàn

Lúc 0h ngày 19/5/2005 ông cùng đồng đội tuần tra trên quốc lộ 3 thì phát hiện nhóm cướp giật tài sản của một phụ nữ đi theo hướng Thái Nguyên – Hà Nội. Nghe tiếng hô “cướp”, ông lao ra… Nhóm đối tượng chừng 10 người dùng tuýp sắt dài cùng gạch đá chống trả quyết liệt. Khi đồng đội đến hỗ trợ, ông đã bị vỡ xương mặt, gẫy mũi. Hai đối tượng trong nhóm bị bắt tại chỗ. Còn ông thì vào viện nằm đủ 3 tháng, chính thức trở thành 1 thương binh. 

Ra viện ông nhận nhiệm vụ mới tại chốt cầu Chương Dương để phù hợp với sức khỏe. Thế nhưng, có đứng chốt mới biết hết những vất vả khi những ngày hè nắng rát mặt hay những ngày đông rét cắt da cắt thịt vẫn phải tham gia phân luồng giao thông. Vậy mà chẳng thể tin, ông lại gắn bó với cây cầu Chương Dương ngót 20 năm, chứng kiến bao sự thay đổi, sự trưởng thành của mỗi con người nơi đây. 

Vẫn chọn làm cảnh sát

Làm việc ở vị trí này, ông còn hay nhận tin báo có sự cố giữa cầu như: xe chết máy hay ai đó định… nhảy cầu. Mỗi lần như vậy, ông lại vội nhảy lên ô tô buýt hoặc lên chiếc xe máy nào đó đang đi qua. Cũng bởi xuất hiện kịp thời, nên ông đã kịp kéo những người đang có ý định "nhảy… ùm xuống sông" để quên hết sự đời trở về với thực tại.

Vào một ngày đông buốt giá 12/2012 lạnh, lúc đó Thượng tá Lê Đức Đoàn cùng các đồng nghiệp đang vất vả điều tiết giao thông thì bất ngờ có tiếng ồn ào, hoảng hốt của rất nhiều người từ nhịp cầu số 9 vọng lại.

Theo thói quen và linh tính có chuyện chẳng lành, ông vội ra hiệu một chiếc xe buýt dừng lại, rồi nhảy lên ngay cánh cửa đầu tiên. Từ xa, ông thấy một người phụ nữ đang định nhảy xuống sông tự tử. 

Chẳng một phút chần chừ, Thượng tá Đoàn chạy đến nắm chặt tay cô gái và dùng lời nói nhẹ nhàng để khuyên bảo: “Cháu bình tĩnh, có chú ở đây rồi, không sợ ai nữa. Nghe lời nào, lên đây cùng với chú”.

Những món quà kỉ niệm ông được cặp vợ chồng người Liên Xô tặng.
Những món quà kỉ niệm ông được cặp vợ chồng người Liên Xô tặng.

Khi ở vị trí an toàn, dường như vừa tỉnh giấc mộng, cô gái ôm lấy người cảnh sát giao thông (CSGT) khóc nức nở. Dòng người dãn dần đi, ông cùng cô gái về chốt CSGT ở phía Nam cầu Chương Dương. Cầm trên tay cốc nước, cô gái vẫn không ngừng khóc và nghẹn ngào kể lại nỗi đau khiến cô muốn tìm đến cái chết là để giải thoát sự ô nhục mà mình phải trải qua. 

“Theo như lời kể của cô gái thì cô gái đó nguyên nhân tìm đến cái chết là do bị kẻ khác xâm hại tình dục, rồi người yêu bỏ, khiến cô chán nản. Thực hư câu chuyện tôi cũng không muốn tìm hiểu kỹ, bởi lúc đó chỉ biết cách động viên cho cô gái lấy lại bình tĩnh thôi. Nghe lời, cô gái nhờ tôi gọi điện cho người bạn đón về”, ông Đoàn cho biết.

Ông bảo, mỗi trường hợp tìm đến đây để quyên sinh đều có nhiều nguyên nhân. Có nhiều trường hợp tìm đến cái chết vì ghen tuông, mâu thuẫn gia đình, bị trầm cảm… 

Cứu thoát miệng lưỡi tử thần hàng chục trường hợp, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn luôn trăn trở câu hỏi: Vì sao họ tìm đến cái chết dễ dàng như vậy… Ngồi trò chuyện, ông không hề muốn nhắc đến những “chiến công” này bởi “ai cũng có những phút sai lầm nên mình không nên làm họ thêm tổn thương khi đọc được những thông tin trên mặt báo.

Vì có nhiều trường hợp bây giờ có thể đã sống cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, có con rồi. Việc cứu người cũng là cái phúc và cái duyên của mình. Và đó không phải là những câu chuyện cần lưu tâm nên tôi không muốn ghi chép lại để làm gì”.

Nhắc đến những chuyện đó ông cũng chẳng muốn gọi nó là những chiến công bởi lẽ “Ai trong hoàn cảnh của tôi đều làm như vậy thôi. Giúp đỡ mọi người khi bản thân có khả năng làm được để không phải hối hận với lương tâm”.

Nhấp ngụm nước chè xanh, ông xúc động tâm sự, từ ngày nhận được quyết định về hưu đến nay, nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của người thân, đồng nghiệp và nhiều người dân lắm. 

“Đến giờ tôi không hối tiếc điều gì và cũng không cảm thấy buồn, bởi việc nghỉ hưu vốn là quy luật tất yếu của cuộc sống mà mỗi người đều phải trải qua. Có chăng là chút bâng khuâng. Bâng khuâng vì hàng ngày mình không còn đứng ở vị trí của 20 năm qua, được những câu chào bố, chào chú, chào thầy… của những người chưa từng quen biết. Nhưng trong ca trực cuối cùng trước khi về hưu, tôi bất ngờ được lãnh đạo tới tặng hoa rồi cũng có rất nhiều người Hà Nội đã ra tận cầu bắt tay và chào tôi”.

Về hưu đã được hơn một năm nhưng thỉnh thoảng trong những chuyến du lịch hay đi trên đường phố, có những người ông chẳng hề quen biết nhưng cũng nhận ra ông – người chiến sĩ cảnh sát giao thông năm xưa. Họ bắt tay, xin chụp cùng ông vài kiểu ảnh và gọi ông bằng những từ thân thiết “bố Đoàn”. Đối với ông đó là những thứ tình cảm chẳng gì sánh bằng.

Ông bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khi vẫn còn trong ngành.
Ông bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khi vẫn còn trong ngành.

Tháo chiếc đồng hồ đang đeo trên tay, ông bảo “cái này tôi cũng được một cặp vợ chồng người Liên Xô tặng ấy, nhưng tôi nghỉ hưu rồi chắc không được gọi là nhận hối lộ đâu nhỉ?” ông nở một nụ cười vui đùa.

Đề cập đến một thực trạng là người dân đang thiếu thiện cảm với CSGT, Thượng tá Lê Đức Đoàn suy nghĩ: “Do những áp lực từ công việc, đường xá đông đúc, ý thức của người tham gia giao thông mà đâu đó vẫn còn một vài chiến sĩ có những ứng xử thiếu văn hóa, gây phiền hà, bức xúc cho người dân. Nhưng đó chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh.

Trong khi đó có hàng ngàn CBCS đang phải làm nhiệm vụ dưới thời tiết khắc nghiệt để đảm bảo cho các tuyến đường thông suốt, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông”.

Gần 40 năm công tác trong ngành, chưa khi nào thượng tá Đoàn hối hận vì mình đã chọn nghề này. "Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn đời mình gắn bó với công việc của một cảnh sát giao thông. Đây là nghề được phục vụ nhân dân, nghề vẻ vang, vinh quang và trách nhiệm", Thượng tá Đoàn tâm sự.

Đọc thêm