Giật mình những 'lỗ đen' trong văn hóa giao thông

(PLO) - Mỗi năm, ở nước ta tai nạn giao thông (TNGT) đã cướp đi 8000-9000 người, làm bị thương cũng chừng đó, có người đã từng so sánh TNGT như chiến tranh… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng TNGT vẫn chưa giảm sâu. Vì sao lại như vậy?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ, nguyên nhân cốt lõi nhất là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế, chuẩn mực văn hóa khi tham gia giao thông còn quá nhiều vấn đề.

Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh, trong đó văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng, không thể tách rời ra khỏi văn hóa nói chung vì đó là nền tảng để tạo ra môi trường xã hội phát triển. Xây dựng văn hóa giao thông không có gì lớn lao mà chúng ta hãy bắt đầu bằng những thói quen nhỏ nhất, có thể là dừng lại khi gặp đèn đỏ, chậm lại một chút để nhường đường cho người khác, nói với nhau những lời dễ nghe khi lỡ va chạm…

Xây dựng văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là tham gia hoạt động giao thông có văn hóa cả trong hành vi cũng như ứng xử, có ý thức nhường nhịn, kiên nhẫn chờ đợi, tuân thủ sự điều hành của cảnh sát giao thông, trong khi một bộ phận khác lại tìm mọi cách phải vượt qua bằng được điểm ùn tắc, bất chấp luật lệ, thậm chí coi thường cả tính mạng của mình và người khác. Điều đáng buồn hiện nay thói quen đi lại không phù hợp với nếp sống văn hóa đã đi vào tiềm thức của nhiều người tham gia giao thông hiện nay.

Thiếu hụt văn hóa giao thông là nguyên nhân dẫn đến lối ứng xử tùy tiện, thái độ coi thường pháp luật. Những cảnh chướng tai gai mắt thể hiện sự thiếu hụt văn hóa giao thông ở nhiều người. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có hơn 20 nghìn vụ tai nạn giao thông, khiến hàng chục nghìn người chết và bị thương. Đáng chú ý, hơn 80% số vụ TNGT có nguyên nhân liên quan tới ý thức chấp hành pháp luật về giao thông. 

Thực tế đang diễn ra phổ biến hiện tượng tiêu cực là khi bị bắt lỗi do vi phạm, nhiều người đã nài nỉ, thậm chí nhờ người can thiệp, sẵn sàng đưa tiền mặc cả theo kiểu “cưa đôi”, nhờ cầm để nộp phạt hộ… Cần phải thấy rằng, chính hành vi tuân thủ các quy định pháp luật và sự nghiêm túc khi thi hành công vụ của các lực lượng công vụ là nhân tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy, góp phần hình thành, hoàn thiện văn hóa giao thông ở nước ta. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng là cần duy trì sự nghiêm minh, liêm chính ngay trong lực lượng chấp pháp.

Để giải quyết những bất cập trong văn hóa giao thông cần sự chung tay của toàn xã hội như hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, cấu trúc và cơ cấu phương tiện giao thông, năng lực quản lý, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giáo dục văn hóa giao thông trong trường học... để tạo nên ý thức, văn hóa người tham gia giao thông.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng: Việc xây dựng chuẩn mực văn hóa tham gia giao thông cần được duy trì thường xuyên, liên tục với phương châm “mưa dầm, thấm lâu”. Cùng với việc đưa nội dung này vào chương trình giáo dục ngoại khóa, tăng cường các hoạt động tọa đàm, trao đổi, hội thi..., các ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, dài hạn nhằm vận động người dân nêu gương ứng xử, chung tay giáo dục giới trẻ hình thành thói quen ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

 Người ta thường nói, giao thông là bộ mặt văn hóa của một đất nước, đô thị là nơi biểu hiện rõ nhất trình độ văn hóa của nhân dân, trình độ của các nhà quản lý. Tham gia giao thông chính là sinh hoạt cộng đồng thường xuyên hàng ngày với quy mô rộng lớn. Một đô thị văn minh không thể không có văn hóa giao thông, là hình ảnh có tác động mạnh mẽ đến bạn bè thế giới. 

Đọc thêm