Hà Nội: Nhiều công trình hư hỏng do… quản lý sau đầu tư

(PLO) - Thông tin về tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn TP tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều qua (29/7), ông Nguyễn Sỹ Bảo – Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội - cho biết, Ban đã kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục tình trạng vỉa hè ở đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu bị hư hỏng.
Một tòa nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Ảnh minh họa
Một tòa nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Ảnh minh họa
Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội đang làm Chủ đầu tư triển khai 5 dự án: các dự án trên tuyến Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu đã cơ bản hoàn thành, nút giao thông Ô Chợ Dừa thực hiện năm 2015-2017, đoạn Hoàng Cầu đến Voi Phục, trong đó thực hiện trước đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao thông Giảng Võ – Láng Hạ từ năm 2015-2017); dự án đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng hoàn thành năm 2015; dự án nút giao thông đường đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì với tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển (nằm trên tuyến đường 5 kéo dài đến nút giao với đường Bắc Thăng Long – Nội Bài) thực hiện năm 2014-2016.
Đã dự liệu có nhà “siêu mỏng, siêu méo” trong dự án Vành đai 2
Khắc phục những bất cập của hạng mục vỉa hè dự án Vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu), chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế và thi công thay thế xong viên bó vỉa được người dân đồng thuận, 165m2 vỉa hè bị hỏng đã được chỉnh sửa với chi phí 25.510.000 đồng do nhà thầu chịu. Giải thích thêm về chất lượng công trình, ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, công trình đang trong giai đoạn thi công, do nhà thầu có trách nhiệm bảo quản đến khi bàn giao và phải bảo hành một năm sau đó. 
Tuy nhiên, “do chưa bàn giao đã đưa vào sử dụng nên không được khắc phục kịp thời và cũng có một phần do trách nhiệm quản lý sau đầu tư đối với công trình của Ban và chính quyền địa phương” – ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP cho biết thêm. Còn lý do khiến chi phí của dự án này cao là vì 100% là đất của hộ dân nên công tác giải phóng mặt bằng khó khăn. Để đền bù, hỗ trợ di dân cho hơn 500 hộ dân trong dự án cần 820 tỷ đồng, trong khi chi phí làm hệ thống cấp thoát nước chỉ 77 tỷ đồng, làm hè là 1,3 tỷ đồng…
Đối với tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” sau mỗi con đường mới được mở, ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, là do vạch chỉ giới đường đỏ khi lập dự án, đo đạc mặt bằng và chủ đầu tư đã dự liệu nhưng việc xử lý phải theo qui trình, phối hợp với chính quyền địa phương. Ở dự án Vành đai 2 đã xuất hiện và xác định khoảng 60-70 nhà thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”. “Sắp tới, Ban Quản lý sẽ phối hợp liên ngành để xử lý triệt để hơn” – Giám đốc Ban Quản lý khẳng định.
Đưa ra ví dụ về việc tuyến Xã Đàn theo kế hoạch phải làm từ năm 2002 nhưng phải đến năm 2005 mới làm được và cũng chỉ làm đường do chưa có sự đồng thuận của người dân hai bên tuyến mà nguyên nhân chính là vì lợi ích phát sinh sau làm đường, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, ông Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh: “Chính quyền TP không chối bỏ trách nhiệm trong tình trạng để xảy ra tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” và dù trong điều kiện khó khăn, TP vẫn sẽ cương quyết xử lý tình trạng này, nhất là trong dự án Vành đai 2”.
Thành phố giao vì Vinaconex đã “cam kết”
Làm rõ về việc UBND TP tiếp tục cho Vinaconex thi công giai đoạn 2 của dự án tuyến nước sông Đà sau khi xảy ra sự cố liên tiếp vỡ đường ống, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Chánh Văn phòng UBND TP cho biết, trách nhiệm của TP là đảm bảo an toàn, chất lượng cấp nước cho dân nên để đáp ứng yêu cầu cấp nước kịp thời cho TP, theo đề nghị của Bộ Xây dựng, cam kết của Vinaconex (6 tháng sẽ làm xong tuyến ống, chọn ống chất liệu khác), Hà Nội đã xem xét kỹ trước khi quyết định giao cho Vinaconex vì đây là đơn vị duy nhất hiện nay cấp nước sông Đà về Hà Nội, quá trình đầu tư có nhiều kinh nghiệm, còn sự kiện vỡ đường ống là không mong muốn.
Không đề cập đến lý do TP không tổ chức đấu thầu giai đoạn 2 của dự án này, Phó Chánh Văn phòng UBND TP nhấn mạnh, tuyến ống nước sông Đà do Vinaconex tự đầu tư, TP chỉ mua nước cuối nguồn của Vinaconex để cung cấp cho người dân. Ngoài hai tuyến ống trong dự án, nếu Vinaconex hay DN khác không làm được thì TP sẽ thi công tuyến ống “cấp cứu” để sớm khắc phục hậu quả tuyến ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố thời gian qua. Tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu và cam kết của Vinaconex, TP đã cho phép Tổng Công ty này tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
Từ khi đưa vào sử dụng, đường ống nước sông Đà đã liên tục 9 lần gặp sự cố bục vỡ. Lần gần đây nhất là vào khoảng 4 giờ sáng 12/7, đường ống dẫn nước tại Km15 trên Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội bị vỡ. Khoảng 70.000 hộ dân ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… thuộc Hà Nội bị mất nước. 

Đọc thêm