Hậu họa nạn trâu bò thả rông từ một vụ tai nạn giao thông hy hữu

(PLO) - Anh Phan Hữu Hải (tên thường gọi Tý, 22 tuổi, ngụ thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) lưu thông bằng xe máy trên QL 1A thì tông phải bò thả rông. Nạn nhân phải điều trị mất hơn 60 triệu, trong khi đó chủ bò “bặt vô âm tín”, tiền bán con bò còn…  không đủ trả tiền công cho người trông coi.
Cú va chạm khiến anh Hải vỡ bàng quang, xe máy nát bét, một con bò chết ngay tại chỗ.
Cú va chạm khiến anh Hải vỡ bàng quang, xe máy nát bét, một con bò chết ngay tại chỗ.

Nằm viện cả tháng

Khoảng 18h15’ ngày 30/11/2017, tại Km 772+200 QL1A đoạn qua địa phận thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, anh Hải điều khiển xe máy BKS 75L1-8729 chạy trên quốc lộ 1A theo chiều Nam - Bắc. Khi đến đoạn đường nói trên thì va chạm vào hai con bò đang đi trên đường. Hậu quả anh Hải bị thương nặng phải vào điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, hơn một tháng mới xuất viện. Một con bò chết tại chỗ, còn con bò sống được UBND xã Hải Phú quản lý.

Sau khi vụ việc xảy ra, không hề có ai đứng ra nhận là chủ sở hữu hai con bò nói trên. Để làm rõ vụ việc, Công an huyện Hải Lăng đã ra thông báo truy tìm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hai con bò với những đặc điểm nhận dạng: Con bò thứ nhất lông màu vàng, chiều dài 1,65m, chiều cao từ bàn chân đến phía trên sống lưng là 1,2m, vòng ngực sát nách là 1,4m. Con bò thứ hai lông màu vàng, chiều dài 1,7m, chiều cao từ bàn chân đến phía trên sống lưng là 1,23m, vòng ngực sát nách là 1,6m.

Hoàn cảnh nạn nhân hết sức bi đát, anh Hải là con út trong gia đình ba chị em. Chị gái của Hải lấy chồng ở TP Huế, anh trai vào TP HCM lập nghiệp. Cách đây 11 năm, mẹ anh bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường, hàng ngày được chồng chăm sóc. Thế nhưng, trước ngày Hải gặp nạn một tháng, bố anh bất cẩn cũng bị ngã gãy chân phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị. Chính vì vậy,  Hải phải bỏ việc bán sim, thẻ điện thoại ở Huế để về quê chăm sóc mẹ.

Nạn nhân kể lại: “Chiều xảy ra sự việc, như thường lệ em chạy xe máy ra chợ Long Hưng để mua cháo về cho mẹ ăn tối. Lúc đó em không hề uống bia rượu, chạy với vận tốc chừng 40km/h. Tới đoạn gần chợ, em thấy có hai con bò buộc chung sợi dây chạy băng qua đường. Em không kịp phản xạ đành tông vào một con. Xe máy nát bét, em bất tỉnh, tay chân, mặt mày không sao nhưng bàng quang, thận bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện em đã vào lại Huế để làm việc nhưng sức khỏe còn yếu lắm”. 

Bố của nạn nhân, ông Phan Hữu Hùng (61 tuổi) cho biết thêm: “Hôm xảy ra chuyện, tôi phải phẫu thuật chân ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nghe tin mà như đứt từng khúc ruột, một phần lo cho con, phần khác lại lo cho vợ vì lúc đó không có ai cho bà ấy ăn. Không hiểu sao tai ương cứ ập tới, vì thế gia đình tôi giờ nghèo nhất nhì cái làng này rồi. Hải điều trị tại viện tốn gần 60 triệu, sửa lại xe mất hơn sáu triệu. Tôi vay mượn khắp nơi mới có được số tiền chữa trị cho con. Tôi đã già, chỉ làm ít sào ruộng đủ ăn, hàng tháng phải thuốc men cho vợ nữa, còn Hải sức vẫn yếu, không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ đây”.  

Ông Hùng bức xúc cho rằng đã năm tháng sau sự việc xảy ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được chủ của hai con bò trên: “Nếu không tìm được chủ của hai con bò thì bán nó đi, lấy tiền này hỗ trợ gia đình tôi một ít chứ”.

Tiền trông coi nhiều hơn tiền bán bò

Theo tìm hiểu của PV từ những người dân sống cạnh hiện trường, hôm xảy ra vụ việc, có tới bốn con bò băng qua đường, hai con đi trước, hai con đi sau, nhưng lực lượng chức năng chỉ kịp giữ một con chết cùng một con buộc chung dây. Hai con còn lại có lẽ đã được chủ lùa đi mất.

Một người dân ở Hải Phú than thở: “Tình trạng trâu bò thả rông đi ngang qua QL trên địa bàn hầu như ngày nào cũng có. Vụ tai nạn này đã thành nỗi lo cho người tham gia giao thông. Đi mua cháo cho mẹ lại gặp nạn, không ai đền bù thì thiệt thòi quá. Việc để trâu bò đi lại lộn xộn là do ý thức của các chủ nuôi còn hạn chế. Tôi mong rằng  lực lượng chức năng cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng này”.

Trao đổi với PV sau gần năm tháng xảy ra vụ tai nạn, ông Văn Ngọc Ánh (Chủ tịch UBND xã Hải Phú) thông tin: “Sau vụ tai nạn, con bò chết ngay tại hiện trường đã được bán với giá 1,8 triệu đồng. Còn con bò còn sống được một hộ dân trông giữ giúp chính quyền với tiền công 100.000 đồng/ngày. Sau đó con bò này cũng đã được bán”.

Số tiền bán bò hiện ở đâu, ai giữ, hướng xử lý như thế nào? Vị Chủ tịch UBND nói, việc bán bò có biên bản, hiện công an xã đang giữ số tiền này: “Ít hôm nữa chúng tôi sẽ làm thủ tục để hỗ trợ toàn bộ số tiền này cho người gặp tai nạn giao thông”.

PV tìm về nhà người giữ bò, bất ngờ khi biết số tiền công mà ông giữ còn cao hơn giá con bò.  Ông Võ Quang (40 tuổi, ngụ đội 1, thôn Long Hưng, xã Hải Phú) cho biết, ông đã có kinh nghiệm nuôi bò 25 năm. “Tôi với UBND xã Hải Phú có ký hợp đồng, giữ một ngày 100.000 đồng. Tôi giữ 50 ngày vị chi nhận được năm triệu nhưng con bò này bán cho lò mổ chỉ với giá 4,5 triệu. Lẽ ra UBND xã phải đưa thêm cho tôi 500 nghìn nhưng biết lấy số tiền đó ở đâu ra? Với lại gia đình nạn nhân rất khó khăn nên tôi chỉ lấy 3 triệu mà thôi. Số tiền 1,5 triệu còn lại, tôi đã đưa UBND xã”.

Cũng theo ông Quang, việc giữ con bò này rất vất vả vì sợ chủ bò “ăn trộm lại”, nên ông không dám chăn bò ra đồng cũng chẳng dám nhốt như những con bò khác. “Tôi sợ mất bò đến nỗi phải đem nó vào chuồng lợn nhốt, luôn khóa cửa cẩn thận. Thời gian đó, trời rét, việc kiếm thức ăn khó khăn nhưng tôi không thể thả được mà hàng ngày phải cắt cỏ mang vào chuồng. Hàng đêm, tôi phải ngủ cạnh chuồng lợn để canh, nghe tiếng động là dậy cả nhà. Vất vả lắm nhưng vì nhận nhiệm vụ nên phải gắng hoàn thành”.  

Theo Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế), việc chăn thả trâu bò trên đường là hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc thả rông súc vật trên đường bộ. Với việc không quản lý bò nhà, dẫn đến gây tai nạn cho người đi đường, chủ sở hữu bò phải thực hiện việc bồi thường theo khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự. Các chi phí bồi thường được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Trong trường hợp các bên (chủ sở hữu súc vật và người gặp nạn) không thống nhất việc bồi thường thì có thể khởi kiện tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

Theo Luật sư Hạnh, với hành vi chăn thả súc vật trên đường gây nguy hiểm, chủ trâu còn bị xử phạt tiền. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu chăn thả gia súc trên đường dẫn đến tai nạn chết người thì có thể bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người”.

Theo một CSGT, việc chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe là nguyên nhân dẫn đến việc người dân vẫn còn thả rông trâu bò. Thực tế cho thấy, căn cứ vào Nghị định 46 của Chính phủ thì hành vi chăn dắt, thả rông gia súc trên đường chỉ bị xử phạt từ 60.000 - 80.000 đồng. Còn theo Nghị định 167 về vi phạm quy định về trật tự công cộng, mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền cũng chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng, đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đường phố, thị xã hoặc các nơi công cộng nên không đủ sức răn đe.

Đọc thêm