Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang): Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị chiếm dụng

(PLO) - Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp dọc quốc lộ 2 đoạn đi qua xã Yên Phú huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang đang bị nhiều hộ dân xây dựng nhà ở trái phép. Điều đáng nói trong số vi phạm có cả cản bộ, lãnh đạo xã. Hệ lụy khiến việc giải quyết vi phạm trong lĩnh vực đất đai và vi phạm trật tự xây dựng tại đây đang là bài toán nan giải
Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang): Hàng nghìn m2 đất nông nghiệp bị chiếm dụng

Theo phản ánh của người dân xã Yên Phú đến PLVN, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp trên địa bàn đang bị sử dụng sai mục đích.

Cụ thể, dọc 2 bên quốc lộ số 2 lộ trình từ Tuyên Quang đi Hà Giang (km 54-56 ) có hàng loạt công trình xây dựng mọc lên trên đất nông nghiệp. Những công trình này hiên ngang đổ đất, lập lán trại xây dựng nhà cửa mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ các cơ quan chức năng. Ngay đối diện với UBND xã Yên Phú có khoảng 5-6 công trình công trình nhà ngang nhiên "nhẩy dù" vào đất nông nghiệp. Sự việc diễn ra ngay trước mắt mà chính quyền xã này không nhận thấy!?
Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc xã Yên Phú
Một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp thuộc xã Yên Phú 
Điều đáng nói, trong hàng loạt các công trình sai phạm này góp mặt cả những lãnh đạo xã Yên Phú. Theo nguồn tin riêng của PLVN, trong số các công trình xây dựng sai phạm này có nhà ông Vũ Xuân Thủy hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng nhân dân. Cách đó không xa là căn nhà gỗ của ông Vũ Văn Sỹ - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế cũng được dựng lên trên mảnh ruộng lân cận với vườn nhà.

Mở quán bán hàng trên đất nông nghiệp tại xã Yên Phú
Mở quán bán hàng trên đất nông nghiệp tại xã Yên Phú 

Theo tìm hiểu của PV, hiện tượng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp tại xã Yên Phú chia ra làm 2 giai đoạn: do lịch sử để lại và những công trình xây mới. Hàng loạt các căn nhà đã được xây dựng từ lâu, thậm chí còn được người dân dựng lên và có cả sự trao đổi mua bán bằng những mảnh giấy viết tay. Trong nhữn năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai nhưng hiện tượng sử dụng đất sai mục đích tại xã Yên Phú vẫn tồn tại và còn có chiểu hướng gia tăng.

Điều này khiến người dân nơi đây không khỏi đặt câu hỏi nghi vấn có sự hậu thuẫn, bao che, buông lỏng quản lý của chính quyền xã Yên Phú khiến cho các công trình sai phạm tại đây" mọc lên như nấm" sau mưa?

Trước những bức xúc của người dân, đề nghị UBND huyện Hàm Yên nhanh chóng tiến hành thanh kiểm tra công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại xã Yên Phú. Đặc biệt làm rõ có hay không sự việc các cán bộ xã gồm: ông Vũ Xuân Thủy - Chủ tịch hội đồng nhân dân và ông Vũ Văn Sỹ - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế  dựng nhà trên đất nông nghiệp?

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin...

Liên quan đến những quy định về lĩnh vực quản lý đất đai:
1. Điều 3 Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (Nghị định 105) quy định sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi sử dụng đất không đúng với mục đích sử dụng, loại đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai.

Tùy theo hành vi vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 5, Điều 8, Điều 14, Điều 15 của Nghị định 105.

2. Điều 4 Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (“Nghị định 180”) quy định hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:

- Ngừng thi công xây dựng công trình.

- Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.

- Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.

- Buộc bồi thường thiệt hại do hành chính vi phạm gây ra.

- Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Theo đó, ngoài việc bị xử phạt theo quy định tại Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, người vi phạm còn bị buộc khắc phục hậu quả và bị xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định 180.

Đọc thêm