Khởi công 1 công trình, “trèo qua” 40 thủ tục

(PLO) - “Cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng” là yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong cuộc làm việc sáng qua - 14/8 với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành hữu quan nhằm cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ riêng các quy định về các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành xây dựng, số lượng thủ tục, nhóm thủ tục là 15 đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và là 19 thủ tục, nhóm thủ tục đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 
Hàng chục thủ tục, hàng trăm ngày làm việc
Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, để khởi công được công trình, thời gian thực hiện 15 thủ tục hành chính, chưa tính tới thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ là 260 ngày làm việc đối với dự án nhóm C và 280 ngày làm việc đối với dự án nhóm A. Trong số các thủ tục này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có 3 thủ tục, mất 80-100 ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) 3 thủ tục, hết 80 ngày; Bộ Tài chính 1 thủ tục, thời gian khoảng 6-12 tháng. 
Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian là 392 ngày đối với dự án nhóm C và 447 ngày đối với dự án nhóm A. Trong đó, Bộ KH&ĐT 2 thủ tục, chiếm 60 ngày, Bộ TN&MT 6 thủ tục, hết 187 ngày (kể cả giải phóng mặt bằng); Bộ Tài chính có 3 thủ tục, hết 30 ngày. Số lượng thủ tục và thời gian theo tính toán của Bộ Xây dựng chỉ là số liệu trung bình, trên thực tế có dự án, công trình đến khi khởi công được phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm, và cá biệt còn lên đến hàng chục năm. 
Còn theo phản ánh của lãnh đạo Bộ KH&ĐT tại cuộc làm việc, để khởi công được 1 công trình ở TP.Hồ Chí Minh, trung bình phải trải qua tới 40 thủ tục các loại, cao hơn nhiều con số 15 và 19 thủ tục mà Bộ Xây dựng thống kê. 
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, trong đó nổi lên là thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và thể chế, cơ chế còn bất cập, chồng chéo. Tình trạng triển khai công tác quy hoạch của nhiều địa phương còn chậm, thiếu các quy hoạch đã dẫn đến chậm trễ, ách tắc trong thực hiện đầu tư, cấp phép xây dựng, dẫn đến tùy tiện, phát sinh xin - cho, tiêu cực. 
Nếu đã có Quy hoạch chi tiết được phê duyệt, Bộ Xây dựng cho biết, tổng thời gian làm thủ tục nói trên có thể rút ngắn được 75 ngày đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, và rút ngắn được 102 - 187 ngày đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách.
“Phải cắt giảm 1/3 thời gian”
“Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ” – Thủ tướng nói thẳng. 
Thủ tướng cho rằng, so với thế giới, với yêu cầu của người dân và DN, với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì số lượng và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là còn nhiều và còn dài; tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện, gây rắc rối, phiền hà cho người dân và DN, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng; làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh  quốc gia. 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng lập tức xây dựng một kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 “cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng”. Theo đó, rà soát, bãi bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết cả ở Trung ương và địa phương trong thẩm quyền của Bộ; đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ các thủ tục không cần thiết khác trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư liên quan. 
“Vấn đề gì cần phải quy định để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thì phải quy định, vấn đề nào không cần thì phải loại bỏ. Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại” - Thủ tướng nêu rõ.

Đọc thêm