Lạm dụng đèn LED bar dễ bị luật “sờ gáy”

(PLO) -Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có Công văn số 6688/ĐKVN-VAR ngày 26/10/2018 gửi các đơn vị đăng kiểm về việc tăng cường xử lý tình trạng phương tiện sử dụng đèn chiếu sáng phía trước có cường độ lớn sai quy định. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo nội dung Công văn, Cục Đăng kiểm yêu cầu tất cả các đơn vị đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm xe cơ giới kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn đèn chiếu sáng phía trước, phía sau không đúng thiết kế của nhà sản xuất.

Đây là động thái của nhà quản lý nhằm xử lý tình trạng gần đây rất nhiều chủ xe lạm dụng lắp đặt đèn LED bar một cách bừa bãi. Có thể nói hiện nay, việc lắp đèn LED bar đang trở thành “mốt” trong giới lái xe, khi mà đèn LED bar không chỉ được lắp cho các xe tải, xe khách chạy đường dài, mà các xe cá nhân chỉ chạy trong TP, đô thị cũng trang bị loại đèn này và vẫn cố tình bật đèn khiến người tham gia giao thông khác bị lóa mắt, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. 

Đèn LED bar là một thanh hình trụ trên đó được gắn các mắt LED (diot LED), có chức năng trợ sáng cho các phương tiện vào ban đêm. Có nhiều kiểu dáng và kích thước cho các loại LED bar hiện nay, phổ biến cánh tài xế thường hay lắp có các mẫu mã với chiều dài đa dạng: 20cm, 35cm, 55 cm, 85cm, 120cm công suất ở các mức: 18W, 36W, 54W, 75W. Được ưu chuộng nhất hiện nay đó là các mẫu LED bar 4D, 6D với màu nhiệt bao gồm 2 màu chính là trắng ban ngày và vàng phá sương. 

Vị trí gắn LED bar thường là ở cản trước đối với các dòng xe sedan; với các mẫu SUV, Jeep cánh tài xế còn có thể gắn luôn lên trên nóc, thậm chí gắn cả vào phía sau, sườn bên cạnh của xe với lý do tăng khả năng quan sát khi đi ban đêm. Vì vậy, độ đèn pha LED bar là lựa chọn của nhiều chủ xe với mục đích bổ sung ánh sáng, giúp tăng tầm nhìn cho tài xế khi lưu thông tại các cung đường tối. 

Vì khác với những dòng đèn trợ sáng khác chỉ tập trung dưới mặt đường, đèn LED bar là một loại đèn LED cho ánh sáng không định hướng. Khi bật đèn ánh sáng sẽ trải ra trên một vùng rất rộng với cường độ sáng rất cao, không có độ chụm sáng vào một điểm nhất định. Với một thanh đèn LED bar 75W nếu chiếu thẳng vào mắt của người đối diện, thì sẽ khiến cho người này bị mù sáng tạm thời trong một thời gian nhất định. 

Điều đáng nói ở đây đó là rất nhiều tài xế điều khiển những chiếc xe lắp đặt các loại đèn LED trên không hề có khái niệm hạ xuống đèn gần khi gặp người hoặc xe đi ngược chiều. Bất chấp nguy hiểm, họ chĩa thẳng thứ ánh sáng đó vào người đi đường như thể “phô trương sức mạnh”, coi đó như một niềm tự hào để giành đường với các phương tiện khác.

Mặc dù họ hoàn toàn ý thức được việc ảnh hưởng, tác hại của cường độ sáng phát ra từ những chiếc đèn LED bar của mình tới người khác.

Mặc dù Luật Giao thông cũng đã quy định rất rõ về việc không lắp đặt hoặc cải tạo đèn chiếu sáng khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, quy định mức phạt tiền đối với hành vi lắp thêm đèn phía trước từ 300-400.000 đồng và lắp thêm đèn phía sau từ 800.000 ngàn đồng đến 1.000.000 đồng, kèm theo đó là tịch thu đèn lắp thêm và tước giấy phép lái xe có thời hạn nhưng vẫn có rất nhiều tài xế cố tình không chấp hành.  

Bởi vì khi đến kì kiểm định xe, những người độ đèn thường tháo ra để đạt chứng nhận kiểm định của trung tâm đăng kiểm. Sau đó lại lắp đèn độ vào chạy ra đường, đến kỳ kiểm định lại tháo ra, khiến cơ quan đăng kiểm gặp khó khăn trong công tác xử lý. 

Trước thực tế là những lợi ích từ đèn LED bar mang lại cho tài xế còn chưa thấy đâu, thì việc nó gây tác động xấu tới xã hội là điều hoàn toàn thấy rõ. Việc các chủ xe lắp đặt đèn LED bar bừa bãi gây phản cảm, cũng như ý thức khi tham gia giao thông kém của họ là những vấn đề đáng lên án. 

Đọc thêm