Loạt công trình trọng điểm kỳ vọng giảm ùn tắc, kẹt xe tại TP HCM năm 2019

(PLVN) - Tình hình giao thông ở TP HCM trong năm 2018 đã có những chuyển biến rõ rệt. Các chỉ tiêu số vụ và số người bị thương, số điểm ùn tắc giao thông… đều được kéo giảm. Vậy bức tranh giao thông của TP HCM trong năm mới Kỷ Hợi 2019 sẽ như thế nào? 
TP HCM trong năm 2019 giảm nạn kẹt xe là một trong những kỳ vọng của mọi người dân
TP HCM trong năm 2019 giảm nạn kẹt xe là một trong những kỳ vọng của mọi người dân

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã trao đổi cùng Báo PLVN nhân dịp đầu Xuân.

Ưu tiên xây dựng các nút giao trọng điểm

Thưa ông, dự kiến năm 2019, TP HCM sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đưa vào sử dụng những công trình tiêu biểu nào để góp phần giải quyết ùn tắc, kẹt xe?

- Theo kế hoạch năm 2019, Sở Giao thông Vận tải TP HCM (Sở GTVT) sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu.    

Qua đó, TP sẽ tập trung đôn đốc, triển khai các công trình trọng điểm mang tính chất cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, ưu tiên tập trung đối với một số nút giao trọng điểm. TP sẽ hoàn thành 24 dự án như: nút giao Mỹ Thủy, hầm chui An Sương; cải tạo dốc cầu Phạm Văn Chí; nâng cấp, mở rộng cầu Chữ Y, cầu Kênh Tẻ; xây dựng cầu kết nối giữa cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt…

Tiếp tục phấn đấu khởi công 27 dự án như: Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, mở rộng đường Đồng Văn Cống, nâng cấp mở rộng mặt đường Hoàng Hoa Thám, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, mở rộng đường Cộng Hòa đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, khởi công dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), cầu đường Bình Tiên, hoàn thành 4 tuyến đường chính Khu đô thị Thủ Thiêm, mở rộng Xa lộ Hà Nội...    

Một số công trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Đại học Quốc gia... cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công. 

Sân bay Tân Sơn Nhất đang được nâng cấp, mở rộng nên chắc chắn thời gian tới áp lực giao thông khu vực này sẽ tăng cao. Xin ông cho biết, TP đã có những giải pháp gì nhằm ứng phó với áp lực đó?

- Thời gian tới, áp lực giao thông trên các tuyến đường trong khu vực này tăng lên là điều không thể tránh khỏi vì công suất sân bay sẽ được nâng lên khoảng 50 triệu lượt hành khách/năm. Chính vì thế, TP sẽ tập trung đôn đốc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ tổ chức quản lý điều hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thông tin nhanh, giải tỏa nhanh các sự cố, các tai nạn giao thông nhằm kéo giảm ùn tắc khu vực sân bay. Địa phương cũng sẽ tăng cường hoạt động vận tải hành khách công cộng tại khu vực sân bay, sắp xếp hoạt động của xe taxi và xe hợp đồng cho phù hợp, bố trí thời gian giao nhận hàng hóa để hạn chế xe tải lưu thông vào ban ngày…

TP sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019 các công trình xung quanh sân bay như cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám (từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu)... Tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa…

Ngoài ra, tôi cũng xin thông tin là chúng ta đang nghiên cứu, đề xuất thực hiện các dự án như: Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa), tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn), tuyến đường bộ trên cao số 1.

Có được những con đường thông thoáng là mong muốn của những người tham gia giao thông
Có được những con đường thông thoáng là mong muốn của những người tham gia giao thông

Nhiều kiến nghị để đường phố dễ… thở hơn 

Nhiều người cho rằng tình trạng kẹt xe của TP là do phương tiện xe máy gây nên, vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, yếu tố bất cập để dẫn đến tình trạng kẹt xe của TP, trong đó có nguyên nhân từ phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông. 

Các nguyên nhân, bất cập khác như: Quá trình đô thị hóa, mức độ gia tăng dân số diễn ra nhanh hơn dự báo, tình hình đầu tư các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án vào khu vực trung tâm thành phố trong đã và đang làm quá tải kết cấu hạ tầng giao thông đô thị dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên... 

Bên cạnh đó là tình trạng người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán, họp chợ. Và cũng phải nhìn nhận rằng, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao cũng góp phần làm ùn tắc. Chưa kể là có tình trạng mưa lớn gây ngập, dẫn đến tắc nghẽn giao thông trên nhiều tuyến đường, khu vực…

Để bức tranh giao thông TP ngày càng thông thoáng, sạch đẹp, Sở có những kiến nghị gì, thưa ông?

- Trước hết, Sở GTVT sẽ tham mưu cho TP cơ chế, huy động nguồn vốn để đầu tư các công trình trọng điểm, đặc biệt các dự án khép kín vành đai 2 thành phố, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái. Qua đó, các công trình sẽ sớm được triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, các điểm đón, trả khách. Hạn chế lưu thông một số khu vực. Sắp xếp lại các vị trí dừng đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè. Đề xuất các giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đỗ xe. Mở rộng việc thu phí đỗ xe dưới lòng đường trên toàn địa bàn TP…

Một trong những vấn đề cấp bách nữa là Sở GTVT sẽ kiến nghị TP tập trung ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đô thị. Chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng công trình giao thông. Sớm ban hành quy trình phối hợp công tác giải phóng mặt bằng, quy định trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan trong trường hợp chậm bồi thường giải phóng mặt bằng, chậm di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật... gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án chính.

Hiện các dự án giải phóng mặt bằng xây dựng công trình giao thông đang gặp chút khó khăn về vốn. Sở GTVT sẽ kiến nghị thành phố ưu tiên bố trí vốn để triển khai thực hiện trước. Cạnh đó, Sở sẽ kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu cơ chế, hình thức đầu tư các dự án song hành QL50, cầu Thủ Thiêm 3,4; vành đai 2 (các đoạn còn lại), đường Lê Văn Lương, đường 15B (đoạn quận 7 – Nhà Bè)… Hy vọng  một số kiến nghị trên được chấp thuận, qua đó góp phần giải quyết được những vấn đề giao thông cấp bách của TP. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Giao thông đường thủy được đầu tư hơn 

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, thời gian gần đây, TP HCM đã ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác các dự án phục vụ giao thông đường thủy. Điều này đã mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo nét mới và đa dạng các loại hình giao thông thành phố. 

Những chuyến tàu buýt hi vọng sẽ góp phần giảm áp lực lên đường bộ
Những chuyến tàu buýt hi vọng sẽ góp phần giảm áp lực lên đường bộ

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả bước đầu chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu giao thông đường thủy. Đơn cử như một số sông, kênh chính bị lấn chiếm, bồi lấp, nhiều luồng tuyến chưa được nạo vét. Kết nối giao thông đường bộ với các cảng bến giao thông thủy chưa được đầu tư đồng bộ. Hệ thống cảng, bến còn hạn chế cả về mật độ và chất lượng. Các công trình bến mang tính chất tạm thời, nhỏ lẻ, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu cũng như tiềm năng và lợi thế phát triển giao thông thủy…

Từ những khó khăn vướng mắc như trên, trong năm 2019, UBND TP HCM, Sở GTVT sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm nhằm từng bước phát triển giao thông đường thủy. Theo đó, khối lượng vận tải hành khách đường thủy năm 2019 sẽ được nâng lên là 820.000 lượt, tăng 190% so với năm 2018 là 282.000 lượt.

Thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới cảng, bến đến năm 2030, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa cụ thể các cảng, bến. Nâng cấp, duy tu các tuyến đường thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách. 

Triển khai đầu tư hoàn thành tuyến buýt sông số 2 từ Bạch Đằng đi Lò Gốm và tiếp tục kêu gọi đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch từ trung tâm Thành phố - Phú Mỹ Hưng, quận 12 - Gò Vấp, quận 2 - quận 9, quận 7 - Nhà Bè. Tiếp tục nghiên cứu một số tuyến buýt sông về phía Đông, Đông – Nam; các tuyến vận tải hành khách cố định đi Cần Thơ, Côn Đảo, Vũng Tàu.

Đọc thêm