“Logo xe vua” có phải “bùa hộ mệnh"?

(PLO) -Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) nói “không tồn tại bất cứ loại logo, biểu tượng hay phù hiệu ưu tiên nào nếu gắn lên kính xe sẽ có tác dụng miễn trừ xử lý vi phạm giao thông”.  
Tất cả những logo này đều không có giá trị pháp lý gì
Tất cả những logo này đều không có giá trị pháp lý gì
Sau 5 tháng điều tra, mới đây cảnh sát đã tạm giữ 7 người liên quan đến đường dây bán logo, tự in và bán các logo giá từ 400 đồng đến 1.000 đồng song bán cho chủ xe giá 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng tại TP.HCM, Bình Dương… 
Thủ đoạn của nhóm này như sau, chúng tự xưng quen biết nhiều “sếp lớn” bảo kê xe, nhưng thực ra chúng có một hệ thống nắm tình hình kiểm tra của lực lượng chức năng tại những chốt kiểm soát, sau đó báo về cho trung tâm chỉ huy để thông tin cho tài xế.
Nhóm người này móc nối với cán bộ làm nhiệm vụ, có cả thanh tra giao thông nắm tình hình. Khi có xe vi phạm, những người  này đến xin xỏ để không bị phạt hoặc giảm nhẹ mức phạt, nếu không xin được thì nộp phạt.
Thay vì chạy xe đúng luật, nhiều tài xế đã mua “logo xe vua” với giá đến 3 triệu đồng/tháng gắn lên kính xe để “tránh bị thổi phạt”.
Đây là nhận thức sai lầm, bởi như Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) nói “không tồn tại bất cứ loại logo, biểu tượng hay phù hiệu ưu tiên nào nếu gắn lên kính xe sẽ có tác dụng miễn trừ xử lý vi phạm giao thông”.  
- Thưa ông, cơ quan nhà nước có cấp logo chuyên dùng cho xe hơi?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh: Luật Giao thông đường bộ (Luật GTĐB) và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất cứ quy định nào về việc cấp logo cho xe lưu hành. Với xe quá tải, căn cứ pháp lý duy nhất xác định xe quá tải được phép lưu hành là Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng. 
Khoản 2 Điều 28 Luật GTĐB quy định: “Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông”.
Những logo do các đối tượng tự in
 Những logo do các đối tượng tự in
- Với xe ưu tiên thì có quy định cấp logo hay phù hiệu riêng hay không?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh: Xe được quyền ưu tiên cũng không có quy định cấp logo hay phù hiệu riêng. Dấu hiệu nhận biết xe ưu tiên được xác định qua tín hiệu còi, cờ, đèn, theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật GTĐB.
- Những loại xe ưu tiên nào được phép vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều và không bị hạn chế tốc độ?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh:Căn cứ Luật GTĐB và Nghị định 109/2009/NĐ-CP thì những loại xe sau sẽ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông:
- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
- Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải tội phạm, tham gia phòng, chống khủng bố.
- Xe Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng, xe làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, chỉ huy tác chiến chống khủng bố, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân.
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
- Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp: là xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm như: Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh.
- Các xe ô tô có dán phù hiệu Quốc hội, Văn phòng Chính phủ hay Bộ ngành Trung ương có phải là xe ưu tiên?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh: Luật GTĐB không quy định xe có gắn các loại phù hiệu này là xe ưu tiên. Bản chất những phù hiệu này chỉ liên quan đến hoạt động ra vào của xe ở các cơ quan được ghi trên tấm biển hiệu. Ví dụ như tại các kỳ họp Quốc hội thì nhiều xe ô tô sẽ được cấp biển hiệu ra vào hội trường hay khu vực liên quan để cho lực lượng bảo vệ nhận biết và quản lý. 
Các xe có gắn biển hiệu đề tên các cơ quan Trung ương chỉ trở thành xe ưu tiên nếu thuộc đoàn xe có xe cảnh sát giao thông hoặc xe quân sự dẫn đường.
- Những xe gắn biển ngoại giao có bị cảnh sát giao thông thổi phạt hay không?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh:  Về nội dung này, Thông tư liên bộ số 01-TTLN/1988 đã có hướng dẫn: “Các phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế, của cá nhân những người có thân phận ngoại giao (xe mang biển số NG) được hưởng quyền miễn trừ không bị khám xét, trưng dụng, bắt giữ, không bị áp dụng các biện pháp xử lý”.
- Trường hợp bản thân những người mang thân phận ngoại giao mà vi phạm luật giao thông thì họ có bị xử lý?
Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh: Trường hợp này, xử lý như sau: 
a. Những người có thân phận ngoại giao, (có hộ chiếu ngoại giao) làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, các cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam và các thành viên gia đình họ cùng sống chung với họ tại Việt Nam…. được cho hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Những người này được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra. Tuy nhiên họ phải tôn trọng luật lệ của Nhà nước ta, kể cả luật lệ về giao thông đường bộ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra.
b. Nhân viên hành chính - kỹ thuật, nhân viên phục vụ của các cơ quan đại diện nước ngoài và các cơ quan nước ngoài khác đã nêu trên và thành viên gia đình họ không có quốc tịch Việt Nam, và cùng sống với họ tại Việt Nam… chỉ được miễn trừ xét xử về hình sự, dân sự và xử lý hành chính đối với các vụ vi phạm luật lệ giao thông đường bộ do họ gây ra tại Việt Nam trong khi thi hành công vụ, nhưng không được miễn trừ xét xử về dân sự và xử lý về hành chính khi không thi hành công vụ, phải có trách nhiệm đền bù vật chất đối với các vụ tai nạn giao thông do họ gây ra”.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm