Miễn, giảm phí cho hộ dân gần Trạm thu phí Bắc Hải Vân

(PLO) - Ngày 13/5, ông Trần Văn Giảng- Chủ tịch UBND TT.Lăng Cô (Phú Lộc, T.T-Huế) cho biết, đơn vị vừa thống nhất cùng nhà đầu tư dự án hầm Phước Tượng-Phú Gia (QL1 qua TT Lăng Cô) sẽ miễn, giảm mức phí qua trạm thu phí Bắc hầm Hải Vân cho các hộ dân, đơn vị gần Trạm.
Trạm thu phí Bắc Hải Vân
Trạm thu phí Bắc Hải Vân

Trạm thu phí (TTP) hoàn vốn thuộc dự án hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia do Công ty CP Phước Tượng-Phú Gia đầu tư theo hình thức BOT. Hiện, TTP đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng, trước khi đưa vào vận hành chính thức (dự kiến đầu tháng 6/2016).

Theo ông Trần Văn Giảng, trước đây chưa có hầm, từ Lăng Cô ra sân bay Phú Bài mất khoảng tiếng rưỡi, nay chỉ còn chưa đến 1 tiếng. Nhờ đó, lưu thông hàng hóa, khách du lịch từ Cảng nước sâu Chân Mây lên Cố đô Huế hay vào Đà Nẵng, Hội An… và ngược lại cũng được rút ngắn tối đa. Với hiệu quả về mặt kinh tế của dự án mang lại, đa số người dân trên địa bàn đều đồng thuận. Ngoài ra, lưu thông qua TTP còn đảm bảo về ATGT.

Tuy nhiên, có một số ít hộ sử dụng phương tiện ô tô tham gia vận tải chuyên tuyến cố định Lăng Cô- Đà Nẵng kiến nghị về việc, không lưu thông qua dự án vẫn phải đóng phí.

Ngay sau đó, Lực lượng chức năng thị trấn đã tiến hành rà soát, xác minh từng trường hợp cụ thể, đồng thời làm công tác tuyên truyền, vận động để mọi người cùng có tinh thần chia sẻ. “Thực tế ngoài các hộ dân bị ảnh hưởng đã được lập danh sách miễn, giảm mức phí qua TTP, nhiều người còn lại trên địa bàn đi tuyến Lăng Cô ra Huế và ngược lại bằng ô tô cũng được hưởng lợi”, ông Giảng nói

Gần cuối tháng 4 vừa qua, địa phương đã cùng nhà đầu tư dự án thống nhất danh sách gần 110 phương tiện ô tô của các hộ, doanh nghiệp này để trình miễn hoặc giảm một phần phí đường bộ.

Ông Giảng chia sẻ, đèo Phước Tượng dài 3,2km, có độ dốc 7%, 2,3km đèo Phú Gia có độ dốc 8%, với nhiều khúc cua gấp liên tục, từng là nỗi ám ảnh “điểm đen” TNGT và “điểm nóng” ùn tắc giao thông. Từ khi dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia đưa vào vận hành (tháng 12/2015) đã “khơi thông” các điểm nghẽn đường đèo, đảm bảo ATGT. Vì thế, để thực hiện phương án tài chính hoàn vốn cho dự án BOT hầm Phước Tượng-Phú Gia, rất cần sự chung tay, tham gia của người dân, đơn vị cùng đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 bên: người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Phạm Công Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phước Tượng-Phú Gia BOT nói thêm, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT, đơn vị làm việc với địa phương, Ban QLDA 4 (đại diện cơ quan QLNN có thẩm quyền dự án hầm Phước Tượng-Phú Gia BOT) và đã có Công văn gửi Bộ GTVT (ngày 10/5) về cơ chế miễn, giảm phí đường bộ khi qua TTP Bắc hầm Hải Vân cho các trường hợp này. Ông Hưng nhấn mạnh, phía đơn vị rất tích cực để đảm bảo quyền lợi chính đáng nhất cho người dân gẩn khu vực lân cận TTP, trước khi đưa vào vận hành chính thức.

Về luồng thông tin cho rằng, vị trí đặt TTP Bắc hầm Hải Vân có khả năng ảnh hưởng đến du lịch địa phương, ông Giảng thẳng thắn: Có thể thời gian đầu lượng khách từ Đà Nẵng ra có xu hướng giảm nhưng khách từ phía Bắc vào, đặc biệt từ Huế về Lăng Cô du lịch, nghỉ dưỡng sẽ gia tăng do thời gian từ sân bay, thành phố Huế đến thị trấn được rút ngắn tối đa.

Còn thực tế với góc độ nhà đầu tư, việc đặt TTP Bắc hầm Hải Vân ở cuối tuyến của Thừa Thiên-Huế, ông Hưng cho rằng, nếu tính toán kỹ sẽ thấy vị trí này gây nguy cơ ảnh hưởng đến phương án tài chính hoàn vốn cho dự án nhiều hơn, vì các phương tiện tuyến Huế- Lăng Cô không phải qua TTP.

Đọc thêm