Mở dịch vụ đưa người say về nhà: Luật sư nói gì?

(PLO) - Xung quanh vấn đề khả thi hay không khả thi của ý tưởng “Điểm kinh doanh dịch vụ bia rượu ATGT”, ở góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng cho rằng: Mục đích của ý tưởng là rất tốt nhưng sẽ không khả thi và hiệu quả sẽ không cao, hay nói cách khác là không thể thực hiện được
Lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra nhằm phát hiện xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn với mức phạt rất nặng (Ảnh: nguồn Internet)
Lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra nhằm phát hiện xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn với mức phạt rất nặng (Ảnh: nguồn Internet)
- Thưa luật sư, mô hình “điểm kinh doanh bia rượu ATGT” có thể thí điểm xây dựng ở nhiều địa phương, được một số ý kiến ủng hộ vì cho là nhân văn, hạn chế TNGT. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào? 
Tôi thấy không khả thi, bởi lẽ thứ nhất, ở góc độ quy định của luật pháp, vấn đề này, hoàn toàn gắn với quyền lợi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh bia, rượu và hàng ăn, hơn nữa là tác động trực tiếp vào quyền nhân thân của người sử dụng bia, rượu. Trong khi, không có nguồn pháp luật nào có thể cấm việc một người ăn hoặc uống rượu nhiều hay ít mà chủ yếu do nhận thức, sự chủ động của người sử dụng bia, rượu. Trong đó đa số sự say sưa quá chén là do vui vẻ, chúc tụng nhau dẫn đến không làm chủ được hành vi.
Thứ hai, nếu triển khai thực hiện trên cơ sở một cuộc vận động, nhằm hạn chế sử dụng rượu bia, thì người uống rượu, bia có thể chấp hành hoặc không. Và thực tế, nhiều khả năng lại xảy ra chuyện cười, người đã say bia, rượu thì không thể làm chủ được bản thân vậy thì vận động thế nào? Ngược lại, ở góc độ chủ nhà hàng, chắc chắn họ cũng không vui lòng, không muốn khi phải vận động khách hàng của mình “uống ít rượu bia”.
Luật sư Hoàng Văn Hướng: “Ý tưởng “Điểm kinh doanh dịch vụ bia rượu ATGT”, có mục đích rất tốt nhưng sẽ không khả thi và hiệu quả sẽ không cao, hay nói cách khác là không thể thực hiện được.”
 Luật sư Hoàng Văn Hướng: “Ý tưởng “Điểm kinh doanh dịch vụ bia rượu ATGT”, có mục đích rất tốt nhưng sẽ không khả thi và hiệu quả sẽ không cao, hay nói cách khác là không thể thực hiện được.”
- Vấn đề vận động người dân hạn chế bia rượu là cần thiết, nhưng cách làm này nếu triển khai trong thực tế có thể dẫn đến những tình huống như thế nào mà không đảm bảo khả thi thưa luật sư?  
Nếu chỉ là vận động thì người đi vận động sẽ là ai, chủ nhà hàng hay lực lượng nào thực thi lĩnh vực này? Tôi thấy vận động một người thường xuyên uống rượu, bia (nghiện bia rượu) lúc họ còn tỉnh táo chưa uống, cũng đã là việc khó nói gì đến lúc đã có hơi men trong người. Trong tình huống một người đã “ngà ngà” hoặc đã say, việc vận động thuyết phục họ đừng làm cái này cái kia, không khéo lại thành ra đôi co, xúc phạm hoặc chuyển sang cà khịa nhau, dễ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nên chăng chúng ta xem xét, ban hành các quy định khác để quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.  
Mặt khác, việc xây dựng các mô hình “Điểm kinh doanh bia rượu ATGT” kiểu như trên, vô tình lại khuyến khích khách hàng vào quán nhậu có tâm lý “uống thả ga” – không lo bị phạt, say đã có người trông xe, đưa về tận nhà, nếu vậy thì việc này lợi bất cập hại.  
- Thực tế, các cơ quan chức năng đã mất nhiều công sức nhằm hạn chế người dân sử dụng bia rượu nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, kiềm chế TNGT. Theo luật sư cần phải như thế nào mới hạn chế được tình trạng người dân sử dụng rượu bia tham gia giao thông?  
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa hạn chế được người dân sử dụng bia rượu. Thứ nhất, việc quản lý sản xuất bia, rượu của chúng ta hiện nay quá kém và bất cập – rất hiếm một nước nào trên thế giới lại xảy ra tình trạng nấu rượu, mua bán rượu tùy tiện, tràn lan dễ dàng như ở Việt Nam – có thể mua rượu ở bất cứ đâu, thậm chí trẻ con cũng mua được rượu. Thực trạng này,  cũng là nguyên nhân rất lớn trong việc mất an ninh trật tự trong xã hội cộng đồng, tiêu tốn vô ích tiền của của xã hội.
Thứ hai, chế tài xử phạt của chúng ta chưa đủ mạnh, chưa tác động lớn đến các đối tượng uống bia, rượu say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhìn ra các nước phát triển, hành vi uống bia, rượu điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự.
Thứ ba, vấn đề vận động, tuyên truyền giải thích của ta chưa hiệu quả. Cần có những biện pháp, cách thức tuyên truyền tác hại của uống bia, rượu tham gia giao thông là mối nguy hiểm lớn cho cộng đồng, xã hội và cho chính tính mạng của người sử dụng. Để cuộc vận động phát huy hiệu quả như mong đợi, cần nhanh chóng phải cả hệ thống chính trị vào cuộc.   
- Xin cảm ơn luật sư đã chia sẻ ý kiến!

Đọc thêm