Ngán ngẩm với nhà chờ xe buýt

(PLVN) - Không có mái che, không có chỗ ngồi, nơi tập kết rác thải hay bị người bán hàng rong chiếm dụng.... thực trạng này của nhà chờ xe buýt đang khiến người dân ngán ngẩm.
Nhà chờ xe buýt như một “ốc đảo” trên phố Xã Đàn
Nhà chờ xe buýt như một “ốc đảo” trên phố Xã Đàn

Những năm trở lại đây, vận tải hành khách công cộng đang là hướng đi chủ đạo mà chính quyền xây dựng để hướng tới việc giảm thiểu các phương tiện cá nhân.Thế nhưng song song với sự phát triển đó, hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt tại nhiều khu vực ở Thủ đô lại đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho những hành khách sử dụng loại hình dịch vụ này.

Muôn vàn bất cập

Phố Xã Đàn (quận Đống Đa) được xây dựng hơn chục năm nay, đây là một trong những tuyến đường hiện đại, là tuyến giao thông huyết mạch của trung tâm Thủ đô. Tuy nhiên, tuyến giao thông này thường xuyên bị ách tắc vào giờ cao điểm và một trong những nguyên nhân gây ra là do sự tồn tại của 5 nhà chờ xe buýt nằm sừng sững dưới lòng đường.

Qua quan sát, vị trí các nhà chờ đều cách vỉa hè khoảng 2 mét. Việc bố trí bất hợp lý này vô tình xẻ đôi con đường thành 2 làn xe cơ giới. Vào giờ cao điểm, hàng trăm phương tiện chen chúc, luồn lách cả mặt trước và mặt sau của trạm xe buýt. Khi muốn tiếp cận nhà chờ, khách đi xe phải mạo hiểm băng qua làn xe cơ giới ở giữa. 

Anh Nguyễn Văn Linh (quận Đống Đa) cho biết: “Tôi thường chọn xe buýt là phương tiện di chuyển thường xuyên nhưng một số điểm dừng xe trên tuyến phố này bố trí rất bất hợp lý. Mỗi khi đường đông, người đi xe buýt lại phải lách qua hàng chục xe máy mới đến được trạm xe buýt nằm giữa đường. Điều này không chỉ gây mất thời gian mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông”.

Trên thực tế đã có nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra. Một lái xe ôm tại khu vực này cho hay: “Đặt điểm buýt lưng chừng thế kia nên có nhiều lần khách vội ra điểm buýt, trong khi đó phía sau vẫn còn làn xe chạy nên người đi bộ bị xe máy va phải”.

Còn tại trục đường đê Nguyễn Khoái kéo dài từ quận Hai Bà Trưng sang quận Hoàng Mai, hay tuyến quốc lộ 32, 21A… có hàng chục điểm dừng xe buýt “ba không”: không nhà chờ, không mái che, cũng không có vỉa hè.

Nguy hiểm hơn, tại các điểm này không có sự tồn tại của hành lang an toàn, còn hành khách đi xe buýt chỉ có một lựa chọn duy nhất là đứng ngay trên lòng đường để chờ xe. Chị Đào Thị Thùy Linh (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Tôi hay đứng đây để chờ xe nhưng cũng khá là sợ. Lúc đường vắng thế này còn đỡ chứ vào giờ cao điểm, đường đông, nhiều xe máy còn chen cả vào chỗ đứng chờ xe buýt”.

Hà Nội hiện có trên 2.900 điểm đón trả khách, trong đó chỉ có khoảng 370 nhà chờ. Còn lại hơn 2.500 trạm xe buýt “đơn sơ” đã gây khó khăn cho không ít những hành khách. Theo chia sẻ của nhiều người, họ cảm thấy rất bất tiện khi phải chờ xe dưới thời tiết nắng to hay mưa lớn.

“Mỗi khi trời nắng nóng hoặc mưa tầm tã, phải đứng chờ xe buýt rất vất vả vì điểm nhiều dừng không có mái che, lại thêm không có ghế ngồi, bất tiện càng nhiều hơn. Do đó nhiều lúc tôi phải sử dụng xe máy để đi lại cho tiện”, anh Lâm - một hành khách đi xe buýt cho hay.

Không chỉ không có mái che, nhiều điểm dừng xe buýt còn trở thành nơi tập kết rác thải, nơi buôn bán của các hàng quán vỉa hè hay chốn tụ tập đón khách của cánh xe ôm. Đơn cử như tại đường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), ngay cạnh điểm dừng xe buýt là nơi tập kết rác thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Quy hoạch đường giao thông “bỏ quên” xe buýt

Theo nhận định của một số chuyên gia, trong quy hoạch thiết kế các tuyến giao thông thường không tính đến các điểm dừng chờ xe buýt. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hạ tầng phục vụ xe buýt luôn “yếu”.

Điều này không chỉ hạn chế khả năng tổ chức giao thông đối với cả xe buýt lẫn hành khách ra vào nhà chờ mà còn gây nên nhiều bất cập rất khó giải quyết khi muốn nâng cấp điểm dừng thành nhà chờ.

Trong Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025, Hà Nội đã nhấn mạnh các giải pháp về hạ tầng xe buýt: Rà soát, hợp lý hóa và cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt để bảo đảm tính kết nối mạng lưới, thuận lợi cho khách chuyển tuyến; thí điểm triển khai các làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe buýt trên các trục tuyến chính; đầu tư bổ sung và cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt hiện có theo hướng đồng bộ về hình ảnh, văn minh hiện đại, thân thiện và tiện ích cho hành khách; xây dựng điểm trung chuyển mới ngoài Vành đai 3, kết nối giữa vận tải liên vùng và vận tải công cộng trong đô thị.

Có thể nói, muốn phát triển vận tải hành khách công cộng, TP cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho phát triển hạ tầng; ban hành quy chuẩn về hệ thống điểm dừng xe buýt, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tuyến và các điểm dừng bảo đảm cự ly dưới 500m. Xe buýt sẽ khó có thể hấp dẫn hành khách nếu việc tiếp cận ngay từ các nhà chờ, điểm dừng đã khó khăn.

Đọc thêm